Sáng ngày 28/11, tại Bến Tre, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre chủ trì tổ chức “Lễ công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ”. Sự kiện này đánh một dấu mốc quan trọng đối với trái bưởi Việt Nam, bởi như nhiều loại trái cây khác, có thời điểm trái bưởi da xanh phải rớt giá xuống 15.000 đồng/kg.
Chỉ lo thiếu hàng, chất lượng không đạt
Công ty CP Tập đoàn XNK trái cây Chánh Thu là một trong những doanh nghiệp (DN) đầu tiên tham gia xuất khẩu trái bưởi da xanh tới thị trường Hoa Kỳ. Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, thị trường Hoa Kỳ không chỉ có nhu cầu nhập khẩu trái bưởi da xanh, mà họ còn tiêu thụ bưởi Năm roi quanh năm. Rõ ràng thị trường rất lớn, nhưng đó là câu chuyện mà ngành này cần phải đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết bền vững, làm sao đạt chất lượng, sản lượng cung cấp vào thị trường lớn nhất thế giới này.
![]() |
Niềm vui của người trồng bưởi trước tin vui loại trái cây này được xuất sang thị trường Hoa Kỳ. |
Đồng thời, bà Vy cũng cho rằng bưởi là một trong những loại trái cây được trồng tại Hoa Kỳ do đó việc yêu cầu kiểm soát sinh vật gây hại rất nghiêm khắc. Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng mất nhiều thời gian để tập huấn cho bà con nông dân cũng như chuyển đổi quy trình canh tác.
“Trong thời gian qua, chúng ta đã học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ các chuyên gia của Hoa Kỳ. Sau buổi lễ xuất khẩu, chúng ta cần hoàn thiện lại các chuỗi liên kết. Trong thời gian tới, mục tiêu của Chánh Thu là đưa trái bưởi vào các chuỗi hệ thống siêu thị lớn như Costco, Walmart”, bà Ngô Tường Vy chia sẻ thêm.
Để xuất khẩu được trái bưởi da xanh không thể không nhắc một mắt xích quan trọng là hợp tác xã (HTX). Theo đó, HTX sẽ phụ trách khâu đặc biệt quan trọng là xây dựng vùng trồng, kiểm soát chất lượng và đảm bảo truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Trong đó, HTX Bưởi da xanh Bến Tre (Châu Thành, Bến Tre) đang xây dựng khoảng 100ha bưởi da xanh, với sản lượng cung ứng lên tới 65 tấn/tháng.
Ông Nguyễn Văn Thạch, thành viên Hội đồng quản trị HTX Bưởi da xanh Bến Tre (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), cho biết một tháng nay, bà con thành viên HTX rất phấn khởi bởi sản lượng bưởi đã được tiêu thụ và giá cũng tăng lên. Đây chính là động lực để bà con tập trung canh tác bưởi đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Thạch cũng trăn trở, tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ rất khắt khe. Vừa qua, tỷ lệ thu mua đạt tiêu chuẩn sang Mỹ chỉ đạt 10%.
Ông Thạch đề nghị các ngành chức năng xây dựng mô hình điểm canh tác bưởi đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ. Qua đó, nhân rộng để giúp nâng tỷ lệ hàng đạt chuẩn lên 80-90% khi thu mua bưởi xuất khẩu sang thị trường này.
Thực tế băn khoăn của đại diện HTX Bưởi da xanh Bến Tre làm chúng ta nhớ đến bài học từ Vú sữa Lò Rèn của Tiền Giang. Theo đó, vú sữa Lò Rèn từng rất tự hào khi được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Thế nhưng đáng tiếc, theo thời gian, vú sữa Lò Rèn đã không cho thấy được hiệu quả ở thị trường này.
Không dẫm lên ‘vết xe đổ’ của Vú sữa Lò Rèn
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan từng nhiều lần dẫn ra bài học của vú sữa Lò Rèn tại mỗi sự kiện mở cửa thị trường mới cho nông sản. Bộ trưởng chia sẻ: “Tôi nhớ hồi đó, truyền thông ca ngợi nhiều, coi đó là điểm sáng của ngành nông nghiệp bởi thị trường Hoa Kỳ rất khó tính. Nhưng bây giờ thì sao? Cây vú sữa Lò Rèn chỉ còn lác đác trong vườn của vài nông dân để làm kỷ niệm. Người ta trồng để nhớ về một thời có loài cây như thế từng sang Hoa Kỳ. Đó là bài học cho nhiều loại trái cây khác khi mở được thị trường lớn, thị trường tiềm năng”.
