Sau nhiều cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ giữa các bộ ngành, địa phương, giá lúa Hè Thu ở Đồng bằng sông Cửu Long đã nhích tăng. Ngày 27/8, lúa OM 9582 được thu mua trong khoảng 4.800 - 4.900 đồng/kg, OM 5451 từ 5.100 - 5.300 đồng/kg, OM 18 từ 5.550 - 5.700 đồng/kg, IR 50404 từ 4.700 - 5.000 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 5.500 - 5.800 đồng/kg, OM 6976 từ 5.000 - 5.200 đồng/kg...
Giá gạo xuất khẩu thấp nhất 2 năm
Giá lúa tăng nhưng nông dân chưa thể đẩy mạnh bán ra để thu hồi vốn, bởi doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn trong hoạt động xuất khẩu (XK) gạo.
Thành công trong XK lúa gạo cần được đo bằng lợi nhuận của người nông dân. |
Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông báo cảng Tân Cảng Hiệp Phước (TP.HCM) đã tạm ngừng dịch vụ đóng rút gạo tại cảng sà lan do có công nhân mắc COVID-19 khiến hoạt động này dự kiến đến trung tuần tháng 9 mới có thể hoạt động trở lại.
Hiện, chỉ còn Bến 125 Tân Cảng Cát Lái và cảng Tân Cảng Nhơn Trạch hoạt động để phục vụ cho việc đóng gạo bằng container. Tuy nhiên, năng lực đóng hàng của 2 cảng này đều thấp hơn so với thời gian trước, gây ảnh hưởng đến tiến độ XK mặt hàng gạo, ít nhất là đến hết tháng 9/2021.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, tại Cần Thơ, cảng Tân Cảng Thốt Nốt chưa hoạt động trở lại. Lượng hàng đang bị ùn ứ cục bộ tại cảng này tính đến ngày 26/8 là 6.000 tấn, tương đương khoảng 300 container chưa đóng hàng...
Bộ Công Thương cho biết, do các cảng giảm công suất hoạt động nên một số thương nhân phải đưa container về đóng tại kho/trên sà lan. Vì vậy, tiến độ giao hàng bị chậm trễ, hãng tàu phạt, chi phí tăng. Hiện nay, hầu hết các thương nhân e ngại việc ký kết hợp đồng mới do tình trạng ách tắc trong lưu thông và giao nhận tại các cảng biển. Bên cạnh đó, biên độ chênh lệch giá thời điểm chào bán và giá cước thực tế lúc giao hàng quá lớn khiến các thương nhân và cả khách hàng đều gặp rủi ro lớn.
"Tình trạng này nếu tiếp diễn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu và nguy cơ mất thị trường XK, nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia vào các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ", Bộ Công Thương cảnh báo.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang khiến đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất của ngành hàng lúa gạo. Doanh nghiệp (DN) này dự kiến sau ngày 16/8 sẽ nối lại các đơn hàng XK đi Hàn Quốc, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. "Chúng tôi đã phải gửi thư xin lỗi đối tác và xin giao các đơn hàng của tháng 8 sang tháng 9, còn tháng 9 kéo dài sang tháng 10, với tổng số lượng gạo cần giao lên đến hơn 22.000 tấn", ông Bình nói.
Từ mức đỉnh cao nhất 10 năm, chỉ trong vài tháng, giá gạo XK của Việt Nam liên tục giảm mạnh tới hàng trăm USD/tấn. Bộ NN&PTNT cho biết, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tháng 7 giữ ở mức 390 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020. Sang tháng 8, giá gạo XK tiếp tục giảm, đặc biệt trong phiên ngày 19/8, gạo loại 5% tấm đã xuống 385 USD/tấn, giảm 100 USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 387-400 USD/tấn.
Chưa định vị được thương hiệu
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan làm việc với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn để sớm mở lại tất cả các máng đóng rút gạo trong thời gian sớm nhất nhằm giảm bớt tình trạng ùn tắc container XK gạo và cân nhắc về phí phụ thu để tạo thuận lợi cho XK trong bối cảnh dịch COVID-19, do DN này có những bến chính chuyên đóng hàng gạo bằng container.
Đồng thời, Bộ GTVT phối hợp Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, làm việc và yêu cầu các hãng tàu, các DN kinh doanh ngành logistics phải công khai, minh bạch về giá cước vận chuyển container cũng như có sự điều chỉnh giá cước vận chuyển về mức hợp lý để tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu của các DN được thuận lợi hơn.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận, giá lúa gạo, tốc độ thu mua thời gian qua có cải thiện nhưng còn chậm. Đây cũng là khó khăn chung trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng. Mặt khác, Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, giá cả nông sản là câu chuyện phức tạp, không thể lấy một khu vực để nói lên khó khăn cho cả ngành hàng. Đơn cử, bản thân lúa gạo cũng có lúa tươi, khô, chất lượng cao, chất lượng thấp... Không chỉ qua một hai con số mà kết luận ngay.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp yêu cầu giám đốc các Sở NN&PTNT cần phải hoạt động với tần suất cao hơn, không chỉ để đảm bảo kim ngạch, chỉ tiêu XK, mà quan trọng nhất là phải đảm bảo thu nhập của nông dân được tốt hơn.
"Chúng ta không thể phát triển theo cách tăng về sản lượng, thành tích XK nhưng đầy rủi ro đeo bám người nông dân", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của nhà nhập khẩu, ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu LTP B.V Hà Lan (DN chuyên nhập khẩu nông sản ở châu Á để phân phối ở thị trường 20 nước châu Âu) cho rằng: Việt Nam không thiếu sản phẩm đặc biệt như gạo tẻ, gạo thơm, gạo nếp, nhưng thương hiệu gạo Việt Nam lại chưa được khẳng định nhiều.
Chia sẻ với các DN XK gạo cũng như cơ quan quản lý nhà nước, ông Hiển cho hay, gạo thơm Việt Nam chưa đạt được vị thế cao như gạo Thái Lan hay gạo Campuchia. "10 năm qua, gạo Campuchia đã định vị được thương hiệu rất tốt ở thị trường châu Âu", ông Hiển nói.
Công ty Xuất nhập khẩu LTP B.V Hà Lan nhập khẩu gạo Việt Nam bắt đầu từ tháng 7/2019 đến nay, nhiều loại gạo thơm như ST 24, sắp tới đây là ST 25 được DN phân phối ở thị trường châu Âu. Nhưng từ quá trình đưa gạo Việt Nam chinh phục thị trường mới thấy là rất khó khăn, do người tiêu dùng nước ngoài đã quá quen thuộc với gạo Thái Lan, Campuchia.
Bên cạnh đó là vấn đề về chất lượng, ông Hiển lưu ý, lô hàng đầu tiên thì tốt nhưng sau đó chất lượng lại không ổn định. Do vậy, muốn xây dựng được thương hiệu thì gạo Việt Nam trước tiên phải giữ được "phong độ" chất lượng.
Nhật Linh