Liên quan việc đầu tư Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Tp.HCM), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới đây đã có ý kiến giao Bộ KH&ĐT khẩn trương có ý kiến kết luận rõ dự án đã đủ cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Sức ép phát triển hạ tầng
Bên cạnh đó, điểm gây chú ý từ ý kiến của Phó Thủ tướng là việc “làm rõ nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước”.
Được biết, Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, diện tích mặt bằng nhà ga khoảng 110.000m2, mở rộng sân đỗ máy bay trên diện tích 4.670m, các hạng mục phụ trợ xây dựng đồng bộ hệ thống kỹ thuật, giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước mặt, thoát nước thải). Dự án được xây dựng trên diện tích 16,05 ha.
Trong một báo cáo trước đó, Bộ KH&ĐT đã đồng thuận với mục tiêu dự án và đưa ra mức vốn đầu tư thực hiện dự án khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn góp của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Còn theo nhận định gần đây của Chứng khoán VCBS, triển vọng dài hạn của ACV (là đơn vị khai thác 21/22 cảng hàng không tại Việt Nam) phụ thuộc vào khả năng thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng như nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành.
VCBS cho biết ACV đang có nhiều triển vọng trở thành nhà đầu tư dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) sau khi nhận được sự ủng hộ và chấp thuận của đơn vị chủ quản và các bộ, ban, ngành có liên quan.
Tuy vậy, vốn đầu tư lớn dành cho dự án Long Thành được cho là sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cân đối tài chính và dòng tiền của ACV trong giai đoạn sắp tới.
Trong khi đó, các chuyên gia hàng không cho rằng nếu không nhanh chóng nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, bao gồm việc xây mới nhà ga T3 thì “đến một lúc nào đó, thị trường hàng không sẽ bị đóng băng khai thác”.
Như băn khoăn của ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV, sân bay Tân Sơn Nhất không thể nóng hơn được nữa vì vấn đề hạ tầng. Ngoài xây dựng nhà ga, đường băng của Tân Sơn Nhất cũng phải sửa chữa lại và đầu tư đồng bộ đường lăn, sân đỗ mới đủ đáp ứng nhu cầu phục vụ hành khách.
Các con số ước tính cho thấy lượt khách qua các cảng hàng không tăng 10% trong năm 2019, đạt 112 triệu lượt. Lượng hàng hóa qua các cảng hàng không tăng 11,7% trong năm 2019, đạt 1,7 triệu tấn.
Báo cáo triển vọng về ngành hàng không trong năm 2020 từ một số chuyên gia phân tích cũng lưu ý là “thị trường hàng không Việt Nam phát triển nhanh chóng đang đặt ra sức ép cho phát triển hạ tầng”.
![]() |
Các hãng hàng không than phiền tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng ở sân bay Tân Sơn Nhất |
Cần thêm nguồn lực tư nhân
Hiện nay, 5 cảng hàng không lớn nhất Việt Nam đều đã hoạt động vượt công suất thiết kế, đặc biệt là Tân Sơn Nhất, đòi hỏi việc nâng cấp và mở rộng trong giai đoạn tới.
Trong 5 năm tới, tăng trưởng số lượng khách hàng qua đường hàng không ở Việt Nam dự báo đạt 9,5% hàng năm. Lượng khách quốc tế tăng nhanh với sự tích cực đến từ 2 yếu tố: Nền kinh tế phát triển theo hướng mở cửa tạo ra nhu cầu liên kết quốc tế ngày càng lớn; khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tăng với tốc độ CAGR 23% giai đoạn 2014 – 2019 và dự kiến tiếp tục tăng nhanh do ngành du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng.
Còn theo nhận định của ông Eric Lamare, Phó Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng vận chuyển hàng không Air Bridge Cargo, ngày càng nhiều công ty lớn đổ dồn về Việt Nam và vận tải hàng không sẽ đóng vai trò rất mạnh mẽ với mức tăng trưởng trong tương lai có thể trên 50%.
Ông Eric Lamare đưa ra dự báo “cánh cửa mới” cho xuất nhập khẩu của Việt Nam thông qua vận chuyển hàng không là rất lớn. Có thể đến năm 2030 sẽ có 8 triệu tấn hàng hoá được vận chuyển theo đường hàng không. Đặc biệt với dự án sân bay quốc tế Long Thành khi hoàn thành sẽ thúc đẩy vận tải hàng không của Việt Nam phát triển mạnh.
Triển vọng là vậy, nhưng việc thiếu hụt hạ tầng hàng không chính là thách thức rất lớn. Đơn cử như việc các hãng hàng không đều kêu ca về tình trạng quá tải cơ sở hạ tầng dẫn đến việc thiếu hụt giờ bay, chỗ đỗ (slot) ở sân bay Tân Sơn Nhất, từ đó kéo theo những hệ lụy như kế hoạch phát triển của nhiều hãng bị ảnh hưởng, nguy cơ mất an toàn trong khai thác.
Trên thực tế, nhu cầu gọi vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng hàng loạt cảng hàng không là rất lớn, không chỉ ở sân bay Tân Sơn Nhất hay Nội Bài, Đà Nẵng.
Nhìn từ ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là “không sử dụng vốn ngân sách nhà nước” trong việc đầu tư dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất để thấy rằng ngân sách nhà nước không kham nổi việc hoàn thiện hạ tầng sân bay một cách nhanh chóng.
Thế nhưng nếu như việc phát triển hạ tầng hàng không dựa vào chỉ một doanh nghiệp sân bay như ACV cũng là điều bất khả thi. Cho nên, theo giới chuyên gia, để gỡ nút thắt hạ tầng hàng không thì không có cách nào khác là cần thêm nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân trong việc xã hội hóa đầu tư hạ tầng sân bay.
Thế Vinh