Ngày 25/5, tại phiên thảo luận của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, chất lượng tăng trưởng tiếp tục được các đại biểu quan tâm.
Quy mô GDP khiêm tốn
Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), tuy tăng trưởng kinh tế năm 2017 vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ nội lực sản xuất kinh doanh dịch vụ nền kinh tế không đạt được như kỳ vọng.
Quy mô nền kinh tế năm 2017 của Việt Nam đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, chỉ gần bằng mục tiêu đặt ra trong năm 2016 là khoảng 5,1 triệu tỷ đồng.
"Phấn đấu 2 năm mới gần đạt quy mô GDP kỳ vọng của năm trước dẫn tới tích lũy nền kinh tế và động lực tăng trưởng không đạt như kỳ vọng. Một nền kinh tế đang khát khao tăng trưởng nhưng quy mô GDP khoảng 5 triệu tỷ đồng là khiêm tốn", đại biểu Hàm đánh giá.
Trong khi đó, nhân tố tạo nên bứt phá tăng trưởng năm 2017 không được duy trì bền vững, chỉ tạo đà cho quý I/2018 đạt mức cao, còn quý sau dự báo giảm dần. Đặc biệt diễn biến này giống như cách đây 10 năm (năm 2008), kinh tế trong nước bất ổn, lạm phát tăng phi mã lên 20%.
Bên cạnh đó, tăng trưởng nhờ vào gia công có xu hướng đậm nét hơn. Cụ thể, chế biến chế tạo là động lực quan trọng của tăng trưởng nhưng chủ yếu là do tăng trưởng mạnh của gia công lắp ráp. Ví dụ, lắp ráp điện tử, máy tính, sản phẩm quang học tăng trưởng 32% gấp 2,25 lần tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo, trong khi chế biến chế tạo từ nguồn nguyên liệu trong nước chỉ bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng của ngành này.
"Hai doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) là Samsung và Fomorsa đóng góp hơn 40% vào tăng trưởng ngành chế biến chế tạo. Nếu thời kỳ dân số vàng qua đi cùng với cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ không còn chỗ đứng ngay cả khâu gia công lắp ráp trong chuỗi giá trị toàn cầu", đại biểu Hàm lo ngại.
Trong khi đó, nông nghiệp có thành tích xuất khẩu lớn nhưng lại xuất thô, phát triển nông nghiệp công nghệ nhưng lại phụ thuộc 80% con giống, công nghệ máy móc nhập khẩu.
Theo Gs.Ts. Ngô Thắng Lợi, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tăng trưởng nhờ vào gia công, xét trên phạm vi quốc tế chính là sự phân công lao động theo chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và đó cũng có thể gọi là hiệu ứng tốt cho các nước có trình độ công nghệ thấp nếu được tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Do trình độ công nghệ quá thấp, việc chỉ đảm nhận được khâu gia công là hợp lý. Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia có khá nhiều nguyên liệu thô, lại phải xuất khẩu đi để nhập lại các hàng hóa trung gian và gia công lắp ráp, vì thế nếu nằm quá lâu và bị chi phối quá nhiều vào gia công thì tính hiệu quả, chất lượng tăng trưởng sẽ là một vấn đề cần phải xem xét.
Gs.Ts. Ngô Thắng Lợi cảnh báo trong một tương lai không xa nữa, tăng trưởng nhờ vào gia công sẽ còn nhiều hệ quả không tích cực khác liên quan đến tính bền vững của tăng trưởng. Khi giá lao động trong nước cao dần lên, khâu "gia công" trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ không còn được các tập đoàn quốc tế "phân công" cho Việt Nam nữa.
![]() |
Lo ngại tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần theo các quý |
Tìm động lực mới
Tại cuộc họp trao đổi thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô diễn ra mới đây, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT), cũng bày tỏ lo ngại GDP quý I/2018 tăng 7,38% là điều đáng mừng, tuy nhiên không tránh tâm lý "xả hơi".
