Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản vừa mới diễn ra, đại diện các doanh nghiệp (DN) đã kiến nghị đưa vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cho các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua hình thức cho DN tư nhân vay.
"Giải cứu" bằng ODA?
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư phát triển N&G (N&G Corp), đã kiến nghị dùng nguồn ODA hỗ trợ DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo đề nghị của ông Hoàng, nguồn vốn ODA hoặc vốn vay ưu đãi của Nhật Bản nên được dành một phần cho DN sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ vay để đầu tư máy móc, thiết bị.
"Với mức lãi suất ưu đãi và thời gian vay dài, các DN nhỏ và vừa Việt Nam sẽ có điều kiện đầu tư đáp ứng các yêu cầu cao của các DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Vì các DN này sẽ phải đầu tư mua máy móc, thiết bị từ Nhật Bản, theo chuẩn của các DN Nhật Bản", ông Hoàng phân tích.
Trước đó, tại Hội thảo đánh giá về nguồn vốn ODA vào Việt Nam trong 20 năm qua diễn ra tại Đà Nẵng, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã kiến nghị cho phép tư nhân được tham gia sử dụng vốn ODA để đầu tư vào các ngành có khả năng thu hồi vốn và mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt với các dự án giao thông, năng lượng, cấp thoát nước, khai thác chế biến khoáng sản….
Theo quan điểm của Ts. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đề xuất trên là mới và táo bạo nhưng xuất phát từ thực tiễn của ngành và yêu cầu của DN. "Nhìn lại công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam, rõ ràng đây là khâu yếu nhất của ngành công nghiệp nước nhà. CNHT đang được coi là cơ sở hạ tầng, chìa khóa để công nghiệp Việt Nam có chỗ đứng và cất cánh, vì vậy tại sao không chuyển ODA vào đây".
![]() |
"Ngành CNHT cần rất nhiều tiền để đầu tư, trong khi ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực này còn nhỏ, DN tư nhân không thể vay ngân hàng với lãi suất cao để đầu tư máy móc, công nghệ trong khi doanh thu và lợi nhuận quá nhỏ được. Vốn ODA với những ưu điểm như: dòng vốn rẻ, thời gian trả nợ dài và được phép ân hạn trả nợ lãi và gốc, đây là yếu tố thuận lợi."- Ts. Lộc phân tích.
Ở khía cạnh khác, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. HCM từng kiến nghị Nhà nước cho phép sử dụng vốn ODA để thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Theo ông Châu: "Làm sao để giá trị, hiệu quả nguồn lực này không chỉ phân bổ cho chủ đầu tư, mà nên tập trung cho người mua nhà – người tiêu dùng sau cùng. Đây cũng chính là những đối tượng sẽ vay và trả nợ ODA đã dùng để đầu tư cho dự án nhà ở xã hội mà họ được mua. Và điều đó sẽ làm giảm tải áp lực nợ công", ông Châu phân tích.
Còn nhiều điểm nghi ngại
Theo Gs. Võ Đại Lược, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế TW, "Vốn ODA có đặc điểm là lãi suất rẻ, thời gian trả nợ dài, đây là lợi thế cho đầu tư công nghiệp hỗ trợ bởi các ngành công nghiệp hỗ trợ đang đòi hỏi lượng vốn khá lớn, nhưng ngân sách đáp ứng không đủ, tư nhân không đủ năng lực để vay và đầu tư. Tuy nhiên, yếu tố cản trở vốn ODA vào công nghiệp hỗ trợ là hành lang pháp lý và hiệu quả sử dụng khi mà ODA đang được xem là dòng vốn đầu tư không hề rẻ đối với các nước đang phát triển như Việt Nam".
Về thủ tục pháp lý, theo nhiều chuyên gia, cơ chế vay vốn và sử dụng vốn hiện nay vẫn ở các hình thức: Chính phủ đứng ra nhận khoản viện trợ, vay rồi phân bổ cho các bộ, ngành, giao các DN, Tổng công ty thuộc Nhà nước quản lý để phối hợp với bên viện trợ giải ngân và thực hiện dự án.
Nếu đơn vị tiếp nhận là địa phương, DN trực thuộc sở sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận và giải ngân vốn. Nếu không phân về các tập đoàn, tổng công ty, vốn sẽ được Chính phủ, Bộ, ngành lập ra ban quản lý để theo dõi tiến trình giải ngân, thực hiện dự án.
Như vậy, có thể nói, ODA chỉ được tiếp nhận từ tay chính phủ, việc tư nhân xin vay vốn này vào mục đích đầu tư công nghiệp hỗ trợ_là hợp lý song cần có những yếu tố ràng buộc để đảm bảo việc thưc hiện vốn vay hiệu quả, đúng thời hạn và đặc biệt là không gia tăng nợ công khi nợ nước ngoài.
Có quan điểm lại cho rằng nếu để tư nhân tham gia vay và sử dụng vốn sẽ làm giảm nợ công và tăng hiệu quả. Theo nhiều chuyên gia đánh giá, đây chỉ là cách nhìn một chiều. Ts. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách Kinh tế (VEPR) từng nói: "ODA là cơ chế viện trợ chính thức song và đa phương giữa hai quốc gia và đa quốc gia nên không có yếu tố cá nhân chi phối. DN muốn nhận ODA để đầu tư và dự án đều phải qua chính phủ".
Vì vậy, tư nhân vay vốn ODA chẳng khác nào DNNN vay để đầu tư kinh tế cả, vốn vẫn từ Chính phủ rót xuống và DN thụ hưởng. Nếu vay càng nhiều, nợ quốc gia càng lớn. Còn về khía cạnh sử dụng vốn ODA hiệu quả, cần xác định xem đó là DN nào, họ có đủ năng lực để nhận vốn, dự án hay không. Nếu trao vào tay các DN yếu kém thì càng đáng sợ hơn.
Theo ông Thành, các nước nhận vốn ODA đều phải chịu cảnh mua nguyên liệu giá đắt, nhường các gói thầu cho nước ngoài, thậm chí còn nhường cả việc làm cho các kỹ sư, lao động người nước ngoài nên hiệu ứng lan tỏa của vốn ODA rất thấp.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng cho rằng: "Với ODA song phương, các nước cho vay thường chỉ định tổng thầu, vật liệu cũng như kỹ thuật thi công của mình, chính vì thế, giá các công trình ODA sẽ rất cao do có yếu tố độc quyền".
Ts. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương Hiện nay, vấn đề ODA đang có nhiều người cho rằng nên giảm đi thay vào đó là các dòng vốn hợp tác công tư trong cơ chế PPP. Các nước đã sử dụng các hình thức PPP vào cả lĩnh vực giáo dục, điển hình như Ấn Độ thì chúng ta cần khuyến khích cơ chế đầu tư này hơn, bởi dẫu sao, các dự án ODA đang có nhiều hơn những yếu tố bất lợi cho nước đi vay và hiệu ứng lan tỏa đầu tư đang ở mức thấp. Ts. Ngô Trí Long - Chuyên gia Kinh tế Ts. Bùi Trinh - Chuyên gia Kinh tế Vốn ODA thường đi kèm với nhiều điều kiện của bên viện trợ như phải mua nguyên vật liệu tại nơi được chỉ định với giá cao hơn, tổng thầu hoặc thầu phụ là DN nước viện trợ. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển thế giới (OECD), nơi quy tụ 13 nước giàu nhất thế giới đảm nhiệm cho vay ODA, việc giảm vốn ODA là do Việt Nam đã có thu nhập bình quân/người ở mức trung bình, do đó các ưu đãi về ODA sẽ ít đi. |
Lê Thúy