Mới đây, trang chủ của Nvidia đăng thông báo tuyển dụng hàng loạt nhân sự làm việc tại Việt Nam. Theo đó, có 6 vị trí tuyển dụng kỹ sư bao gồm: Kỹ sư kiểm tra cấp cao; kỹ sư hạ tầng sản xuất hàng loạt; kỹ sư phát triển sản phẩm cấp cao; kỹ sư thiết kế kiểm tra hệ thống, kỹ sư công nghệ thông tin - mạng và kỹ sư hỗ trợ sản xuất cấp cao.
Đối với công tác quản lý, Nvidia tuyển dụng tại Việt Nam các vị trị gồm: Quản lý cấp cao, kỹ thuật kiểm tra; Quản lý cấp cao, hoạt động sản xuất và Nhà lập kế hoạch nhà máy.
Thông tin tìm kiếm kỹ sự, quản lý làm việc tại Việt Nam trên trang chủ tuyển dụng của Nvidia. |
Ngoài trang chủ, Nvidia cũng đăng tải thông tin tìm nhân sự trên LinkedIn - nền tảng mạng xã hội hỗ trợ phát triển sự nghiệp và cơ hội việc làm.
Tuy không nêu rõ mức lương nhưng các vị trí đều yêu cầu nhân sự chất lượng cao với bằng Cử nhân/Thạc sĩ hoặc tương đương trong các ngành Khoa học Máy tính, Kỹ thuật Điện hoặc lĩnh vực liên quan. Ứng viên cần kinh nghiệm tối thiểu từ 3 - 8 năm, tùy vào tính chất của công việc. Đặc biệt, vị trí “Quản lý cấp cao, hoạt động sản xuất” yêu cầu ứng viên có tổng cộng 15 năm kinh nghiệm, trong đó bao gồm 5 năm kinh nghiệm quản lý chuyên sâu.
Đây là động thái mới nhất của Nvidia sau ký kết cùng Chính phủ Việt Nam thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.
Bình luận với Vnbusiness về vấn đề này, bà Đỗ Thị Thuý Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho rằng, đây là một dấu hiệu đáng mừng. Cam kết của Nvidia chung tay với Chính phủ Việt Nam đang tạo ra một làn sóng tuyển dụng rất lớn, thu hút nhân tài trên toàn cầu về Việt Nam.
Bà Hương cho biết thêm, một trong các yếu tố quyết định để các công ty công nghệ toàn cầu cân nhắc đầu tư R&D vào một quốc gia là vấn đề tuyển dụng và quản lý nhân tài: “Yếu tố nhân sự đủ năng lực, trình độ tại địa phương để tham gia vào các dự án nghiên cứu phát triển của họ là một bài toán lớn”.
Vị chuyên gia nhận định, đầu tư của Nvidia cho thấy Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam rất đúng đắn trong việc tập trung phát triển nguồn nhân lực bán dẫn.
“Chúng ta có xuất phát điểm rất thấp, gần như là chưa có gì. Việc chúng ta hợp tác với một ông lớn công nghệ, được hỗ trợ trong đào tạo, nghiên cứu và phát triển là một bước đi tắt đón đầu, ‘đứng trên vai người khổng lồ’ để có thể thực hiện chiến lược", bà Hương nhận định.
Theo “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” , Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Trao đổi với Vnbusiness hồi đầu tháng 10, ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc Công ty CoAsia Semi Việt Nam cho biết Việt Nam đang có khoảng hơn 50 công ty thiết kế chip với hơn 5.000 kỹ sư. Trong 20 năm qua chúng ta có 5.000 kỹ sư thì tính trung bình mỗi năm phát triển được 250 kỹ sư mới.
"Giữ nguyên tốc độ này tới năm 2030 chúng ta có thêm khoảng 1.500 kỹ sư mới, tức là tổng khoảng gần 7.000 kỹ sư, cách mục tiêu 8.000 kỹ sư. Rõ ràng chúng ta cần có những tác động mới, nhân tố mới mang tính đột phá để có thể đạt được mục tiêu này vì thời gian để có được một kỹ sư thiết kế phải tính bằng đơn vị là vài năm", ông Yên nhận định.
Đỗ Kiều