Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chia sẻ điều này trong bối cảnh cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam mang lại một số kết quả đáng ghi nhận, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng bộc lộ những yếu kém nội tại, tăng trưởng chậm lại, chất lượng tăng trưởng thấp, hiệu quả và năng lực của nền kinh tế còn thấp.
Xin cho – ban phát
Xếp hạng về Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2017 cho thấy, xếp hạng của Việt Nam đã có cải thiện 9 bậc, xếp hạng thứ 81 trên 189 nền kinh tế, mức xếp hạng cao nhất từ trước đến nay.
Việt Nam được ghi nhận có nhiều tiến bộ trên tất cả các tiêu chí song, tiêu chí nộp thuế xếp thứ 168, có cải thiện so với bậc 172 trước đây nhưng vẫn thấp.
Cùng với đó, Chỉ số Năng lực Cạnh tranh toàn cầu (GCI) do Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam, xếp hạng được tăng 12 bậc lên thứ 56 trên 140 nền kinh tế, mức cao nhất trên thang xếp hạng này.
So với một số nước trong khu vực, xếp hạng của Việt Nam vẫn rất thấp. Đặc biệt các tiêu chí về thể chế của Việt Nam được đánh giá rất thấp, cho thấy còn cần phải cố gắng cải cách có hiệu quả hơn nữa.
Điều này cũng phù hợp với đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) về chỉ số Cảm nhận Tham nhũng qua các năm, chỉ đến năm 2016, điểm số mới được nâng lên 33/100 điểm, cao hơn mức 31/100 điểm của bốn năm trước đó.
Thứ hạng của Việt Nam tuy có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp. Kết quả này cũng phù hợp với điều tra của VCCI về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó, 65% doanh nghiệp (DN) cho biết vẫn phải chi ngoài pháp luật cho các quan chức chính quyền.
Trên thực tế, đánh giá về quá trình tái cơ cấu kinh tế giai đoạn vừa qua, ông Cung cho biết, dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực song vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân là do các bộ ngành chưa thực sự vào cuộc, hay nói cách khác là sự chấp nhận của các bộ, ngành còn ở mức nhất định.
“Chúng tôi liệt kê được hàng chục sự khác biệt đối xử ưu tiên đặc quyền dành cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cho thấy sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế”.
Như vậy, quan hệ Nhà nước và thị trường vẫn còn tình trạng “xin – cho”, ban phát. Cụ thể, việc rà soát điều kiện kinh doanh hồi tháng 7/2016 chưa thực sự triệt để.
Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, hiện nay, ngoài việc khu vực tư nhân bị lép vế, cạnh tranh không bình đẳng trong đất đai, vốn… với DNNN, còn có chuyện DN đăng ký cạnh tranh không bình đẳng với hộ gia đình.
Cụ thể, theo Luật DN, hộ gia đình sử dụng quá 10 lao động phải đăng ký thành DN nhưng ông Doanh cho biết, ở Hà Nội và nhiều thành phố, hộ kinh doanh gia đình có mấy chục người song cũng không đăng ký thành DN.
Trước đó, theo báo cáo của CIEM, trong những năm gần đây, số hộ kinh doanh tăng lên nhanh chóng, năm 2015, cả nước có hơn 4,7 triệu hộ kinh doanh, con số này gấp gần 10 lần tổng số DN hoạt động cùng kỳ nhưng chỉ khoảng 1,4 – 1,5 triệu hộ có nộp thuế.
Do đó, đóng góp của khu vực kinh tế hộ kinh doanh cho ngân sách nhà nước rất khiêm tốn, số thuế thu từ khu vực này trong năm 2014 chỉ chiếm khoảng 2% tổng thu nội địa.
Tái cơ cấu kinh tế khởi động với tinh thần “vạn sự khởi đầu nan” song cho đến nay, theo ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, tái cơ cấu mới dừng khởi đầu mà chưa thoát và tiến triển được như chúng ta mong muốn.
“Chúng ta không hy vọng cải cách ngay được nhưng mỗi năm nên tiến lên một bước. Tôi cho rằng cải cách môi trường kinh doanh là quá trình phải có thời gian nhưng không thể chậm chễ, không cẩn thận sẽ rơi vào bẫy thể chế và mô hình”.
“Chúng ta phải cố gắng để thúc đẩy mạnh hơn, quyết liệt hơn. Tôi muốn nói quyết liệt đó không phải là nói gì mà cần thực hiện như thế nào, quyết liệt ra sao. Cải cách là phải có kết quả”, ông Hồ nhấn mạnh.