Thực tế, lời nhắn nhủ của Tư lệnh ngành Nông nghiệp đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay khi mà nhiều loại trái cây Việt Nam đang được xuất khẩu tới các thị trường lớn. Có thể nói 2022 là năm đại thắng của trái cây Việt cũng không sai.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), trước tiên là sản phẩm chanh leo của Việt Nam được nhập khẩu vào Trung Quốc với các quy định tạm thời. Tiếp đến, sầu riêng và chuối của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước.
Ngày 17/10/2022, Cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng nhau ký kết Chương trình xuất khẩu quả bưởi từ Việt Nam sang Hoa Kỳ. Tiếp sau đó, quả chanh leo và bưởi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand sau khi điều kiện nhập khẩu được 2 bên ký kết vào ngày 15/11/2022. Mới đây, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) cũng đã công bố trên trang web của Chính phủ cho phép quả nhãn tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Nhật Bản vào ngày 18/11/2022.
Cùng với đó là những tín hiệu vui khi thị trường EU đang nhập nhiều loại trái cây Việt Nam để tận dụng những lợi thế từ Hiệp định EVFTA. Hiệu quả từ các sự kiện trên đã giúp giá nhiều loại trái cây trên đã tăng mạnh.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết giá sầu riêng đã tăng gấp 3 lần so với trước khi có Nghị định thư cho phép xuất sang Trung Quốc, tạo ra thu nhập tốt cho người nông dân. Đơn cử như tại Tiền Giang, từ đầu tháng 10/2022, giá sầu riêng được thu mua dao động trong khoảng từ 65.000 – 75.000 đồng/kg, cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Thống kê cho thấy gần 2 tháng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, trung bình mỗi ngày có khoảng 20 xe được xuất khẩu thành công và dự báo hết tháng 11, sản lượng đạt trên 30.000 tấn.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thời gian tới đơn vị này sẽ triển khai tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương và các bên liên quan các quy định của Trung Quốc, New Zealand và Nhật Bản về các yêu cầu nhập khẩu đối với khoai lang, chanh, bưởi và nhãn.
Cục Bảo vệ thực vật mong muốn các thành phần tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản tiếp tục cập nhật thông tin kịp thời, kết nối chặt chẽ để đảm bảo thông suốt thương mại nông sản ở các thị trường đã có, cũng như mở rộng các cơ hội tiếp cận các thị trường mới, tăng tính cạnh tranh và xây dựng thương hiệu nông sản Việt dựa trên các vùng trồng uy tín, chất lượng và giá trị cao.
Ông Trần ngọc Tam Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trái bưởi da xanh được xuất sang thị trường Hoa Kỳ là niềm vui của tỉnh Bến Tre, đặc biệt với người trồng bưởi. Nhiều năm qua, chúng ta chuẩn bị cho việc xuất lô bưởi rất kỳ công, đặc biệt là xây dựng vùng trồng, sản xuất theo yêu cầu thị trường, giúp người trồng bưởi tham gia HTX để đồng nhất về chất lượng, xây dựng chỉ dẫn địa lý đến quy cách đóng gói… Nhiệm vụ trong thời gian tới là đảm bảo đủ nguồn cung sang Hoa Kỳ, cũng như các thị trường khác, cùng với đó là đẩy mạnh xây dựng vùng trồng, hướng dẫn kỹ thuật, sản xuất theo quy trình sạch, hữu cơ. Làm được những yêu cầu trên thì mới đảm bảo chất lượng bưởi xuất khẩu sang các thị trường khác trong thời gian tới.
Ông Đặng Phúc Nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Ngay sau chuyến sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, giá mặt hàng này đã liên tục tăng mạnh. Song trong giai đoạn này, chúng ta không thể vì tăng giá mà cố gắng ồ ạt trồng, xuất khẩu ào ào với số lượng lớn mà cần đầu tư làm bài bản, có thể chậm hơn nhưng phát triển bền vững hơn. Theo đó, doanh nghiệp, nông dân, HTX cần nắm bắt thông tin, chuyển đổi phương thức sản xuất, liên kết vùng trồng, đăng ký mã số vùng trồng… để nắm bắt được cơ hội xuất khẩu và nâng cao giá trị.
Ông Trần Ngọc Quân Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu EU là thị trường khó tính và đòi hỏi chất lượng cao, phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe cho hàng nông sản. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU, nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại châu Âu như thanh long, vải, chanh leo…. Tuy nhiên vẫn còn nhiều lô hàng thực phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm hoặc có vấn đề về xuất xứ. Do vậy, đề nghị các doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh bài bản, lâu dài với thị trường EU. |
Lê Thúy