Đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 6 tháng đầu năm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã kiên quyết chỉ đạo và đôn đốc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt tại các dự án trọng điểm quốc gia nhằm phát huy vai trò kích hoạt, tạo không gian phát triển mới, dẫn dắt các nguồn lực xã hội. Mặc dù vậy, giải ngân vốn đầu tư công vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Tỷ lệ giải ngân vẫn thấp
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến ngày 30/6, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 196.700 tỷ đồng, hoàn thành 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả này thấp hơn con số 30,49% của cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ giải ngân chững lại trước thực tế kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 chỉ bằng 95% kế hoạch của năm 2023.
Công nhân thi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương lý giải, giải ngân 6 tháng đầu năm thấp do giải ngân vốn ngân sách địa phương thấp hơn cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân của các địa phương chỉ đạt 28,77%, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 32,76%.
“Nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các dự án đầu tư công chủ yếu đến từ nguồn thu sử dụng đất và xổ số kiến thiết. Tuy nhiên, thị trường bất động sản khó khăn khiến nguồn thu từ đất của các địa phương không đạt kế hoạch. Do đó, địa phương không có đủ nguồn lực để giải ngân cho các dự án”, Thứ trưởng phân tích.
Phân tích của ông Phương chỉ là một lát cắt điển hình trong nhiều hạn chế, cản lực liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công như: vướng mắc phân bổ vốn; giải phóng mặt bằng; cơ chế chính sách giao một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư công các dự án giao thông qua nhiều địa phương; biến động giá và khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu; một bộ phận cán bộ thực hiện nhiệm vụ sợ sai, sợ trách nhiệm…
Số liệu cũng cho thấy, 15/44 bộ, cơ quan trung ương; 33/63 địa phương có vốn giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. "Trong đó, vốn giải ngân của TP.HCM thấp hơn 4.604 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân đạt trên 14% - rất thấp và không đạt kế hoạch đề ra (30%)...", theo Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, nếu không sớm có giải pháp quyết liệt, TP. HCM khó đạt được mục tiêu giải ngân 95%, ảnh hưởng tới kết quả giải ngân của cả nước.
Không để “nước đến chân mới nhảy”
Nhiều nỗ lực đang được thực hiện nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, cho thấy sự ‘'sốt ruột” của Chính phủ.
Chỉ 3 ngày sau Hội nghị với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Thủ tướng cũng yêu cầu kiện toàn lại các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó bổ sung 1 Tổ công tác mới.
Dự kiến ngày 17/7 tới, Thường trực Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm với các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, doanh nghiệp được giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024.
Cuối tuần trước, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tới các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để kiểm tra, thúc đẩy tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng giao thông.
Sau các buổi kiểm tra thực tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông chiến lược tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - nơi đang triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra công trường, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công; chỉ đạo Phó Thủ tướng và các bộ trưởng 3 lần trực tiếp làm việc tháo gỡ khó khăn về vật liệu.
Tại TP HCM, cũng đã có những chỉ dấu để kỳ vọng tỷ lệ giải ngân sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm. Đầu tiên là xem xét cắt giảm hơn 8.400 tỷ đồng của các dự án không thể giải ngân để bổ sung cho dự án có tiến độ tốt và chuẩn bị thủ tục đầu tư mới. Việc điều chỉnh vốn đầu tư công ngay tại kỳ họp giữa năm cho thấy sự chủ động, linh hoạt của TP.HCM trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn, không để “nước đến chân mới nhảy”.
Bên cạnh đó, đã có sự phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ của TP.HCM xuống cơ sở. Nhiều năm qua, tiến độ giải ngân đầu tư công ở TP. HCM gặp phải 2 trở ngại lớn gồm bồi thường, giải phóng mặt bằng và quy hoạch. Nay thẩm quyền giải quyết được giao về cho các quận, huyện để tăng tính chủ động, giải quyết kịp thời những vướng mắc từ thực tiễn. Sự "chia lửa" giữa TP. HCM và các quận, huyện theo hướng bớt khâu trung gian, cán bộ mạnh dạn làm và dám chịu trách nhiệm, qua đó đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn.
Tại Hà Nội, cuối tuần qua, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cũng vừa ban hành văn bản về việc triển khai một số yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý đầu tư công.
Những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương được kỳ vọng sẽ kiến tạo lực đẩy và phát huy tối đa khả năng giải ngân vốn đầu tư công. Đây là điểm sáng nổi bật giúp nâng cao năng lực, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng đó, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về nguồn cung cát, đá... để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh, hạ tầng năng lượng. Ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Giải ngân vốn đầu tư công đang phải đối mặt với những khó khăn vướng mắc đã được chỉ ra trong nhiều năm qua, nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để, hữu hiệu. Với chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các địa phương, vấn đề giải phóng và bàn giao mặt bằng sạch đã có bước chuyển biến đáng khích lệ, tuy vậy thiếu hụt nguyên vật liệu san lấp nền lại đang đe doạ tiến độ giải ngân. Bà Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TP. HCM Để tăng cường hấp thụ vốn đầu tư, TP. HCM nhất định phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, thi công các dự án quan trọng; đồng thời tập trung hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng. Với mục tiêu giải ngân hơn 79.200 tỷ đồng, từ nay đến cuối năm, TP. HCM phải giải ngân 10.000 tỷ đồng/tháng. |
Đỗ Kiều