Theo công bố từ Nikkei – IHS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam (PMI) – một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất – đã tăng nhẹ từ 52,5 điểm của tháng 6 lên 52,6 điểm trong tháng 7.
Sản lượng ngành sản xuất đã tăng mạnh trong tháng vừa qua với tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Các công ty cho thấy họ có thể theo đuổi các kế hoạch sản xuất với việc số lượng đơn đặt hàng mới tăng.
Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng mạnh và đây là mức tăng nhanh nhất trong năm 2019 giữa bối cảnh nhu cầu khách hàng cải thiện.
Số lượng đơn đặt hàng mới của tháng 7 đã tăng nhanh nhất trong 8 tháng bất kể đơn hàng xuất khẩu tăng yếu nhất trong 44 tháng (Ảnh Internet) |
Tuy nhiên, tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã chậm lại, xuống mức yếu nhất trong 44 tháng khi quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng.
Số lượng đơn đặt hàng mới đã tạo thêm áp lực cho công suất của các nhà sản xuất tại Việt Nam. Lượng công việc tồn đọng đã tăng tháng thứ hai liên tiếp và các công ty đã đáp ứng yêu cầu sản lượng tăng bằng cách tuyển thêm nhân viên lần thứ 3 trong 4 tháng qua.
Tuy nhiên, tốc độ tạo thêm việc làm ở mức yếu.
Ông Andrew Harker, Phó giám đốc IHS Markit đánh giá dữ liệu PMI gần đây cho thấy các nhà sản xuất Việt Nam tiếp tục thành công trong tháng 7 với số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh nhất trong năm.
Kết quả này có được bất kể đơn hàng xuất khẩu tăng yếu nhất trong 44 tháng khi tranh chấp về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc làm cản trở dòng chảy thương mại toàn cầu.
Ông Harker cho rằng, nếu PMI vẫn ở quanh mức hiện tại trong những tháng còn lại của quý, sản lượng ngành sản xuất sẽ có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng hai con số theo năm vào quý III năm nay.
Công Trí