Trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, đã có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ). Rất nhiều mặt hàng mở cửa được thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ..., báo hiệu cho sự lạc quan trong thời gian tới.
Mỗi năm nhận khoảng 1.000 thông báo mới
Hiện nay, xu hướng chung của tất cả thị trường, trong đó có Trung Quốc đều có những yêu cầu rất cao về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Là cơ quan đầu mối thông tin về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT), cho biết thống kê của Văn phòng, mỗi năm nhận khoảng 1.000 thông báo từ các thành viên WTO thay đổi về các biện pháp an toàn thực phẩm.
Xuất khẩu thủy sản đối mặt với rất nhiều thay đổi từ thị trường về quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Tính đến 10/12/2022, Văn phòng SPS nhận được hơn 1.100 thông báo..., đây là con số rất lớn. Theo thống kê, có khoảng 70-80% các thông báo này sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Theo số liệu phân tích, thị trường Nhật Bản có khoảng 165 thông báo, chiếm khoảng 15%, tiếp theo là EU có trên 100 thông báo, tiếp đến là Mỹ, Trung Quốc...
Nếu phân theo các lĩnh vực, riêng vấn đề bảo vệ thực vật liên quan đến an toàn thực phẩm các nguồn gốc thực vật, kiểm dịch thực vật có 623 thông báo, chiếm 57%. Thú y, các vấn đề an toàn thực phẩm liên quan trong vệ sinh thú y, kiểm dịch động vật trên cạn có 388 thông báo, chiếm 31%; còn lại là thủy sản.
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay VASEP có gần 1.000 doanh nghiệp đã có mã EU code tại thị trường EU. Đây là chứng chỉ quan trọng để doanh nghiệp thâm nhập và chinh phục các thị trường khác, bởi EU là thị trường khó tính nhất. Đó cũng là thành tích để khẳng định thương hiệu thuỷ sản Việt Nam.
Tuy nhiên, về mặt lâu dài, ngành thủy sản sẽ còn khó khăn tại nhiều thị trường nữa. Ví dụ như Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính nữa, sẽ là thị trường khó tính và ngày càng khó hơn nữa, sẽ có những quy định và thay đổi rất bất ngờ đối với doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam.
Doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam cũng xác định thị trường Trung Quốc là thị trường rộng lớn, tiềm năng trong giai đoạn tới khi mà thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản… sẽ có những khó khăn hơn.
Tuy vậy, doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam sẽ phải có những thay đổi về quan điểm, tâm thế, tiếp cận sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, tiếp cận một cách chi tiết hơn tới từng phân khúc của các thị trường địa phương tại thị trường lớn Trung Quốc.
Luôn xác định tâm thế thích nghi
Trong khi đó, bà Phan Thị Thu Hiền, đại diện Cục Bảo vệ thực vật, cho hay Trung Quốc đưa ra rất nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về vùng trồng và cơ sở đóng gói sản phẩm. Họ cũng đưa ra cảnh báo những phương pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Theo đó, lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hợp lệ hay lô hàng của các cơ sở chế biến chưa đăng ký đều sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy.
“Như mặt hàng khoai lang, nếu phát hiện vỏ ngoài còn dính đất, lô hàng sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy”, bà Hiền chia sẻ.
Chánh Thu là một trong những doanh nghiệp được tham gia xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, mới đây là bưởi da xanh sang thị trường Mỹ sau khi Bộ NN&PTNT cùng các ngành chức năng khơi thông được những thị trường này. Chia sẻ về những kết quả mà doanh nghiệp đã đạt được trong năm 2022, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, đánh giá các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đã có tăng trưởng cao, như mặt hàng rầu riêng, bưởi... của Việt Nam đã mở cửa vào được các thị trường khó tính.
Để có được thành tựu đó, việc đầu tiên là sự chuẩn bị của Chánh Thu rất tốt, đơn cử như mặt hàng sầu riêng... Dù đi sau Thái Lan nhưng sản phẩm của Việt Nam đã vào được thị trường Trung Quốc. Chánh Thu đặt mục tiêu năm 2023 sẽ tăng trưởng gấp đôi doanh số xuất khẩu. Kinh nghiệm của công ty là khi mở cửa thị trường, nếu doanh nghiệp chuẩn bị tốt sẽ mở của được nhiều thị trường khó tính.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả, song lãnh đạo Chánh Thu cũng cho rằng, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy. Trong thời gian tới, Công ty sẽ phối hợp với tỉnh Bến Tre để xây dựng vùng nguyên liệu, hoàn thiện chuỗi để đưa nhiều sản phẩm vào các hệ thống siêu thị lớn của Mỹ. Thông qua việc mở cửa thị trường lớn giúp cho doanh nghiệp nâng cao được uy tín, thương hiệu để dễ vào các thị trường khác.
Quay trở lại câu chuyện cần chuẩn bị gì cho các sản phẩm xuất khẩu, kinh nghiệm của Chánh Thu là luôn có sự chuẩn bị tốt nhất. Công ty thường xuyên cập nhập các thông tin, các yêu cầu từ phía đối tác thông qua Cục Bảo vệ thực vật. "Chúng ta đã mất rất nhiều thời gian để đàm phán, để có được Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, thời gian đó kéo dài tới 5-6 năm, thì đó cũng là khoảng thời gian để các doanh nghiệp chuẩn bị tốt nhất", bà Vy đánh giá.
Với riêng Chánh Thu, Công ty đã tăng cường, nâng cao liên kết, đề cao tính tử tế trong sản xuất nông nghiệp. “Tôi mong muốn làm sao tiêu chuẩn của Việt Nam ngày càng phù hợp hơn với các thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, để khi xuất khẩu nông sản sang thị trường “hàng xóm” này thì không còn sự e dè, ngại ngần nữa”, bà Vy chia sẻ.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), nhấn mạnh muốn xuất khẩu vào các thị trường khó tính, có giá trị cao thì phải tư duy theo kiểu cùng nhau; doanh nghiệp phải bỏ tư duy buôn chuyến. Khi Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn, riêng gạo thơm có giá trị cao miễn thuế 30.000 tấn. Tới tháng 10/2022, doanh nghiệp xuất khẩu đã gần như hết.
Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá: "Để đạt kết quả như thế, tôi cho rằng không phải sự may rủi mà là quá trình chuẩn bị, đầu tư của các cơ quan quản lý nhà nước, nghiên cứu, đặc biệt các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam đã thích ứng rất nhanh với yêu cầu của thị trường, yêu cầu của kỹ thuật".
Nhật Linh