Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2024, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 164 dự án mới và 26 lượt điều chỉnh vốn. Tổng vốn đầu tư đạt gần 664,8 triệu USD, tăng 57,7% so với năm 2023.
Thống kê cho thấy, tổng cộng 31 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam năm qua. Trong đó, Lào là quốc gia thu hút đầu tư của Việt Nam nhiều nhất khi chiếm 28,8% vốn, tăng 62,2% so với năm 2023. Xếp sau là Indonesia (chiếm 20,7% vốn, gấp 227 lần năm 2023); Ấn Độ (chiếm 13,5% vốn, gấp 59,7 lần cùng kỳ)…
Lũy kế đến hết năm 2024, Việt Nam đã có 1.825 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam hơn 22,59 tỷ USD. Trong đó, Lào tiếp tục là địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất với gần 5,7 tỷ USD, chiếm 25,1% vốn. Các địa bàn theo sau là Campuchia (gần 2,94 tỷ USD, chiếm 13% vốn); Venezuela (gần 1,83 tỷ USD, chiếm 8,1% vốn).
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. (Ảnh: VGP). |
Liên quan đến mối quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào, Việt Nam luôn nằm trong top 3 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Lào. Ngày càng có nhiều dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đi vào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển của Lào trên nhiều lĩnh vực; tạo việc làm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hàng vạn lao động Lào; bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào trung bình khoảng 200 triệu USD mỗi năm, lũy kế từ năm 2015 tới nay đạt khoảng 1,8 tỷ USD.
Trong hai ngày 9 - 10/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến công tác tới thăm Lào và đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone. Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã chứng kiến các cơ quan, đối tác giữa hai nước trao các giấy phép, văn kiện, thỏa thuận hợp tác triển khai các dự án trị giá nhiều tỷ USD.
Trong đó, dự án Nhà máy điện gió Savan1 của Công ty Điện gió SDVIC tăng vốn đầu tư lên 32 triệu USD, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) với dự án tổ hợp trang trại bò sữa tại Lào tăng vốn đầu tư lên 85,2 triệu USD; Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào trao phụ lục hợp đồng cho CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương với dự án khai thác bauxite và xây dựng nhà máy chế biến alumin tại Lào với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD;...
Năm qua, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 16 ngành. Đáng chú ý, dòng vốn tập trung nhiều nhất vào các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tỷ lệ 30,2% vốn, trong khi năm 2023 không có dự án nào thuộc ngành này. Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 21% vốn, gấp 8,7 lần cùng kỳ. Sản xuất phân phối điện chiếm 14,2%, tăng 12,1% so với năm 2023. Còn lại là các ngành khác.
Luỹ kế từ trước đến nay, Việt Nam đầu tư ra nước ngoài 18/21 ngành, tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (hơn 7 tỷ USD, chiếm 31% vốn); nông, lâm nghiệp, thủy sản (gần 3,4 tỷ USD, chiếm 15% vốn) và thông tin truyền thông (hơn 2,84 tỷ USD, chiếm 12,6% vốn).
Đỗ Kiều