Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính tới cuối tháng 8/2017, có 72 dự án với tổng mức đầu tư 42.744 tỷ đồng có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả. Ngoài ra, gần 100 dự án khác cũng đang ở trong diện cảnh báo cao về khả năng đầu tư kém hiệu quả.
Nguy cơ “mất” vốn
Đánh giá chung, Bộ KH&ĐT cho biết, các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả là thời gian đầu tư kéo dài nhiều năm, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự án đi vào hoạt động nhưng không đảm bảo công suất thiết kế, thua lỗ kéo dài…; tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, nông nghiệp và ở các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn.
Kết quả này cho thấy thực tế đáng quan ngại về sử dụng vốn nhà nước của các DNNN, nhất là khi số DNNN được rà soát, đánh giá tình hình đầu tư các dự án giai đoạn 2000 – 2016 khoảng 250 DN.
Nếu so với tổng số DNNN phải thực hiện rà soát, báo cáo trên mới chỉ chiếm 31,25% tổng số DN (250 /800 DN phải thực hiện rà soát, báo cáo; có tính đến các công ty con do công ty mẹ là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).
Theo báo cáo của Bộ Tài chính năm 2015, có 781 DNNN với tổng giá trị tài sản 3,1 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước 1,2 triệu tỷ đồng. Còn theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu tính toàn bộ các DN có từ 50% đến 100% chủ sở hữu vốn nhà nước, tổng tài sản đã lên đến 5,4 triệu tỷ đồng (tương đương 240 tỷ USD).
Đáng lưu ý, khối tài sản này tính trên sổ sách kế toán, không phải tính theo giá thị trường và cũng chưa tính đến giá trị quyền sử dụng đất và những tài sản vô hình khác có thể quy ra tiền. Nếu tính đúng, tính đủ, khối tài sản của DN có vốn nhà nước từ 50% trở lên không biết lớn đến cỡ nào.
Tuy nắm giữ một lượng lớn tài sản của Nhà nước song thực tế, đóng góp của khối DNNN chưa tương xứng với kỳ vọng. Nhiều DNNN thua lỗ, vốn nhà nước hiện đang bị sử dụng lãng phí, không hiệu quả.
Báo cáo kết quả kiểm toán Nhà nước trình tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV tháng 7/2016 chỉ ra thực trạng ở nhiều DNNN đang tồn tại những khoản nợ khó đòi, nợ quá hạn hàng trăm tỷ đồng, thậm chí lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đây là hệ quả của những khoản đầu tư tràn lan, thiếu quản lý chặt chẽ trong một giai đoạn khá dài trước đây.
Điều đáng nói, nhiều khoản đầu tư của các DNNN vào DN khác có tình trạng tài chính xấu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc giải thể, trong đó nhiều đơn vị đã rơi vào tình trạng mất hết vốn chủ sở hữu với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Điển hình như việc đầu tư 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Oceanbank và ngân hàng này bị mua lại với giá không đồng… Hay nhiều dự án do các DNNN làm chủ đầu tư đang rơi vào tình trạng đắp chiếu hoặc kém hiệu quả như 12 dự án thua lỗ của ngành công thương.
72 dự án với tổng mức đầu tư 42.744 tỷ đồng có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả.
Hiện nay, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu rất cao. Cụ thể, công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Cà Mau Vinalines có hệ số nợ phải trả cao gấp 153,92 lần vốn chủ sở hữu; Tập đoàn Điện lực (EVN) cũng có tên trong danh sách này, với hai đơn vị thành viên được nêu tên là Tổng công ty Phát điện 3 (6,74 lần), Tổng công ty Phát điện 1 (4,35 lần).
Thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2016, hầu hết tập đoàn, tổng công ty lớn đều đã công bố số liệu tài chính năm 2015. Song điều đáng buồn là nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn có hiệu quả kinh doanh ngày một kém.
DNNN chưa “tròn vai”
Qua các báo cáo tài chính được công bố công khai cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của nhiều DN lớn đã giảm liên tục trong 2 – 3 năm gần đây như Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Hóa chất…
Ts. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã chỉ ra hai “đối nghịch” về DNNN. Một mặt, DNNN vẫn góp phần to lớn trong sự phát triển của nền kinh tế và phát huy vai trò của kinh tế nhà nước; vẫn “chốt giữ” những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng của nền kinh tế. Nhưng mặt khác, nhìn tổng thể, “DNNN chưa đóng tròn vai “lực lượng nòng cốt” của lực lượng kinh tế “chủ đạo”, chưa hoàn thành sứ mệnh dẫn dắt và tạo động lực phát triển cho cả nền kinh tế”.
