Bộ NN&PTNT cho biết, 8 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 3,1 tỷ USD, đưa tổng giá trị XK hơn 8 tháng qua đạt 23,66 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, quan sát có thể thấy, nhiều mặt hàng nông lâm thuỷ sản chủ yếu XK sang thị trường truyền thống như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Phụ thuộc thị trường truyền thống
Những thị trường truyền thống này chiếm tới hơn 50% thị phần XK của nhiều sản phẩm nông lâm thuỷ sản. Cụ thể, với mặt hàng thuỷ sản, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu (NK) hàng đầu của thuỷ sản Việt Nam, chiếm 55% tổng giá trị kim ngạch thuỷ sản.
Hay với ngành gạo, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường NK gạo của Việt Nam với 40,9% thị phần.
Tương tự XK rau quả cũng vậy, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường NK chính hàng rau quả Việt Nam, chiếm 85,1% tổng giá trị kim ngạch XK rau quả.
Mặc dù các mặt hàng nông lâm thuỷ sản Việt Nam đã chuyển hướng sang các thị trường khác như Trung Đông, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN hay Australia, Hàn Quốc nhưng tỷ lệ này vẫn còn khiêm tốn, thậm chí có mặt hàng hoàn toàn phụ thuộc vào một vài thị trường chính. Dẫn tới, khi có rủi ro, các DN XK ứng biến không kịp.
Điều này dẫn tới câu chuyện, khi các thị trường chính dựng hàng rào kỹ thuật, thay đổi cách tính thuế… không ít các mặt hàng nông lâm thuỷ sản “điêu đứng”, thậm chí nhiều mặt hàng XK bị trả về nước.
Mới đây, việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ quyết định kiểm tra 100% các lô cá da trơn NK của Việt Nam từ 2/8/2017, khiến các DN XK thuỷ sản gặp khó, gây ra những rủi ro pháp lý ảnh hưởng trực tiếp tới kim ngạch XK.
Trên thực tế, cá tra Việt Nam đang XK đi hơn 120 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, tuy nhiên Hoa Kỳ là một trong những thị trường NK cá tra lớn nhất của Việt Nam, do vậy nếu không thích ứng nhanh với chính sách mới trên, nguy cơ sụt giảm kim ngạch XK sang Hoa Kỳ là khó tránh khỏi.
Hay nhiều người vẫn còn nhớ, bài học của ngành gạo năm 2016 khi XK gạo Việt Nam giảm kỷ lục trong gần 10 năm qua vì thị trường XK chủ yếu là Trung Quốc bị sụt giảm 35%. Nguyên nhân là Trung Quốc áp dụng chính sách thắt chặt kiểm soát chất lượng, siết hạn ngạch gạo. Trong khi đó, các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, châu Âu… gạo Việt vẫn chưa tiếp cận thành công.
Muốn mở rộng thị trường XK, điều kiện quyết định là chất lượng sản phẩm nông lâm thuỷ sản phải đạt yêu cầu của thị trường đó
Đặc biệt, thực trạng “khủng hoảng” thừa thịt lợn thời gian qua như “hồi chuông” cảnh tỉnh về việc phụ thuộc thị trường XK. Theo đó, nhiều năm qua, thịt lợn Việt Nam chủ yếu XK bằng đường tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc và mới chỉ XK chính ngạch thịt lợn sữa và thịt lợn choai đông lạnh sang Hồng Kông, Malaysia.
Theo các DN, chưa tiếp cận được các thị trường khác là do vấn đề truy xuất nguồn gốc thịt heo của Việt Nam vẫn chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, quy trình giết mổ, đông lạnh của các công ty nước ta chưa đạt các tiêu chuẩn cao do thế giới đặt ra.
“Gian truân” thị trường mới
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng ngoài thị trường Trung Quốc, nhiều nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Đông Âu cũng có nhu cầu NK các loại thịt từ Việt Nam. Nhưng vấn đề là sản phẩm phải đạt chất lượng và an toàn.
Đáng chú ý, Thái Lan cũng nằm trong khu vực có dịch cúm gia cầm như Việt Nam nhưng nước này vẫn XK được thịt đi nhiều quốc gia. Lý do là họ làm tốt công tác triển khai các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo các điều kiện của Tổ chức Thú y Thế giới. Như vậy, dư địa tại các thị trường khác mà chúng ta có thể XK còn rất nhiều, kể cả các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản nếu Việt Nam làm được như Thái Lan.
