Theo số liệu mới đưa ra từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), kim ngạch XK của khu vực đầu tư nước ngoài giảm sâu hơn trong 3 tháng đầu năm 2023, ước đạt 59,91 tỷ USD (kể cả dầu thô), giảm 10% so với cùng kỳ.
Khối ngoại vẫn “thống trị”
Tuy nhiên, dù sụt giảm về kim ngạch như vậy nhưng các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chiếm tới 75,7% kim ngạch XK của cả nước. Như vậy, tỷ trọng XK của các doanh nghiệp (DN) nội địa trong 3 tháng qua chỉ chiếm tỷ trọng 24,3%.
Để cải thiện tỷ trọng XK cho khối nội đang cần tính đột phá từ khâu chính sách nhằm tạo “sân chơi” bình đẳng, loại bỏ hạn chế cạnh tranh. |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, XK của khu vực đầu tư nước ngoài tuy giảm nhưng khu vực này vẫn xuất siêu và bù đắp phần nhập siêu của khu vực DN trong nước.
Với mức xuất siêu hơn 9,4 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 8,9 tỷ USD không kể dầu thô, khu vực đầu tư nước ngoài đã bù đắp phần nhập siêu hơn 6,1 tỷ USD của khu vực DN trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 2,8 tỷ USD.
Từ số liệu nêu trên sẽ thấy, dù hoạt động XK gặp khó khăn chung nhưng sức “thống trị” của khối ngoại vẫn còn đó. Chuyện nhiều năm nay là xuất siêu cao chủ yếu do DN FDI, còn DN nội địa nhập siêu lớn. Xuất siêu là do DN FDI và thành tích XK là do DN FDI quyết định.
Thực ra, có những thời điểm các DN nội địa đã cải thiện tỷ trọng XK từ nỗ lực của chính họ, một phần do cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, nâng năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực của khối nội thường chậm, chưa đạt sự ổn định và không kéo dài quá lâu.
Giới chuyên gia cho rằng, muốn khối nội tăng tỷ trọng XK đòi hỏi họ phải có tiềm lực tài chính mạnh, đặc biệt là có lợi thế về thị trường XK, quan hệ đối tác, có công nghệ, quản lý tốt, đầu tư vào chế biến sâu…như các DN FDI đang làm. Thế nhưng, điều này có vẻ như không tưởng nếu nhìn vào thực tại khó khăn của các DN trong nước hiện nay.
Song song đó, cũng cần nhìn nhận có những yếu tố thuận lợi cho DN FDI nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, được nhận nhiều ưu đãi về thuế phí, đất đai.
Không chỉ vậy, điều thấy rõ là việc thất thu ngân sách trong khi có nhiều DN FDI có biểu hiện chuyển giá, “lỗ giả, lãi thật”, vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, vẫn XK đều đều. Và trái ngược với sự thật về sức phình to của các DN FDI trên thị trường XK là tình cảnh XK gặp nhiều khó khăn, thiếu hụt đơn hàng của các DN nội địa thuộc khu vực tư nhân.
Chính vì vậy, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng ngay ở khâu chính sách cũng cần có sự công bằng giữa các DN nội địa với các DN FDI. Không nên có thêm những chính sách ưu đãi toàn diện cho khối FDI sẽ tạo ra sự bất công cho khối nội. Có như vậy sẽ góp phần phá thế yếu cho khối nội trong hoạt động XK.
Đột phá chính sách, loại bỏ hạn chế cạnh tranh
Chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng cũng nêu rõ tầm quan trọng của việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu - một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng và hiện nay đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận. Với loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào.
Theo ông Dũng, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có những tác động nhất định trước mắt đến “dòng chảy” từ các DN FDI, nhưng xét về lâu dài có tác dụng tích cực cho Việt Nam nhiều hơn. Việc đánh thuế như vậy vừa để chống thất thu thuế từ các DN FDI, vừa tạo sự bình đẳng cho các DN nội địa, nên rất cần có lộ trình rõ ràng.
“Từ chuyện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì các DN trong nước cần có sự nâng cấp lên để cạnh tranh bằng sự công bằng, chất lượng, minh bạch, bằng sự nỗ lực của bản thân DN thay vì do vấn đề chạy thuế, trốn thuế, chuyển giá của một số DN FDI lâu nay đã làm và tạo ra lợi thế cho chính họ”, ông Dũng nhấn mạnh.
Những khuyến nghị gần đây từ giới chuyên gia cho rằng, để mang lại hiệu ứng tích cực cho khối DN nội địa từ việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đòi hỏi Chính phủ có thể cân nhắc xác định các DN FDI chiến lược là các nhà đầu tư lớn, có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và công nghệ cao để sẵn sàng hỗ trợ nâng cấp các DN nội địa trong ngành công nghiệp phụ trợ nhằm cải thiện XK cho khối nội.
Bên cạnh vấn đề nêu trên, để tăng khả năng cạnh tranh với kim ngạch XK đến từ khối nội, mới đây khi góp ý vào Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đẩy mạnh Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có đề nghị bổ sung thêm chỉ tiêu về XK các mặt hàng công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng và phân loại theo các thành phần kinh tế.
Ngoài ra, VCCI đề nghị bổ sung thêm giải pháp về việc thực thi pháp luật về cạnh tranh, đặc biệt là các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh trong nhóm các DN công nghiệp.
Như lưu ý của VCCI, để có thể công nghiệp hoá, đi kèm với việc duy trì chính sách công nghiệp thì luôn cần bảo đảm các DN không được thực hiện các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh hoặc các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khác.
Nói chung, còn rất nhiều việc phải làm để phá thế yếu nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, cải thiện tỷ trọng XK cho khối nội so với khối ngoại. Nhưng, trước mắt là cần những giải pháp đồng bộ có tính đột phá từ khâu chính sách cho đến sự nỗ lực của bản thân các DN trong nước.
Thế Vinh