Ông Thiên cho rằng được giao trọng trách là “nòng cốt” của khu vực kinh tế chủ đạo, song các DNNN chưa thực sự làm tốt vai trò nòng cốt, mở đường, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển.
“Trên thực tế, nhiều khi DNNN còn là yếu tố gây mất cân đối, phá vỡ ổn định vĩ mô, gây tổn thất lớn cho nền kinh tế, cả trực tiếp (mất vốn, gây lãng phí lớn) lẫn gián tiếp (làm méo mó môi trường kinh doanh).
Tình trạng nhiều dự án “đắp chiếu”, nhiều DN “xác sống”, gánh nặng nợ – nợ xấu của khu vực DNNN đang trở thành “vấn nạn” phát triển thật sự của nền kinh tế”.
So với nguồn lực được giao, với những ưu đãi, đặc quyền, hỗ trợ của Nhà nước và nếu so với “trọng trách” phải gánh vác, những đóng góp của DNNN là chưa tương xứng. Kết quả các cuộc điều tra DN cho thấy, so với các thành phần kinh tế khác, hiệu quả sử dụng vốn của khu vực DNNN là thấp nhất trong giai đoạn 2011 – 2014.
Cụ thể, các DNNN phải cần đến 1,63 đồng vốn (năm 2011) và 2,15 đồng vốn (năm 2014) mới tạo ra 1 đồng doanh thu; trong khi DN ngoài Nhà nước bỏ ra 1,21 đồng vốn (năm 2011) và 1,42 đồng vốn (năm 2014) để tạo ra 1 đồng doanh thu; còn các DN FDI chỉ mất 1,05 đồng vốn năm (2011) và 1,12 đồng vốn (năm 2014) để tạo ra 1 đồng doanh thu.
Đặc biệt, theo ông Thiên, một đặc điểm gây lo ngại cho hoạt động kinh doanh của các DNNN là tình trạng “tay không bắt giặc”, nghĩa là trong cấu trúc tài sản của DNNN, vốn tự có chiếm tỷ lệ thấp hoặc rất thấp. Tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gấp 3 – 10 lần.
Ông Thiên ví von: “Nguyên lý “đánh mượn sức” – một nghệ thuật chiến đấu tuyệt vời của phương Đông được các DNNN Việt Nam vận dụng vào kinh doanh một cách dễ dàng đang trở thành nguồn gây rủi ro tiềm tàng to lớn. Tỷ lệ vốn vay ngân hàng lớn và vốn chiếm dụng lẫn nhau cao cho thấy thực lực tài chính yếu kém cùng thực trạng tài chính đầy nguy cơ của các DNNN. Trên thực tế, hoạt động của các DNNN không chỉ dẫn đến nguy cơ phá sản của chính chúng mà còn làm tăng gánh nặng nợ quốc gia”.
Lê Thúy
Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Động lực phát triển tự thân của chính DNNN đang yếu đi. Hiệu quả sử dụng vốn, tốc độ tăng năng suất lao động giảm mạnh. Hiện nay, DNNN chính là lực lượng “đóng góp” nhiều nhất vào gánh nặng nợ quốc gia – “cục máu đông” cản trở phát triển kinh tế lớn nhất. Ts. Trần Thị Nguyệt Cầm - Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa DNNN đầu tư kém hiệu quả là vì việc trao quyền cho người đại diện phần vốn nhà nước tại DNNN quá lớn, trong khi chế độ báo cáo, xin ý kiến trước khi biểu quyết những vấn đề quan trọng của DNNN chưa được quy định cụ thể, cùng với đó là việc kiểm tra giám sát, hạn chế và không thường xuyên. Ts. Võ Tá Tri - Trường Đại học Thương mại Phải tách bạch một cách triệt để Nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước với DNNN trên tất cả các mặt sở hữu, quản lý đối với DN. Nhà nước không trực tiếp can thiệp hoạt động của DNNN, mà thông qua công cụ biện pháp kinh tế tài chính, các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát toàn diện đối với DN. Nhà nước vẫn có thể điều tiết thông qua các văn bản pháp luật mà không cần phải nắm quyền sở hữu. |