Trung Quốc đã có chương trình phát triển trái cây ăn quả cực mạnh. Họ xây dựng riêng vùng trái cây ôn đới và nhiệt đới với chất lượng tốt, giá rẻ hơn Việt Nam. Nếu Trung Quốc sản xuất với số lượng lớn thì hoa quả của họ sẽ tràn ngược sang nước ta. Đây là cảnh báo của Ts. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD).
Trung Quốc là thị trường XK quan trọng của Việt Nam. Năm 2014, kim ngạch XK NLTS sang Trung Quốc đạt 4,8 tỷ USD, chiếm 32% tổng kim ngạch XK mặt hàng này. Mặc dù tình trạng trái cây ùn tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn diễn ra từ nhiều năm qua, Bộ Công Thương cũng đã dự báo và lên phương án giải quyết nhưng "đến hẹn lại lên" hàng nông sản tắc vẫn hoàn tắc.
Ùn ứ do trùng lịch
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, ngay từ đầu năm 2015, Bộ Công Thương đã có dự báo trước khả năng sản lượng dưa hấu XK sẽ vượt qua khả năng của cửa khẩu. Bộ đã có chỉ đạo tỉnh Lạng Sơn tổ chức với phía Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thông quan, đồng thời có văn bản đề nghị địa phương rà soát quy hoạch và sản lượng phục vụ XK.
Dự báo được tình hình, chủ động đưa ra giải pháp khắc phục tại cửa khẩu nhưng tại sao tắc vẫn hoàn tắc? Bên cạnh việc Trung Quốc luôn áp dụng các quy trình kiểm tra kiểm dịch chặt chẽ theo quy định đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu. Các dự án về mở rộng cơ sở hạ tầng – bến bãi tập kết nông sản của Việt Nam vẫn ì ạch…, phải chăng còn nguyên nhân khác?
Viện IPSARD vừa tổ chức một cuộc điều tra, khảo sát tại các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn, tới các cửa khẩu Trung Quốc, vào Bằng Tường, khu vực Quảng Tây – Trung Quốc để tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao dưa hấu, nhãn, vải, thanh long, sầu riêng, xoài, chuối… của chúng ta cứ năm nào cũng ùn ứ hàng loạt tại cửa khẩu.
Ts. Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng (Viện IPSARD), cho rằng qua khảo sát thực tế cho thấy, nhiều mặt hàng nông sản, trái cây Việt Nam khó có thể cạnh tranh nổi với nông sản Trung Quốc về chất lượng, giá cả.
![]() |
Ts Kiên cho biết trong khi chúng ta ùn ùn xuất dưa sang Trung Quốc thì bên nước họ, dưa cũng đang vào vụ thu hoạch (dưa Trung Quốc vào vụ sau dưa Việt Nam khoảng 1 tháng). Giá bán 1kg dưa hấu tại Tp. Nam Ninh cách cửa khẩu Hữu Nghị Lạng Sơn 240 km chỉ khoảng 9.000 đồng, rẻ hơn dưa hấu Việt Nam bán tại Hà Nội mà chất lượng còn ngon hơn hẳn.
Ngoài ra, nông sản Việt Nam XK theo kiểu bán đổ đống, không chú ý việc phân loại chất lượng, kích cỡ, đóng gói cũng khiến giá bán sản phẩm của chúng ta luôn thua thiệt.
Về tình trạng sản xuất trùng mùa vụ, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng phòng Chế biến, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), cho hay Trung Quốc là thị trường có một đặc điểm mang tính mùa vụ. Muốn XK sang Trung Quốc một cách bền vững thì chúng ta phải tổ chức sản xuất như thế nào để nông sản không trùng với mùa vụ bên Trung Quốc.
Chẳng hạn, hiện nay Trung Quốc trồng vải loại chín muộn. Do đó, chúng ta có thể trồng những loại vải chín sớm trước 10/5, để chiếm lấy thuận lợi vì lúc này thị trường họ chưa có vải.
"Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chúng ta đang mò mẫm, thậm chí làm ngược. Ví dụ nhiều viện nghiên cứu như Viện Nông nghiệp đang tạo ra những loại vải chín muộn, hay nghiên cứu công nghệ chậm chín, làm kéo dài thời gian tiêu thụ trái vải của Việt Nam", ông Dũng nhận xét.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, việc mua bán của các DN Việt Nam với tư thương Trung Quốc chủ yếu thông qua thỏa thuận theo kiểu "đi chợ" và phải thông qua mạng lưới "tải xích" (tức "cò" người Trung Quốc hoặc Việt Nam biết tiếng Trung Quốc) chứ không có hợp đồng thương mại.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng thừa nhận hình thức mua bán trao hàng, nhận tiền không có hợp đồng này đã diễn ra từ lâu. Hàng nông sản của Việt Nam thường bị thương lái ép cân, ép giá.
