Tháng 3/2018, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu (NK) vào Việt Nam, với mức thuế 1.128.531 đồng/tấn, kéo dài trong 2 năm. Đây được xem là giải pháp tình thế để cứu nguy các doanh nghiệp (DN) phân bón nội trước sức ép cạnh tranh từ phân bón NK.
Mỗi năm nhập hơn 4 triệu tấn
Theo Báo cáo Xuất Nhập khẩu 2017 của Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, cả nước hiện có 706 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện hoạt động với tổng công suất hơn 28,5 triệu tấn/năm, trong đó phân vô cơ là trên 26 triệu tấn và phân hữu cơ là 2,5 triệu tấn.
Nhu cầu tiêu thụ phân bón trên cả nước những năm gần đây đạt khoảng 11 triệu tấn/năm, trong đó nhu cầu phân bón vô cơ chiếm khoảng 90%. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ phân bón theo từng năm dao động ở mức 1,4 triệu tấn lân, 2,3 triệu tấn urê, gần 4 triệu tấn NPK; các loại phân còn lại như DAP, Kali, SA dao động ở mức 850.000 – 950.000 tấn.
So với nhu cầu sử dụng phân bón trong nước hiện nay, năng lực sản xuất đã dư thừa gấp gần 3 lần, tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ vẫn phải NK hoàn toàn phân SA, Kali và một phần phân DAP. Với lượng NK mỗi năm lên tới hơn 4 triệu tấn từ 20 quốc gia, trong đó Trung Quốc chiếm tới 50%, Việt Nam đang là nước "nhập siêu" phân bón.
Năm 2017, Việt Nam đã NK 4,6 triệu tấn phân bón các loại, kim ngạch 1,2 tỷ USD, tăng tương ứng 10,8% và 9,31% so với năm 2016, chủ yếu là 5 loại phân bón: Kali, SA, DAP, NPK, Ure. Trong đó, Kali, SA và DAP là 3 chủng loại được NK nhiều nhất, lần lượt đạt 1.175.870 tấn, 1.098.509 tấn và 880.087 tấn.
Mới đây nhất, theo Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2018, NK phân bón đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 405,9 triệu USD, giảm lần lượt 9,5% và 4,5%, giá nhập bình quân 284,3 USD/tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Thống kê cho thấy, hiện cả nước chỉ có 2 nhà máy sản xuất phân DAP đều là thành viên của Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) bao gồm DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai với công suất mỗi đơn vị đạt 330.000 tấn/năm. Tổng công suất cung trong nước chỉ đạt 660.000 tấn, trong khi lượng cầu tiêu thụ mỗi năm đối với DAP vào khoảng 950.000 tấn. Từ đó dẫn tới việc mỗi năm, Việt Nam phải NK khoảng 300.000 tấn DAP và đơn vị phân phối DAP NK chủ yếu là công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (QBS).
Các DN nội còn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với phân DAP NK do một số nguyên nhân như chất lượng sản phẩm sản xuất không đồng đều, hàm lượng dinh dưỡng (N và P) không ổn định và thấp hơn khá nhiều so với các loại phân bón của Trung Quốc, dẫn tới việc người nông dân ưa thích sử dụng sản phẩm NK hơn.
Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển cao vì vị trí đặt nhà máy xa thị trường tiêu thụ chính. Hiện tại, cả 2 đơn vị sản xuất phân DAP đều ở miền Bắc (Hải Phòng và Lào Cai) do gần vùng nguyên liệu là các mỏ quặng apatit.
Trong khi đó, thị trường tiêu thụ chủ yếu lại là miền Nam, chiếm khoảng 85% tổng nhu cầu do diện tích cánh đồng rộng cần bón phân hàm lượng dinh dưỡng cao để giảm công bón.
Dẫn tới việc vận chuyển các sản phẩm tương đối khó khăn và mất khá nhiều chi phí, khó cạnh tranh được với phân DAP giá rẻ NK.
SA là chủng loại phân bón Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc NK, do năng lực trong nước chưa sản xuất được loại phân bón này.
Với Kali, nhu cầu cho nông nghiệp hàng năm cần khoảng 850.000 tấn, riêng vụ Hè Thu tới cần khoảng 200.000 tấn. Trong lúc nguồn cung các loại phân bón khác khá dồi dào và giá cả ở mức "mềm" nhất từ trước đến nay thì phân Kali lại là "ẩn số" lớn. Có thể nói Kali là "hiện tượng đặc biệt" nhất trên thị trường phân bón hiện nay.
