Chính phủ đề nghị để Chính phủ phân công các cơ quan quản lý nợ công như hiện hành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước) vì cho rằng các cơ quan đang thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ quản lý nợ công được phân công nên không cần thiết thay đổi chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan liên quan và tránh phải sửa Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Đầu tư công.
Ủy ban Tài chính ngân sách tiếp tục kiến nghị thống nhất đầu mối về một cơ quan là Bộ Tài chính để gắn trách nhiệm vay với trả nợ công, đây cũng là phương án Bộ Tài chính trình Chính phủ năm 2016 nhưng không được Chính phủ chấp thuận.
Tinh gọn bộ máy quản lý nợ công
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, bất cập chủ yếu được nêu ra của phân công cơ quan quản lý nợ công là do quy định hiện hành phân tán nhiệm vụ cho hai người đi vay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước, một người phân bổ vốn đầu tư công là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn một người cân đối trả nợ là Bộ Tài chính. Lập luận của phương án này cho rằng quy định như vậy sẽ khiến nợ công tăng cao vì người đi vay không lo trả nợ.
Trên thực tế, khi đàm phán bất kỳ khoản vay nào, luôn có ý kiến rõ ràng của người trả nợ là Bộ Tài chính về việc đồng ý vay trước khi cơ quan chủ trì đàm phán trình các cơ quan có thẩm quyền ký hiệp định vay.
Mặt khác, thực tế nợ công trong giai đoạn hiện nay tăng cao do tốc độ vay trong nước tăng rất nhanh (giai đoạn 2011 – 2015 là 335.000 tỷ trái phiếu Chính phủ, gấp khoảng 2,5 lần giai đoạn 2006 – 2010), trong khi tỷ lệ vay nước ngoài chỉ chiếm khoảng 25 – 30% nợ công.
Ủy ban Tài chính ngân sách còn đưa hai phương án này ra phân tích, đánh giá tác động trong cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng thống nhất đầu mối về Bộ Tài chính sẽ khắc phục tình trạng quản lý nợ công chồng chéo, cần gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với phân bổ sử dụng vốn theo hướng tinh gọn bộ máy, một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chịu trách nhiệm, một người chủ trì chịu trách nhiệm chính.
![]() |
Chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP và chỉ tiêu hệ số thanh toán nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng là một trong các công cụ quan trọng để “đo nhiệt độ” của nợ công và nợ tư của bất kỳ quốc gia nào.
Cơ quan quản lý nợ công chuyển sang quản nợ chủ động, kịp thời ứng phó với các diễn biến trên thị trường vay nợ trong nước và quốc tế, đáp ứng mục tiêu huy động vốn cho đầu tư phát triển với chi phí và rủi ro hợp lý.
Lập luận này có vẻ rất logic, hợp lý nhưng liệu một cơ quan vừa thực hiện nhiệm vụ thu – chi ngân sách, vừa thực hiện nhiệm vụ vay – trả nợ công có phải là phương án tối ưu khi tập trung quá nhiều quyền lực thực tế về tài chính công vào một cơ quan, đồng thời, cơ quan này sẽ nắm mọi thông tin, quyết định về tài chính công của quốc gia, như vậy việc kiểm soát có khả thi?
Cần quy định các chỉ tiêu nợ?
Tuy nhiên, không chỉ có tổ chức mới, tập trung đầu mối mới quản lý được nợ công mà dự thảo Luật Quản lý nợ công còn cần phải bổ sung nhiều nội dung chính sách kiểm soát nợ công.
Chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP và chỉ tiêu hệ số thanh toán nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng là một trong các công cụ quan trọng để “đo nhiệt độ” của nợ công và nợ tư của bất kỳ quốc gia nào.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính ngân sách lại đề nghị không quy định các chỉ tiêu này vì cho rằng phạm vi nợ công không bao gồm các khoản tự vay, tự trả của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng nên đưa các chỉ tiêu này vào luật là không phù hợp.
Để kiểm soát thực chất nợ công, cần tăng cường nhiều hơn nữa các công cụ, chỉ số kinh tế liên quan, đồng thời đối chiếu, giám sát để có giải pháp kịp thời. Ví dụ, dự thảo luật quy định chỉ tiêu an toàn nợ công là hệ thống chỉ tiêu quy định mức trần và ngưỡng cảnh báo về nợ công, song không rõ ngưỡng cảnh báo là bao nhiêu, hiện nay nợ công của Việt Nam đã tiến sát trần 65% theo Nghị quyết của Quốc hội, vậy sẽ được ai cảnh báo và giải pháp gì được triển khai?
Ủy ban Tài chính ngân sách cũng đề nghị bỏ ra khỏi dự thảo luật chiến lược quản lý nợ công của quốc gia trong từng thời kỳ vì cho rằng các nội dung, chi tiêu quản lý nợ công cụ thể đã được quy định trong Kế hoạch vay, trả nợ 5 năm, Chương trình quản lý nợ trung hạn 3 năm.
Tuy nhiên, với mức nợ công cao ở mức 65% như Việt Nam và chưa có xu hướng giảm xuống, một chiến lược dài hạn để định hướng các giải pháp xử lý nợ công là rất cần thiết, chiến lược này cần đặt ra các yêu cầu cụ thể giảm nợ công trong từng giai đoạn với lộ trình rõ ràng để Quốc hội và Chính phủ có thể phải thực hiện nhiều nhiệm kỳ mới từng bước đạt được hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề nợ công một cách triệt để, giảm gánh nặng cho thế hệ sau, Luật Quản lý nợ công không chỉ kiểm soát khoản vay, vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ, mà luật này cần đặt ra yêu cầu đối với công tác điều hành nền kinh tế ít nhất trong giai đoạn 10 – 20 năm tới theo hướng kiên quyết giảm mạnh bội chi, tiết kiệm nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển.
Nếu thực hiện các biện pháp điều hành theo hướng chủ động giảm chi thường xuyên đang ở mức rất cao (khoảng 65% so với tổng chi ngân sách nhà nước), chỉ vay để đầu tư với các khoản vay có mục tiêu và phương án trả nợ rõ ràng, kiên quyết không vay để tăng theo nhu cầu, đương nhiên bộ máy hành chính sẽ buộc phải tự cơ cấu lại cho phù hợp với số được phép chi, năng suất của nền kinh tế mới có cơ hội được nâng lên, nợ công giảm dần.
Minh Quang