Ghi nhận vào ngày 18/10 trên thị trường thế giới cho thấy, giá dầu thô bật tăng lên gần 2% trong bối cảnh xung đột ở Trung Đông leo thang. Không những vậy, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến trong bối cảnh lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ Trung Đông do xung đột Israel - Hamas ngày càng sâu sắc.
Hệ lụy xung đột gia tăng
Liên quan cuộc xung đột Israel – Hamas đang đẩy giá dầu lên mức tăng đáng kể, Ts. Bùi Duy Tùng (Đại học RMIT) cho rằng, nếu giá dầu toàn cầu tăng vọt do một sự kiện như cuộc chiến này, người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ phải chịu mức giá cao trong một thời gian dài trước khi có bất kỳ sự can thiệp nào từ chính phủ diễn ra. Sự chậm trễ này có thể có tác động lan tỏa đến nền kinh tế, làm tăng chi phí vận chuyển, hàng hóa và dịch vụ, từ đó thúc đẩy lạm phát.
![]() |
Những biến động kéo dài trên toàn cầu đang thách thức khả năng phục hồi cho các DN Việt trong các tháng cuối năm nay. |
Theo ông Tùng, cuộc chiến Israel – Hamas không chỉ làm tăng giá dầu do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung, mà còn làm tăng thêm mối lo về các sự kiện địa chính trị ảnh hưởng các chỉ số kinh tế toàn cầu. Cuộc xung đột cũng tác động đến thị trường tài chính toàn cầu, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và giá trị tiền tệ.
Cuộc chiến này, cộng với cuộc xung đột dai dẳng giữa Nga và Ukraine khiến cho lạm phát thế giới được dự báo còn dai dẳng, rủi ro suy thoái vẫn thường trực. Như ở Mỹ, khả năng nền kinh tế rơi vào trạng thái suy thoái vẫn còn hiện hữu. Theo giới phân tích, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 11/2023. Còn tại EU, nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, lạm phát được dự báo ở mức cao trong thời gian dài tiếp tục là mối lo hàng đầu của ngân hàng trung ương.
Với Trung Quốc, áp lực giảm phát đã dịu bớt, kết quả GDP quý 3/2023 được nước này công bố vào ngày 18/10 cho thấy, mạnh hơn dự kiến với tốc độ 4,9%, tuy vậy tăng trưởng theo quý vẫn yếu trong năm nay.
Cần lưu ý rằng áp lực giảm phát ở Trung Quốc vẫn còn tiềm ẩn, có thể dẫn đến xu hướng giảm phát toàn cầu, ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Điều này có thể đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam, đặc biệt khi phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
Khi Trung Quốc vẫn còn “vật lộn” để hồi phục kinh tế, tác động không chỉ giới hạn trong biên giới nước này. Với mối quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc, Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng và cần biện pháp ứng phó kịp thời.
Nhìn vào các biến động toàn cầu và khó khăn từ những thị trường lớn, truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc như nêu trên sẽ thấy vẫn còn đó các “phép thử” cho khả năng phục hồi của các doanh nghiệp (DN) Việt trong các tháng cuối năm nay.
Như nhận định mới đây của Tổng cục Thống kê, xung đột gia tăng, các vấn đề an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ngày càng gay gắt…góp phần làm chậm quá trình phục hồi của kinh tế thế giới, thậm chí gây ra tình trạng tăng trưởng thấp, lạm phát cao.
Theo đó, hầu hết các nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy cục bộ khiến tổng cầu thế giới suy giảm, nhất là những thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc…
Làm gì để đối phó các cú sốc mới?
Theo Tổng cục Thống kê, tác động này ảnh hưởng cả đầu vào và đầu ra của DN khiến đơn hàng sụt giảm, cạnh tranh gia tăng gây khó khăn cho cả DN đang hoạt động và sự hình thành của các DN mới.
Trở lại với cuộc xung đột giữa Hamas và Israel, theo Ts. Bùi Duy Tùng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn một khi giá dầu toàn cầu tăng vọt khi cuộc xung đột này leo thang.
Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, giảm 150 điểm cơ bản lãi suất chính sách từ tháng 3 đến tháng 6/2023, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 6,9% vào tháng 9/2023, cho thấy những kết quả mong đợi vẫn chưa thực sự đạt được.
Về tỷ lệ lạm phát, theo ông Tùng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát chung, giảm từ 4,9% so với cùng kỳ vào tháng 1 năm 2023 xuống còn 2,1% so với cùng kỳ vào tháng 7/2023, tuy nhiên, lạm phát cơ bản lại chỉ giảm tốc độ từ 5,2% xuống 4,1% trong cùng khoảng thời gian.
Điều này cho thấy áp lực lạm phát cơ bản vẫn còn là một mối lo đáng kể. Vấn đề này đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu Ngân hàng Nhà nước có cần phải điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình để đối phó với các cú sốc mới hay không?
Về chính sách tiền tệ, trong nhận định gần đây từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset, có cho rằng Việt Nam sẽ duy trì chính sách tiền tệ thận trọng để duy trì sự cân bằng giữa ổn định tỷ giá và giảm lãi suất cho vay. Điều này dựa trên các yếu tố thặng dư thương mại, FDI ổn định, lạm phát được kiểm soát và thanh khoản hệ thống được quản lý tốt.
Bên cạnh đó, tỷ giá đang nóng lên cũng là một thách thức. Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán BSC dự báo tỷ giá USD/VND đến cuối năm 2023 có thể dao động khoảng 3% - 4% so với đầu năm 2023.
Ts. Bùi Duy Tùng lưu ý Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo cho Việt Nam về nguy cơ biến động tỷ giá hối đoái, đặc biệt khi lãi suất đã được điều chỉnh xuống. Khi giá dầu tăng, nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu dầu cũng tăng theo, có thể đẩy giá trị của đồng Việt Nam xuống. Một đồng tiền yếu hơn có thể tạo ra tác động truyền dẫn đến lạm phát, khi giá của các mặt hàng nhập khẩu, bao gồm dầu, tăng tính theo đồng nội tệ.
“Sự mất giá của đồng tiền có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Nhà nước. Trong bối cảnh này, Việt Nam có thể phải đối mặt với một loạt các quyết định khó khăn về chính sách tiền tệ và quản lý tỷ giá hối đoái để đảm bảo ổn định kinh tế”, vị chuyên gia của RMIT nói.
Nói chung, để đối phó với các tác động tiêu cực từ “phép thử” biến động toàn cầu như hiện nay, chiến lược cần ưu tiên hàng đầu cho các DN của Việt Nam trên chặng đường phục hồi trong các tháng cuối năm nay là cần linh hoạt ứng phó phù hợp trước các biến động. Điều này bao gồm việc hợp lý hóa hoạt động để duy trì lợi nhuận, ngay cả khi doanh thu đang giảm và xây dựng nguồn dự trữ tiền mặt đáng kể để đối phó với suy thoái kinh tế có thể xảy ra.
Thế Vinh