Các chuyên gia đánh giá, đến nay, ngành công nghiệp phân bón Việt Nam vẫn chưa sản xuất được phân Kali bởi nhiều lý do khác nhau, nhưng quan trọng nhất là chưa có nguồn nguyên liệu như mỏ quặng Kali. Việc đảm bảo Kali cho sản xuất nông nghiệp vẫn hoàn toàn dựa vào NK, đây là chủng loại phân bón nhập khẩu nhiều nhất năm 2017.
[Caption]Năng lực sản xuất đã dư thừa gấp 3 lần nhu cầu sử dụng nhưng ngành phân bón vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn phân SA, Kali và một phần phân DAP |
Doanh nghiệp phải cải tổ
Trên thực tế, cơ quan quản lý đã đưa ra giải pháp để cứu nguy các DN phân bón nội trước phân bón NK như áp thuế tự vệ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho rằng giải pháp này sẽ chỉ mang tính ngắn hạn, tạm thời.
"Mức thuế tự vệ mà Bộ Công Thương đưa ra chỉ mang tính hỗ trợ chứ không thể cứu được các DN nếu họ vẫn rơi vào tình trạng yếu kém, thua lỗ như những năm qua", ông Thúy nói.
Bởi vậy, ngoài việc bản thân các DN cần phải nỗ lực cải tổ sản xuất, tiết giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, một yếu tố quan trọng đó là Nhà nước phải giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), vì đây là gánh nặng lớn khiến DN phải tăng chi phí.
Ông Thúy phân tích thêm: Giá nguyên liệu đầu vào trong nước không giảm do giá phân bón tăng. Trong khi giá phân bón phải gánh thêm thuế VAT mà khi mua nguyên liệu đầu vào cũng không được khấu trừ. Ngược lại, giá phân bón thế giới lại rẻ hơn nên thu hút người nông dân hơn. Đây chính là một thiệt thòi cho các DN ngành phân bón.
Theo Ts. Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam, giá cả cao, chất lượng không bằng hàng nhập là điểm mấu chốt khiến phân bón nội địa yếu thế. Sản phẩm của DAP Đình Vũ hay DAP Lào Cai rất khó tan nên nông dân không ưa chuộng.
PGs.Ts. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng muốn cạnh tranh, các DN phân bón cần phải thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
Nếu bản thân các DN trong nước không chịu thay đổi mà xem thuế tự vệ như "đũa thần" thì đó là quan điểm sai lầm. Về lâu dài, có thể họ sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn vào hàng NK hoặc thua DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngay trên "sân nhà".
Trong khi phân bón vô cơ trầy trật giành thị trường, sản xuất phân bón hữu cơ dù có tiềm năng nhưng vẫn còn bỏ ngỏ cho phân NK hưởng lợi. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị, cần phải đẩy mạnh phát triển sản xuất phân bón hữu cơ đi kèm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chính sách hỗ trợ.
Ở góc độ DN sản xuất phân hữu cơ, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, kiến nghị việc không đáp ứng đủ nhu cầu phân bón hữu cơ mà phải NK sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản xuất của ngành nông nghiệp.
Vì vậy, các DN cần hợp tác với nhau chặt chẽ hơn để xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, qua đó cạnh tranh với các DN trên thế giới.
Lê Thúy
Ts. Nguyễn Đăng Nghĩa - Nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam Sản phẩm trong nước kém cạnh tranh với các sản phẩm phân bón DAP và MAP NK xuất phát từ công nghệ sản xuất yếu kém, đặc biệt là bộ máy các DN cồng kềnh, cách quản lý thiếu hợp lý, chưa tiết giảm tối đa chi phí. PGs.Ts. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính Ngành phân bón trong nước còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu. Trong khi đó, nhìn sang khu vực FDI, họ đang là những nhà đầu tư trưởng thành, có nền tảng phát triển thuận lợi hơn, nguồn đầu tư lớn, cơ sở hạ tầng hiện đại… Vì vậy, DN nội đã khó càng thêm khó. Ông Nguyễn Hạc Thúy - Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Muốn giải quyết triệt để vấn đề lợi ích cho cả DN và nông dân, cần phải thực hiện hai giải pháp song song là vừa thực hiện giảm VAT về 0% và đồng thời hai nhà máy sản xuất DAP của Việt Nam phải nghiên cứu nâng chất lượng sản phẩm. |