Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2020 khai mạc sáng 11/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá Diễn đàn đã lắng nghe nhiều ý kiến tâm huyết của các HTX, bộ ngành trung ương, tổ chức quốc tế.
"Bộ KH&ĐT và Liên minh HTX Việt Nam tiếp thu ý kiến góp ý này để tiếp tục hoàn thiện những nhiệm vụ về phát triển kinh tế hợp tác (KTHT), nòng cốt là HTX", Phó Thủ tướng đề nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn. |
Diễn đàn là dịp để Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, bộ, ngành, doanh nghiệp, Liên minh HTX nhận diện rõ cơ hội, thách thức mới trong phát triển KTHT, HTX; Từ đó đề xuất các giải pháp phát triển trong thời kỳ mới. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các HTX hợp tác với nhau, HTX hợp tác với doanh nghiệp (DN) để phát triển KTHT mạnh mẽ hơn.
Theo Phó Thủ tướng, KTHT, nòng cốt là HTX, tổ hợp tác (THT) là thành phần của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mô hình hợp tác được xây dựng và phát triển nhằm phát huy tri thức, kinh nghiệm, nguồn lực thành viên trở thành sức mạnh cộng đồng, thích ứng với điều kiện cạnh tranh của thị trường. Nhiều tập đoàn, công ty lớn có năng lực cạnh tranh toàn cầu, do vậy những nông hộ nhỏ lẻ, đặc biệt là người nông dân sẽ phát triển khó khăn nếu không liên kết trong tổ chức HTX, THT được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ.
Trong những năm qua, khu vực KTHT, HTX phát triển trên hầu hết các lĩnh vực, đóng góp ngày càng quan trọng vào nền kinh tế của đất nước, trực tiếp nâng cao thu nhập thành viên. Theo Tổng cục Thống kê, đóng góp của khu vực KTHT là 4% vào GDP.
Phó Thủ tướng đánh giá: Khu vực KTHT từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, giúp phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Số lượng HTX ứng dụng KH&CN ngày càng tăng, thu hút nhiều lao động trẻ.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, khu vực KTHT vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục. KTHT phát triển chưa tương xứng tiềm năng, tốc độ tăng trưởng còn thấp, tỷ lệ đóng góp vào GDP thấp; phần lớn HTX quy mô còn nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, chất lượng sản phẩm kém.
Mặt khác, rất ít HTX làm được đầy đủ các chức năng từ cung cấp dịch vụ đầu vào đến hỗ trợ vốn, kỹ thuật, giống, vật tư, tổ chức sản xuất cho các thành viên, tìm kiếm thị trường... Trong khi đó, nhiều HTX vẫn hoạt động hình thức, mới chỉ làm được một số khâu dịch vụ đơn giản; Phát triển HTX chưa đồng đều giữa các vùng, miền, các địa phương; Gắn kết lợi ích giữa các thành viên chưa cao, sự liên kết còn lỏng lẻo. Việc đầu tư ứng dụng KH&CN vào HTX còn hạn chế, khi vốn ít, nhân lực hạn chế.
Phó Thủ tướng cho rằng có nhiều nguyên nhân, đó là triển khai các chính sách pháp luật chậm trễ, thiếu các cơ chế hỗ trợ. HTX là người yếu thế nên phải có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Đồng thời, việc tiếp cận chính sách của HTX còn khó khăn vì vướng thủ tục, thiếu nguồn lực. Sự vào cuộc của cấp uỷ Đảng, chính quyền ở một số nơi chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của KTHT. Năng lực quản lý, quản trị HTX từ đầu tư đến xây dựng, phát triển sản xuất kinh doanh còn hạn chế...
Đất nước đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, mục tiêu đặt ra đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao, năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại. Để đạt được điều này, Việt Nam kiên trì phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Muốn vậy, phải tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế, trong đó khu vực KTHT, HTX có vai trò nòng cốt rất quan trọng.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh về pháp lý, hạ tầng, nhân lực để tạo điều kiện cho khu vực KTHT, HTX phát triển.
Đồng thời, tái cấu trúc nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của HTX, DN.
Từ đó, Phó Thủ tướng cho biết, cần xác định rõ định hướng và mục tiêu phát triển của các ngành kinh tế, nhằm định hướng mục tiêu phát triển KTHT trong 10 năm tới.
"Phát triển KTHT nhanh và bền vững, xuất phát từ nhu cầu của người dân, phát huy tối đa lợi thế, gắn sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, tăng cường liên kết giữa các HTX với nhau. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước phải xây dựng chính sách để phát triển KTHT", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, khu vực KTHT là tổ chức kinh tế nên phải có khả năng cạnh tranh, năng động, hiệu quả bền vững, thực sự là thành phần quan trọng của nền kinh tế. Đồng thời, không ngừng nâng cao đời sống, thu nhập của thành viên, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đến năm 2025-2030, Việt Nam cần 10.000 tổ chức KTHT, thu hút 8 triệu thành viên tham gia, xây dựng nhiều mô hình KTHT ứng dụng công nghệ (3.000 mô hình KTHT ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị).
Phó Thủ tướng đánh giá đây là nhiệm vụ nặng nề, vì vậy lãnh đạo các cấp, các ngành phải nhận thức rõ vai trò của KTHT, HTX.
Đồng thời, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật, thể chế phát triển KTHT, HTX. Trong đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính thành lập HTX, giúp HTX mở rộng quy mô; Rà soát hoàn thiện văn bản pháp luật, các luật liên quan về thuế, đất đai, bảo hiểm, ngân hàng... Bổ sung sửa đổi chính sách hỗ trợ ưu đãi, thúc đẩy phát triển HTX.
"Mỗi địa phương phải xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển HTX gắn với kế hoạch phân bổ không gian đất đai, nguồn lực, nguồn nhân lực... cho phát triển HTX", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Mặt khác, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh của các HTX, các HTX chủ động tái cấu trúc lại chính mình gắn với tiềm năng, lợi thế của từng khu vực theo nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX Việt Nam theo thẩm quyền để thực sự là chỗ dựa, "ngôi nhà chung" cho HTX, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên, đồng thời có khả năng hỗ trợ cho HTX.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc tế Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ về phát triển KTHT, HTX...
"Trong thời kỳ phát triển sắp tới, khu vực KTHT, HTX cần phải phát triển đúng với tiềm năng, vị trí và vai trò của mình, đóng góp vào sự phát triển đất nước, giúp dân giàu nước mạnh", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Lê Thúy - Hiến Nguyễn