Thứ trưởng Tuấn cho rằng cần thay đổi tập tục thương mại tiểu ngạch, khuyến khích DN hai bên ký kết hợp đồng Thương mại để giảm thiểu rủi ro. Bộ Công thương đã xây dựng đề án xây dựng trung tâm trung chuyển để bảo quản sản phẩm, tránh thương lái ép giá khi có hiện tượng dội hàng.
Một thực tế đáng lo ngại được các chuyên gia cảnh báo là Trung Quốc hiện đang đầu tư rất mạnh cho nông nghiệp, nhiều mặt hàng trước là thế mạnh độc quyền của Việt Nam giờ đã bị Trung Quốc nghiên cứu, mở rộng trồng trên lãnh địa của họ.
Việt Nam có, Trung Quốc cũng có
Ts. Nguyễn Trung Kiên cho biết, Chính phủ Trung Quốc rất quan tâm hỗ trợ phát triển ngành trái cây. Trung Quốc đã thành lập văn phòng phát triển trái cây tại một số tỉnh. Nông nghiệp ở khu vực tỉnh Vân Nam và Quảng Tây đang được đầu tư rất mạnh.
Đầu tư của các DN Trung Quốc vào nông nghiệp tăng nhanh trong 5 năm trở lại đây, đặc biệt tốc độ tăng trưởng ngành hàng hoa quả 30-40%/năm, trong đó, mận 49%/năm, xoài, măng cụt, ổi 40,8%/năm.
Nhiều DN Trung Quốc trước đây kinh doanh máy tính, linh kiện điện tử giờ có chút vốn đã chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp. Bằng Tường (Trung Quốc) hiện nay đang khát lao động. Rất nhiều lao động Việt Nam được thuê sang để làm nông nghiệp, phân loại trái cây, đóng gói… với mức lương tới 8-10 triệu đồng/tháng._
Ts. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, bài toán tới đây của nông sản Việt Nam không chỉ dừng lại ở câu chuyện cầu thế giới giảm mà còn là năng lực cạnh tranh khi nông sản của Việt Nam đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm năng lực cạnh tranh. Do đó, nếu chúng ta không chịu thay đổi và tìm cách điều chỉnh cơ cấu ngành hàng thì sẽ dần mất đi lợi thế và rất khó để nâng sức cạnh tranh cho nông sản.
Lấy ví dụ, lâu nay chúng ta vẫn tự tin vào vải, mận, thanh long XK sang Trung Quốc nhưng hiện nay những trái cây này, Trung Quốc cũng đã trồng được và thậm chí chất lượng còn có thể nhỉnh hơn do đó nếu chúng ta không chịu thay đổi thì sẽ đánh mất cơ hội trong nay mai.
Ts. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn khẳng định:_"Nếu không có những bước phát triển đột phá về khoa học công nghệ trong nông nghiệp thì rất khó để Việt Nam đưa ra được các sản phẩm có giá thành rẻ, chất lượng tốt có thể cạnh tranh được với các nước. Các chuyên gia của Trung Quốc đã từng khẳng định, Việt Nam trồng được cây gì thì chúng tôi cũng có cây đó. Nếu Trung Quốc sản xuất với sản lượng lớn thì nông sản nước này sẽ tràn ngược sang thị trường nước ta"._
Nhiều ý kiến cho rằng, từ trước đến nay, việc XK qua đường mòn lối mở vẫn là chủ yếu nhưng tới đây, chúng ta phải xây dựng được đối tác tin cậy tại Trung Quốc để có thông tin về giá cả, chất lượng, đấy là mới giải pháp căn cơ.
Cần có đội ngũ tham tán thương mại, không chỉ ở Việt Nam mà còn có hệ thống ở Tung Quốc để họ thông báo thông tin cho trong nước, nhằm đưa ra cảnh báo, hướng dẫn chỉ đạo mùa vụ, sản lượng như thế nào cho hợp lý với nhu cầu của thị trường.
Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương |
Thu Hường