Tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2014-2015 diễn ra ngày 10/12, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết niên vụ cà phê 2014-2015 đã thu hoạch xong, sản lượng giảm trên 20% so với niên vụ trước.
Nguyên nhân sản lượng giảm là do thời tiết thay đổi, hạn hán nghiêm trọng trong thời kỳ cà phê phát triển, mưa đến sớm khi thu hoạch, cà phê ra hoa không tập trung. Bên cạnh đó, nhiều vườn cà phê già cỗi dù được tái canh nhưng quá trình tái canh chậm khiến diện tích vườn cà phê có năng suất xuống thấp ngày càng tăng.
Tổng lượng XK cà phê toàn niên vụ 2014-2015 đạt 1,25 triệu tấn, kim ngạch 2,62 tỷ USD, giảm 21,9% về lượng và 20,1% về kim ngạch so với cùng kỳ niên vụ trước.
Giá rớt thảm hại
Niên vụ 2014-2015 được đánh giá là một niên vụ buồn với ngành cà phê Việt Nam, giá cà phê lên xuống liên tục. Tháng 3, mức giá cà phê nội địa trung bình chỉ khoảng 38 triệu đồng/tấn. Sang tháng 7, giá cà phê nội địa trung bình chỉ còn 36.600 triệu đồng/tấn. Tháng 9 là tháng cuối vụ nhưng giá không tăng mà còn rớt thảm hại, trung bình chỉ còn 35.400 đồng/kg.
Tình hình XK cà phê cũng không mấy sáng sủa, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng lượng XK cà phê toàn niên vụ 2014-2015 đạt 1,25 triệu tấn, kim ngạch 2,62 tỷ USD, giảm 21,9% về lượng và 20,1% về kim ngạch so với cùng kỳ niên vụ trước. Nếu như tháng 10/2014, lượng cà phê XK cao hơn so với vụ trước tới 58% do được giá thì đến tháng 2, tháng 3, tháng 4, lượng XK đã giảm mạnh trong phạm vi trên dưới 50%.
Đại diện Câu lạc bộ doanh nghiệp XK cà phê hàng đầu Việt Nam cho biết năm qua, giá cà phê nhân giảm liên tiếp do biến động của thời tiết, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, đồng USD mạnh lên, các nước XK cà phê phá giá đồng tiền và nhiều thông tin bất lợi làm giá cả thị trường quốc tế cũng lên xuống thất thường.
Giá XK hiện nay chỉ còn 1.800 USD/tấn so với thời điểm cao là 2.100-2.200 USD/tấn của vụ trước. Giá nội địa biến động chậm nên một số doanh nghiệp XK bị thua lỗ do không có đủ nguồn hàng trong kho, thị trường biến động quá nhanh, không theo kịp.
Ông Hải cho rằng, tỷ giá giữa đồng VNĐ và USD ngày một tăng cao khiến giá cà phê khó lòng hồi phục ngay cả khi đã cuối vụ, lúc mà sản lượng cà phê xuống thấp, lượng tồn kho không nhiều, đây là nghịch lý chưa từng có trong lịch sử của ngành cà phê.
Vicofa dự báo niên vụ cà phê 2015/2016 sẽ giảm 10% so với vụ trước. Nguyên nhân là do diện tích cà phê năng suất thấp tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó, hiện tượng El-nino gây hạn hán và biến động thời tiết bất thường sẽ dẫn đến hạt nhỏ, những vùng không đủ nước thậm chí mất trắng. Giá cà phê xuống thấp, giá nhân công cao, người trồng cà phê giảm chăm bón, dẫn đến năng suất thấp.
Nguy cơ nông dân bỏ vườn cà phê
Giá cà phê trong nước hiện nay đã xuống thấp dưới giá thành. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới vụ cà phê tới. Người trồng cà phê sẽ giảm chăm bón, thậm chí giảm bớt thuê nhân công tỉa cành. Hiện tượng El-nino năm nay diễn ra ở châu Á nặng hơn các năm trước nên hạn hán của vụ tới sẽ trầm trọng hơn.
Nếu thị trường cà phê thế giới không phục hồi thì nguy cơ người nông dân sẽ bỏ mặc vườn cà phê, thậm chí chuyển sang trồng cây khác được giá hơn như hồ tiêu, mắc ca… ở những vườn cà phê già và thiếu nước.
Về thực trạng giá bán cà phê xuống thấp, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa, cũng nhận định điều đáng buồn của ngành cà phê Việt Nam là thời điểm hiện tại đang một mình một chợ, chỉ Việt Nam có cà phê trong khi các nước khác chưa thu hoạch nhưng giá bán của chúng ta không đẩy lên được vì nguyên nhân chủ yếu là chúng ta đang sử dụng sàn London và sàn New York để giao dịch cà phê mà các nhà đầu cơ tài chính thế giới lại đang dùng sàn này để điều tiết thị trường.
Trong khi đó, nông dân Việt Nam lại giữ hàng với hy vọng giá lên, thậm chí đưa hàng lên sàn nhưng không giao giá, khiến cho một lượng hàng hóa của Việt Nam xuất hiện trên sàn nhưng chưa được bán, dẫn đến nhà đầu cơ nước ngoài lợi dụng ép giá.
Theo ông Đỗ Hà Nam, hiện trạng của ngành cà phê cũng không hẳn toàn màu đen, đáng bi quan mà trong tin buồn vẫn có tin vui. Đó là năm qua, Việt Nam có lượng cà phê hòa tan XK 250.000 tấn và có khả năng đạt 300.000 tấn. Theo ông Nam, trong tình trạng biến động này, có thể xoay chuyển tình thế, xuất sang thị trường Đông Nam Á, thị trường châu Á.
Tại những thị trường này nếu sản phẩm có giá tốt có thể thâm nhập nhanh chóng. Vấn đề ở đây là cần tạo ra một giá bán tốt cho nông dân. Giá cà phê hiện đang đi xuống nhưng chỉ là cà phê nhân thô, còn cà phê rang xay, giá vẫn không bị hạ. Hiện có khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa người sản xuất và người chế biến, vì vậy cần đầu tư nhiều hơn vào sản phẩm cà phê qua chế biến để tăng giá trị XK cho mặt hàng này.
Nhiều ý kiến cho rằng muốn vực dậy ngành cà phê, phát triển bền vững cần khắc phục những khó khăn nội tại của ngành, cần tổ chức tốt vấn đề liên kết giữa người sản xuất lẫn doanh nghiệp, tạo ra một thị trường ổn định, đảm bảo lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người sản xuất.
Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt tái canh vườn cà phê, việc này không chỉ của riêng doanh nghiệp mà cần sự tham gia của hiệp hội, bộ ngành và cả chính quyền địa phương.
Thu Hường