Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp mới đây về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (áp dụng từ 1/7/2019, tiếp theo Quyết định 11/2017 của Thủ tướng Chính phủ).
Phó Thủ tướng cho rằng dự thảo quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam được Bộ Công Thương tổ chức xây dựng đã nghiên cứu sửa đổi cơ chế hiện nay theo xu hướng phát triển điện mặt trời trên thế giới và ở nước ta.
Yêu cầu sớm có quy định đấu thầu dự án điện mặt trời (Ảnh: Internet) |
Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo, Bộ Công Thương cần làm rõ kinh nghiệm của các quốc gia về vấn đề bảo vệ môi trường và áp dụng quy định khuyến khích giá điện mặt trời theo vùng, trong đó có số liệu cụ thể về mức giá, mức độ chênh lệch giữa các vùng.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu cần có quy định về đấu thầu thực hiện các dự án điện mặt trời để sớm triển khai trong thời gian tới. Ngoài phương án chia giá điện theo 4 vùng, Bộ Công Thương cần nghiên cứu thêm phương án chia 2 vùng để khuyến khích phát triển hợp lý điện mặt trời tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế về bức xạ nhiệt, đất đai để đảm bảo hiệu quả kinh tế chung, đồng thời hài hòa phát triển các vùng để tối ưu vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, hiệu quả.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương phối hợp cùng Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát, thống nhất các phương án đề xuất phù hợp với điều kiện nước ta, đảm bảo hiệu quả đầu tư phát triển chung, không làm phát sinh những hệ lụy trong quá trình thực hiện.
Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương xem xét kiến nghị của một số địa phương, một số chủ đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời về phương án xử lý đối với một số dự án đã được đầu tư xây dựng song chưa thể đưa vào vận hành thương mại do chậm tiến độ các đường dây đấu nối hoặc nguyên nhân khác mà không phải do chủ đầu tư gây ra. Đồng thời, khẩn trương lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có nội dung quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia đã được nghiên cứu.
Theo dự thảo về cơ chế khuyến khích điện mặt trời trước đó được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, giá mua bán điện mặt trời được phân theo vùng địa lý và các mô hình phát điện khác nhau. Cụ thể có 4 vùng địa lý khác nhau và 4 loại hình sản xuất điện mặt trời là: Dự án điện mặt trời nổi, dự án điện mặt trời mặt đất, dự án điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ, dự án điện mặt trời trên mái nhà.
Theo đó, giá mua điện mặt trời cao nhất là 2.486 đồng/kWh (tương đương 10,87 UScent/kWh), áp dụng cho các dự án điện mặt trời trên mái nhà đối với các dự án điện tại vùng 1 là các tỉnh phía Bắc và Bắc miền Trung. Giá điện thấp nhất là 1.525 đồng/kWh (tương đương 6,67 UScent/kWh), áp dụng cho các dự án điện mặt trời mặt đất tại khu vực vùng 4, là các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên.
Lê Thúy