Với mặt hàng cá tra, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản (Nafiqad), cho biết, các thị trường như Bắc Mỹ, Trung Đông, ASEAN cũng có nhu cầu nhưng khi tiếp cận thị trường mở cửa rồi thì chúng ta phải tăng sản lượng và kim ngạch XK. Tiếp đến, cần xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá, xúc tiến thương mại tại các thị trường đó. Làm sao để người dân bản xứ biết đến sản phẩm của chúng ta và tiêu thụ nhiều hơn.
Không chỉ là chất lượng sản phẩm mà phương thức thanh toán, logistics, thông tin… cũng khó khăn khiến DN Việt chưa tiếp cận được nhiều thị trường mới. Chẳng hạn, với thị trường Trung Đông đang được đánh giá là rất tiềm năng để các mặt hàng nông lâm thuỷ sản Việt Nam tiếp cận, tuy nhiên để vào được thị trường này cũng không hề dễ dàng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, hiện nay, nhiều mặt hàng Việt Nam vẫn chưa xuất khẩu được sang thị trường này. Nguyên nhân là vì hai bên còn gặp khó khăn trong khâu thanh toán cho các hợp đồng thương mại và chuyển tiền đầu tư. DN hai bên chủ yếu hợp tác thanh toán qua các ngân hàng trung gian ở Dubai, Trung Quốc, Singapore hoặc một số nước châu Âu với chi phí trung gian và rủi ro tài chính cao.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An, chia sẻ, Trung Đông là thị trường tiềm năng cho XK chuối. Công ty ông đã từng XK chuối sang Trung Đông nhưng gặp nhiều khó khăn trong thanh toán. Đồng thời, để XK được chuối sang thị trường này đòi hỏi khâu bảo quản sau thu hoạch rất cao, trong khi đó các vùng trồng chuối ở Việt Nam lại không tập trung.
“Nhà nước cần có giải pháp can thiệp, hỗ trợ về thanh toán cũng như xây dựng tiêu chuẩn cho hàng hóa sang Trung Đông, trong đó có chuối”, ông Huy kiến nghị.
Logistics cũng là một rào cản lớn cho DN XK của Việt Nam. Để tháo gỡ vấn đề logistics, các DN cần hợp tác với nhau. Ông Lê Quang Nhuận, Tổng Giám đốc công ty TNHH Xuất nhập khẩu Louis Rice chia sẻ, các DN XK sang Trung Đông nên cùng hợp tác thuê một công ty vận tải cố định với mức giá có thể chấp nhận được, bởi giá vận chuyển tác động rất lớn đến giá hàng hóa.
Theo ông Nhuận, DN bên Trung Đông thường thanh toán sau 7-10 ngày, trong khi hàng hóa sang đây đã mất mấy chục ngày. Điều này đòi hỏi DN phải mạnh về vốn và DN cần có sự hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trong vay vốn khi đẩy mạnh XK vào Trung Đông.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Để khai thác được thị trường Trung Đông nói riêng cũng như tất cả các thị trường khác, điều đầu tiên là chúng ta phải tổ chức chất lượng ngành hàng cho tốt. Điều đó thể hiện ở chỗ tất cả các mặt hàng phải tổ chức theo chuỗi, từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu thương mại phải gắn kết với nhau. Khuyến khích bà con nông dân chúng ta làm sao liên kết hộ nông dân thành hợp tác xã, liên kết giữa hợp tác xã thành DN để hình thành quy mô khép kín đối với từng nhóm ngành hàng ở từng cấp độ quy mô nhất định. Trên cơ sở đó, đưa quy trình kỹ thuật vào, giám sát chặt chẽ quy trình sản phẩm, đưa ra chất lượng phù hợp từng loại nhóm thị trường. Ông Nguyễn Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Đa phần các nước nhập khẩu nông lâm thuỷ sản đều đòi hỏi rất cao về kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, DN XK cần đặc biệt chú trọng điều này để đưa sản phẩm XK thành công và bền vững. Ông Nguyễn Sơn - Phó Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế và kinh tế Nếu DN Việt Nam không sớm xử lý dứt điểm tình trạng nông, thuỷ sản XK vi phạm Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm mà các nước đề ra và xử lý nhanh việc kiểm dịch động, thực vật với nhiều loại trái cây, gia cầm… thì những ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do sẽ không tận dụng được. |