Tại Toạ đàm “Diễn đàn Doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng” diễn ra chiều 23/11, ông Đặng Xuân Quang, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia cho rằng, việc dự báo nền kinh tế năm 2022 rất khó, "hơn nữa năm 2022 không phải là thời điểm bắt đầu mà là một tiến trình mới".
![]() |
Ngành hàng không được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. |
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn dẫn đến nguy nhập khẩu lạm phát. Theo tính toán của Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia: trong năm 2022, nếu tính riêng việc giá dầu tăng thêm khoảng 10 USD/thùng, lạm phát sẽ tăng 0,52 điểm phần trăm. Hay như việc thực hiện gói kích cầu khoảng 1% GDP sẽ làm tăng lạm phát thêm 0,45 điểm phần trăm...
Mặc dù vậy, ông Quang cho rằng, trong năm 2022, một số ngành sẽ nhận được tác động tích cực từ sự phục hồi của nền kinh tế, cách chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cải cách thể chế...
“Các nhóm ngành này được xem là “dẫn đường” cho sự phát triển của nền kinh tế”, ông Quang nói.
Thứ nhất là nhóm ngành được kích thích bởi đầu tư công như: hàng không, đường bộ...
Giải ngân đầu tư công năm 2021 đạt thấp so với kế hoạch, nên dư địa cho năm 2022 còn lớn. Hơn nữa, hiện nay lãi suất cho vay trong nước và nước ngoài thấp, nên là cơ hội để thúc đẩy phát triển đầu tư công.
“Nếu đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng sẽ kéo theo các nhóm hàng công nghiệp, sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng có xu hướng phát triển tốt trong năm 2022”, ông Quang nhận định.
Nhóm thứ 2 là các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn. Hiện nay, các FTA thế hệ mới đang bước vào những năm đầu quá trình thực hiện, nên có những tác động kích thích thể chế đa phương đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 cũng sẽ tác động tích cực đến các ngành thâm dụng nhiều lao động như: dệt may, da giày, thuỷ sản...
Một số ngành như điện tử, gỗ, cao su có triển vọng tốt trong thời gian tới. Trong đó, ông Quang nhận định, công nghiệp điện tử vẫn dẫn đầu về xuất khẩu của Việt Nam, do nhu cầu tiêu dùng mặt hàng phục vụ công nghệ thông tin sẽ phát triển. Ví dụ, ngành máy tính linh kiện điện tử trong những năm gần đây tăng rất nhanh và luôn dẫn đầu về xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực hỗ trợ các ngành này phát triển, vẫn còn những rủi ro, thách thức lớn trong thời gian tới. Đó là, sự thâm dụng lao động và thiếu hụt lao động.
Nhóm thứ 3 là những ngành kích thích phục hồi do tiêu thụ trong nước. Theo đó, dịch được kiểm soát, nền kinh tế mở cửa, các chính sách thích ứng với dịch được triển khai một cách hiệu quả, cùng với các giải pháp kích cầu nền kinh tế, sẽ là “bàn đạp” đẩy những ngành dịch vụ, du lịch, bán lẻ, hàng không... hưởng lợi.
Nhóm thứ 4 là các nhóm ngành thương mại điện tử và logistics cũng được hưởng lợi từ những thói quen thay đổi do đại dịch mang lại, người dân có xu hướng tiêu dùng online, mua sắm trực tuyến.
Cuối cùng là nhóm ngành công nghệ thông tin cũng được kỳ vọng phục hồi với mảng phần mềm và thiết bị, dịch vụ. Cùng với đó, tiềm năng lớn của kênh ngân hàng số mở ra xu hướng đầu tư công nghệ và chuyển đổi số trong khối ngân hàng, đang tăng cả về tốc độ lẫn quy mô. Các ngân hàng không chỉ mang lại dịch vụ ngân hàng số mà đi kèm đó là những tiện ích mua sắm đi kèm.
Thanh Hoa