![]() |
Các tiêu chí về thể chế của Việt Nam được đánh giá rất thấp
Thị trường phải cạnh tranh
Thời gian tới, trọng tâm của cải cách kinh tế là cạnh tranh, nhưng muốn cạnh tranh phải có thị trường. Ông Cung nhấn mạnh: “Nền kinh tế cần phải thị trường, thị trường hơn, Nhà nước thông minh, thông minh hơn; phải làm cho thị trường cạnh tranh và công bằng.
Ở đâu chưa có thị trường, chúng ta phải phát triển thị trường, như thị trường tài chính, lao động… Khi nào các thị trường này trở thành yếu tố đóng vai trò chủ yếu trong phân bố nguồn lực, chúng ta mới thay đổi được cơ chế nguồn lực theo kiểu “xin – cho” như hiện nay”.
Điều đó chứng tỏ chúng ta cần tiếp tục giảm và hủy bỏ những hạn chế gia nhập thị trường, làm cho các loại thị trường trở nên cạnh tranh, ít tốn kém hơn, hoạt động kinh doanh trở nên an toàn hơn…
Đồng thời, phải thay đổi vai trò chức năng, nhiệm vụ năng lực của Nhà nước, của Chính phủ. Muốn bỏ “xin – cho” phải làm được hai việc cùng lúc, phát triển thị trường và Nhà nước thay đổi, vì không thay đổi sẽ khó có dư địa cho thị trường phát triển.
“Vai trò, chức năng nhiệm vụ Nhà nước phải thay đổi. Cải cách bộ máy cũng cần thay đổi vai trò, chức năng nhiệm vụ của Nhà nước”, ông Cung kiến nghị.
Ví dụ, thực hiện Nghị quyết 19, theo ông Cung, hàng tháng đều có báo cáo về kết quả thực hiện. Nghị quyết tốt nhưng thực hiện phải có những nỗ lực nhiều năm, nhiều người mới có thể thay đổi được một việc nho nhỏ, cải cách khó là vậy.
Trong cuộc Bình chọn 10 quy định pháp luật tốt, 10 quy định pháp luật tồi, theo ông Cung, tuy có chút nhạy cảm nhưng thành công. Dù phản ứng có gay gắt, chống đối thì đó cũng là thành công. Trên thực tế, nhiều kiến nghị về quy định pháp luật tồi của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã được các bộ chấp nhận, chỉnh sửa.
Đồng thời, ông Hồ kiến nghị: “Đến năm 2020, mục tiêu của Việt Nam là phải có nền kinh tế thị trường đầy đủ, hoàn thành cơ bản thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, tôi đề nghị, cần phải cải cách đột phá trong quyền tài sản vì nó đóng vai trò quan trọng trong kinh tế thị trường. Sở dĩ lâu nay quyền tài sản chưa đột phá được vì nó vướng từ hiến pháp”.
Cùng với đó, ông Hồ cho rằng DN – các chủ thể trong nền kinh tế thị trường phải tuyệt đối bình đẳng không phân chia vị trí; Nhà nước phải buông quyết liệt những việc không cần làm và đặc biệt tạo quyết liệt những điều mình phải làm.
Lê Thúy
Ts. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương 30 năm trước, cải cách khó nhưng không khó bằng giai đoạn hiện nay bởi cải cách khó hơn vì cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn, cùng với sự ủng hộ của dân chúng. Do đó, tôi cho rằng trọng tâm nhất của cải cách là làm thị trường cạnh tranh hơn, từ đó nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực của nền kinh tế, gia tăng cơ sở sản xuất nền kinh tế, tăng tiền lương cho người lao động, giúp DN thích ứng tốt hơn với những biến đổi từ bên ngoài, có nguồn lực phát triển. Ông Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Chúng ta cần kết nối DN và cơ quan quản lý nhiều hơn. Trên thực tế, tôi biết có nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm tổ chức nhưng các bộ, ngành, địa phương tham gia rất ít. Như vậy, làm sao ghi nhận được ý kiến đóng góp của DN để sửa đổi. Nhiều hội thảo mời các bộ, ngành không đến, không đến sẽ không nghe được ý kiến của chuyên gia, DN. Ông Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế Cần hướng tới mô hình Chính phủ tái cơ cấu kinh tế theo kiểu Nhà nước kiến tạo, không hình sự hóa. Theo đó, dự án tiếp theo mà CIEM triển khai cần thúc đẩy theo hướng cải cách thị trường, các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng. |