Trong khi đó, những yếu tố giúp tạo tăng trưởng đột biến trong năm 2018 chưa nhìn thấy rõ. Formosa cho biết có kế hoạch khởi động lò cao số 2 qua đó sẽ tác động tới GDP. Samsung không tiết lộ dự kiến nên có thể không tăng trưởng đột biến như năm 2017. Điều này có thể khiến tăng trưởng GDP các quý cuối năm sẽ chùng xuống.
"Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần theo các quý, khi các quý còn lại sẽ phải sánh với một nền rất cao của năm 2017", Bộ KH&ĐT lo ngại.
Trước đó, tại Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2017 của Ủy ban Kinh tế cũng cho thấy quy mô GDP còn thấp so với dự kiến xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-2020, mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét, động lực tăng trưởng chính chủ yếu dựa vào đóng góp của khối DN FDI; công nghiệp chế biến chế tạo có nhiều đóng góp nhưng mới chỉ dừng lại ở khâu gia công, chưa phải là công nghệ cao, tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm.
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, động lực tăng trưởng dựa vào một số yếu tố như trong năm 2017 sẽ khó lặp lại. Việc một số nước lớn quay lại áp dụng các chính sách bảo hộ và các biện pháp cực đoan khó lường, áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra, những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, các nước nhập khẩu áp dụng tiêu chuẩn cao về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm… có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Việt Nam.
Trong khi đó, kinh tế quý I/2018 với sự bứt phá về GDP tăng 7,38% sẽ tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong 3 quý còn lại của năm nếu nền kinh tế vẫn định hình như các năm trước đây là tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, do vậy cần phân tích sâu hơn về vấn đề này.
"Ngoài hai lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu có đóng góp quan trọng trong thời gian qua thì vẫn chưa phát huy đầy đủ tiềm năng của các lĩnh vực khác để hỗ trợ cho tăng trưởng GDP cũng như khả năng đóng góp của từng vùng kinh tế trọng điểm và một số địa phương được xác định là các cực tăng trưởng của đất nước", Ủy ban Kinh tế đánh giá.
Ủy ban Kinh tế cho rằng cần tập trung giải quyết các yếu kém đã được nhận diện, quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó có yêu cầu đẩy mạnh, cắt giảm các thủ tục hành chính một cách thực chất, minh bạch thủ tục và xử lý nghiêm túc các sai phạm.
Đồng thuận điều này, các chuyên gia cho rằng hiện đang có một khu vực tạo ra tăng trưởng rất nhanh, đó là khu vực kinh tế tư nhân. Nếu tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt hơn để khu vực này phát triển, chúng ta sẽ có động lực tăng trưởng mới, không cần tìm đâu xa hay dựa dẫm vào FDI.
Lê Thúy
Ts. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách Tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng của nửa sau năm 2017, GDP quý I/2018 tăng mạnh 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng đột biến 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành được coi là động lực chính của tăng trưởng là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao 13,9%. Tuy nhiên, giá trị gia tăng tạo ra trong ngành này chủ yếu tới từ khu vực FDI. Điều đó cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khu vực FDI. Gs.Ts. Trần Thọ Đạt- Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Các DN nói chung và DN tư nhân vẫn đang phải đối diện với những rào cản phát triển, trong đó các rào cản khi tham gia thị trường là các yếu tố sản xuất quan trọng như vốn, lao động, đất đai, công nghệ, cơ sở hạ tầng và logistics cũng như gặp nhiều tồn tại bất hợp lý khi khởi sự kinh doanh hay thực hiện những nhiệm vụ thuế và hải quan… Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của DN, theo đó ảnh hưởng đến tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế. Ts. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Tăng trưởng cao hay thấp phụ thuộc vào cải cách mạnh hay yếu. Quyết tâm cải cách của Chính phủ sẽ tạo nên cả tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế… Tôi mong muốn các bộ ngành, địa phương tích cực cải cách, thay đổi quyết liệt, mạnh mẽ, đưa Việt Nam tăng trưởng, phát triển hùng mạnh hơn. |