Chính vì những đề xuất thu phí kiểu này, một chủ doanh nghiệp (DN) ở Tp.HCM đã phải thốt lên rằng: “Tại sao phải tìm đủ cách để thu phí khi người dân, DN. Hàng Việt đang bị đủ loại thuế, phí bao vây, bảo sao hàng Việt kém cạnh tranh hơn hàng ngoại”.
Dẫn chứng cho điều này, có thể đơn cử mặt hàng nước giải khát: Sting Việt có giá 45.000 đồng/6 lon, trong khi Sting Thái có giá 42.000 đồng/6 lon; hay trà Lipton Việt 120.000đ/100 túi, còn trà Lipton Thái chỉ 95.000/100 túi. Như vậy, người tiêu dùng sẽ chọn sản phẩm của ai.
Mục đích “tận thu”?
Dự án thu phí ô tô vào khu trung tâm Tp.HCM đang được lấy ý kiến rộng rãi và theo như Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM, nhằm hạn chế ùn tắc giao thông do công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) đề xuất, đang được bổ sung, hoàn thiện để trình Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Tp.HCM xem xét.
Cụ thể, thời gian thu phí chiều vào mỗi ngày từ 6 giờ đến 19 giờ, mức thu 40.000 đồng/ô tô cá nhân, 30.000 đồng/taxi, 50.000 đồng/xe tải, xe buýt thương mại.
Thực tế, đề án thu phí này được UBND Tp.HCM giao ITD nghiên cứu từ năm 2010, nhưng đến năm 2012, thành phố đã tạm dừng đề án. Sau đó, đầu năm 2017, Tp.HCM tiếp tục giao ITD tái khởi động đề án.
Trong báo cáo mới đây của ITD, dự kiến thành phố sẽ lập một vành đai các tuyến đường (nằm trên địa bàn các quận 1, 3, 5, 10), bao quanh khu vực trung tâm. Trong giai đoạn đầu sẽ xây dựng 36 cổng thu phí.
Nhiều ý kiến trên các diễn đàn mạng xã hội đặt vấn đề là đề xuất này vì mục đích giảm kẹt xe hay vì mục đích “tận thu”. Ai sẽ chịu trách nhiệm khi dự án thực hiện không giảm được ùn tắc giao thông mà thậm chí còn tăng ùn tắc?
Nếu thu thêm 50.000 đồng/xe tải/lượt vào trung tâm quận 1 (Tp.HCM), như vậy DN nào có xe vận tải hàng hóa ra vào khu vực trung tâm thành phố nhiều lần mỗi ngày sẽ tốn chi phí lớn, DN lại càng khó khăn hơn.
Với băn khoăn của ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Tp.HCM, các DN vận tải hiện nay đã phải gánh rất nhiều chi phí cho quỹ bảo trì đường bộ, các trạm thu phí hình thức BOT mọc lên khắp nơi từ Bắc vào Nam…
Do đó, theo ông Quản, những khoản phí này là gánh nặng của DN và làm giá thành vận tải tăng cao, giá thành hàng hóa cũng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, thời gian gần đây, do cạnh tranh gay gắt, hàng loạt DN vận tải thường xuyên phải bù lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản.
Rõ ràng, việc thu phí xe ô tô, xe tải vào trung tâm Tp.HCM là vấn đề hết sức nhạy cảm với chuyện làm ăn, kinh doanh của giới DN. Đây là nơi tập trung nhiều dịch vụ, nếu thu phí, những hộ kinh doanh và người dân có nhu cầu ra vào khu vực này thường xuyên sẽ phải chịu rất nhiều phí.
![]() |
Gánh nặng thuế, phí còn rất lớn làm giảm sức cạnh tranh của DN Việt
Phí chồng phí
Đời sống người dân, DN càng trở nên khó khăn hơn vì thu nhập ít trong khi chi phí nhiều, vậy làm sao họ có thể chịu nổi. Chưa nói, một số cửa ngõ vào trung tâm thành phố như Xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu… cũng có trạm thu phí, cho nên, nếu triển khai thu phí vào khu trung tâm, có phải là phí chồng phí?
Đồng thời cần làm rõ đề xuất này căn cứ mục nào của danh mục phí, lệ phí được ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13. Nếu là phí giao thông thì đã được tính vào xăng dầu, nếu là phí dịch vụ thì dịch vụ gì. Hơn nữa, xe ô tô 4 chỗ hiện đang mang vác rất nhiều khoản phí, nếu áp thêm các khoản trên liệu có hợp lý.
Nhân chuyện đề xuất thu phí này, cũng nên nói thêm, mới đây, UBND Tp.HCM đã phê bình Giám đốc Sở Du lịch thành phố về đề xuất thu tiền du khách qua đêm của sở này. Trước đó, Sở Du lịch Tp.HCM đề xuất cơ chế thu của mỗi du khách tới thành phố 1 USD/đêm để tạo quỹ phát triển du lịch.
Tiền sẽ được thu thông qua các cơ sở lưu trú, sau đó nộp vào quỹ để có nguồn phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và công tác nguồn nhân lực du lịch Tp.HCM.
Đề xuất thu phí du khách qua đêm đã gây ra phản ứng dữ dội từ phía dư luận vì cho rằng quá vô lý, mang nặng tư duy “ăn xổi” và có nguy cơ khách du lịch đến Tp.HCM không có quay lại Việt Nam. Trong khi Chính phủ đang tìm mọi cách để thu hút và giữ khách du lịch, đề xuất của Sở Du lịch Tp.HCM chẳng khác gì xua đuổi họ.
Cần nhắc lại, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành trong năm 2017 chưa tăng thuế, phí, lệ phí để tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng cho rằng gánh nặng về thuế, phí đối với DN còn rất lớn, chúng ta phải tìm cách tháo gỡ. “Chúng ta đặt vấn đề năm nay là năm giảm chi phí cho DN, nhưng một số phí như phí BOT còn cao, trạm thu phí bất hợp lý gây bức xúc”, Thủ tướng nói. Trên thực tế, tổng phí vận tải DN phải đóng lên tới 70 loại, chưa kể một số phí như phí BOT.
Ngoài ra, sau đề xuất tăng nhiều loại thuế, giữa tháng 9/2017, Bộ Tài chính có gửi công văn thúc giục hàng loạt bộ, ngành tiếp tục giảm chi phí khi cung cấp các dịch vụ công và đề nghị sửa đổi hàng loạt thông tư liên quan.
Phải thấy rằng người dân và DN là chủ thể quan trọng nhất đóng góp vào ngân sách, giúp duy trì hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc “đẻ ra” những loại phí vô lý để tận thu.
Quan điểm “trải thảm”, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm gánh nặng về thuế phí với DN từ thông điệp của Chính phủ là rất rõ. Cho nên các bộ, ngành và địa phương không thể hành động ngược lại như “rải đinh” được.
Những đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm Tp.HCM hay thu phí du khách qua đêm chính là điển hình của những “chiếc đinh” này.
Thế Vinh