Mới đây, tại cuộc hội thảo quốc tế về giải pháp gia tăng xuất khẩu cho nông – thủy sản được tổ chức ở Tp.HCM, ông Nguyễn Quang Ngọc (thuộc một doanh nghiệp chế biến thủy sản) đã phơi bày thực tế về mức chênh lệch giá của cá basa trong xuất khẩu khiến nhiều người phải suy ngẫm: Giá bán ra ở Việt Nam là 1USD/kg, nhưng tới thị trường tiêu thụ ở EU hay Hoa Kỳ, sau khi được thương lái nước ngoài “tuốt” lại, đã thay đổi giá gấp 14 lần.
Lệ thuộc khâu trung gian
Ông Ngọc bức xúc đặt câu hỏi: Vậy tại sao Việt Nam chúng ta không tự làm để trực tiếp đưa sản phẩm cá basa chế biến đến miệng người tiêu dùng toàn cầu? Một lý do quan trọng là chúng ta không có công nghệ chế biến để đưa vào miệng người tiêu dùng nước ngoài!
Hoặc như thịt lợn, người chăn nuôi đang chờ các doanh nghiệp giải cứu vì giá lao xuống tới mức thấp nhất thế giới. Giá bán ra từ phía người chăn nuôi chỉ còn khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg, thuộc loại thấp nhất thế giới, tương đương vài cốc trà đá.
Trong khi đó, giá bán ra của tiểu thương và tại các siêu thị ở Tp.HCM cho thấy có mức chênh lệch rất lớn, gấp bốn đến năm lần. Đơn cử như thịt nạc dao động từ 80.000 – 90.000 đồng/kg, sườn non ở mức cao từ 100.000 – 120.000 đồng/kg, thịt ba rọi từ 80.000 – 95.000 đồng/kg, thịt đùi 70.000 – 80.000 đồng/kg.
Phần lớn người nông dân tự sản xuất ra sản phẩm và bán ra thị trường thông qua hệ thống phân phối bán lẻ hoặc bán cho thương lái mà không kết nối với các cơ sở sản xuất, chế biến nông – thủy sản nên lợi nhuận thu được rất thấp, đời sống khó khăn. Ngoài ra, nông dân ít được tiếp cận với thông tin thị trường nên sản xuất còn tự phát, dễ dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá” và “được giá mất mùa”.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, vẫn còn thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra chuỗi liên kết ổn định. Do đó, thu nhập, giá trị gia tăng chưa lớn, gây khó khăn cho người chăn nuôi.
Ngoài ra, cũng theo ông Sơn, việc tiêu thụ sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian, khiến giá sản phẩm bị đẩy lên cao, trong khi việc khai thác thị trường trong nước và quốc tế còn yếu, nhất là thị trường xuất khẩu.
Trở lại câu chuyện về chênh lệch giá bán của cá basa xuất khẩu, Ts. Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, thừa nhận rằng với hệ thống tiêu dùng ở nước ngoài, các DN Việt Nam không dễ dàng chen ngay được vào bằng thương hiệu của chúng ta vì tại các thị trường lớn, họ đều đã có hệ thống tiêu thụ được các doanh nghiệp nước ngoài thiết lập từ rất lâu.
Cũng theo lưu ý của bà Minh, nếu muốn vào ngoài, doanh nghiệp Việt cần phải có thời gian bởi vì đây là một thách thức lớn. Đơn cử như DN xuất khẩu cá tra Bianfishco của nữ đại gia thủy sản Nguyễn Thị Diệu Hiền, doanh nghiệp này đã chịu lỗ rất nhiều khi trực tiếp qua thị trường Hoa Kỳ quảng bá thương hiệu nhưng rốt cuộc không ai biết bà Diệu Hiền là ai. Cuối cùng, bà Hiền phải thua lỗ vì những lô hàng xuất khẩu đó trong khi lúc trước vẫn nghĩ sẽ dễ dàng thâm nhập vào ngay được thị trường này.
![]() |
Tình trạng thu mua thịt lợn qua nhiều khâu trung gian nên giá thu mua thấp và đẩy giá bán sản phẩm lên cao
Thiếu vắng những cam kết
“Hệ thống tiêu thụ toàn cầu hoàn toàn khác với chúng ta. Bây giờ thử hỏi các nhà sản xuất ở tại Việt Nam có tự vào được ngay hệ thống bán lẻ hay không? Chúng ta vẫn phải lệ thuộc vào các nhà bán lẻ, vẫn phải lệ thuộc các siêu thị” – Ts. Nguyễn Thị Hồng Minh bộc bạch.
Nhìn từ câu chuyện bấp bênh về giá nông – thủy sản, cần để ý thêm về tình trạng thu mua nông phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian nên giá thu mua thấp. Phân phối sản phẩm cũng qua nhiều trung gian nên giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất, dẫn tới sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Hơn thế nữa, các doanh nghiệp trung gian phân phối vật tư đầu vào (giống cây – con, phân bón, thức ăn, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật…) và cả đầu ra của sản phẩm phần lớn là những đơn vị kinh tế độc lập, thường chạy theo các lợi ích cục bộ, ít tư duy lâu dài cho lợi ích của người sản xuất cá thể, dẫn tới vi phạm những cam kết với hộ sản xuất.
Điển hình, họ thường tìm cách nâng giá đầu vào, bán hàng kém chất lượng… hoặc ép giá đầu ra của nông sản khi cần, còn thiệt hại đổ hầu hết lên đầu nông dân.
Trên thực tế, quanh câu chuyện của con cá basa hay thịt gia súc đang thảm hại như hiện nay cho thấy vẫn còn thiếu vắng những cam kết giữa các doanh nghiệp và nông dân theo kiểu chia sẻ lợi ích và rủi ro trong sản xuất kinh doanh để bảo vệ sự bền vững trong sản xuất và kinh doanh nông – thủy sản.
Giới chuyên gia khuyến nghị, cần phải làm cho doanh nghiệp và nông dân “mắt thấy, tai nghe” và phải đặt lên hàng đầu mục tiêu “lợi ích hành động tập thể mang lại phải lớn hơn lợi ích của hành động riêng lẻ”. Lợi ích hành động tập thể trong sản xuất nông – thủy sản hàng hóa là đạt tính kinh tế về quy mô; giảm chi phí sản xuất, chi phí giao dịch.
Đồng thời, cần tăng khả năng tiếp cận với công nghệ, nguồn lực sản xuất và thị trường mới; tăng vị thế đàm phán và khả năng cạnh tranh; nâng cao năng lực về tổ chức và kiến thức nhờ vào sự chia sẻ kinh nghiệm trong nhóm liên kết, chia sẻ rủi ro.
Chỉ có liên kết, những người làm nông nghiệp mới có khả năng xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quản lý về chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, EU đối với những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn, chất lượng.
Thế Vinh