Ngân hàng Standard Chartered và HSBC nâng dự báo tăng trưởng 2024 của Việt Nam lên 7%, trong khi Ngân hàng UOB điều chỉnh dự báo từ 5,9% lên 6,4%, còn WB và IMF cùng nâng kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam lên 6,1%.
Việt Nam tạo bất ngờ lớn
Ngay khi Việt Nam công bố GDP thực tế của Việt Nam trong quý III/2024 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt hầu hết các dự báo của nhiều định chế tài chính quốc tế. Các tổ chức này đều nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 so với dự báo trước đó.
Cụ thể, trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,8% (từ mức 6,0%) nhờ kết quả GDP của quý III/2024 khả quan hơn dự kiến.
Dự báo, quý IV/2024 dự kiến tăng trưởng ở mức 6,9%. Dự báo GDP năm 2025 vẫn ở mức 6,7%, với mức tăng trưởng dự kiến 7,5% trong nửa đầu năm và 6,1% nửa cuối năm so với cùng kỳ năm trước.
Trong báo cáo mới đây, HSBC nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam từ 6,5% lên 7%, lạc quan nhất trong các tổ chức quốc tế. Đây cũng là mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á mà ngân hàng này đưa ra cho các nền kinh tế.
Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB (Singapore) cũng vừa điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng cả năm lên 6,4% (so với dự báo trước đó là 5,9%). UOB cho biết GDP thực tế của Việt Nam trong quý III/2024 đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ quý III/2022, khi các hoạt động phục hồi mạnh mẽ sau thời kỳ suy thoái do đại dịch. Kết quả mới nhất này đã góp phần nới rộng mức tăng 7,09% trong quý II năm nay, tạo nên mức tăng tích lũy trong 9 tháng đầu năm là 6,82%.
“Dự báo tăng trưởng năm 2025 vẫn được duy trì ở mức 6,6%, phản ánh mức tăng sản lượng dự kiến vào đầu năm sau để bù đắp cho những tổn thất trước đó do cơn bão Yagi gây ra, cũng như tác động lan tỏa từ chính sách nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc”, UOB nhận định.
Tương tự, tại Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 lên mức 6,1% và năm 2025 lên 6,5%, cao hơn lần lượt mức 5,5% và 6% tại dự báo hồi tháng 4/2024. Với dự báo này, tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn 8 quốc gia trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nâng kỳ vọng GDP năm 2024 của Việt Nam lên mức 6,1%, cao hơn mức dự báo của tổ chức này hồi tháng 6. ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 6%.
Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu GDP năm nay là 6,5-7%. Tuy nhiên, tại phiên họp trực tuyến với 63 địa phương mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các lãnh đạo bộ ngành, địa phương ưu tiên hàng đầu cho tăng trưởng để "GDP năm nay trên 7%".
Rõ ràng, những chỉ dấu để định chế tài chính này đưa ra mức dự báo tăng trưởng mới lạc quan hơn chính là nhờ Việt Nam cởi mở với thu hút vốn ngoại. Trong khi đó, về đầu tư, 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt gần 25 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2023, theo Tổng cục Thống kê. Vốn thực hiện ước trên 17,3 tỷ USD, tăng xấp xỉ 9%.
Ông Frederic Neumann, Kinh tế trưởng châu Á - Thái Bình Dương HSBC cho rằng FDI có vai trò tích cực và Việt Nam đã làm rất tốt trong việc thu hút nguồn lực này. "Đó là lý do tại sao đây là nền kinh tế phát triển nhanh nhất ASEAN năm nay và tiếp tục đà tăng trưởng này vào 2025", ông nói.
Theo đó, ông Frederic Neumann khuyến nghị Việt Nam nên giữ vững sự cởi mở với đầu tư nước ngoài để tiếp tục "nổi bật hơn so với các đối thủ". Theo ông, một số quốc gia có thể ưu đãi rất nhiều tiền, nhưng điều đó không có nghĩa họ chiến thắng trong cuộc đua. Ngoài có nhiều hiệp định thương mại tự do, Việt Nam có thể hấp dẫn bằng lao động, kết nối điện và hạ tầng logistics tốt hơn.
Áp lực lớn với mục tiêu 7%
Giới phân tích cho rằng, để đạt mục tiêu GDP cả năm đạt 7%, trong quý IV tăng trưởng kinh tế ở mức 7,5%. Như vậy, mức này chỉ cao hơn quý vừa qua 0,1%.
Với những động lực tăng trưởng như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều đang được thúc đẩy và có chiều hướng thuận lợi hơn, nhiều chuyên gia kỳ vọng Việt Nam kịch bản 7% có thể đạt được.
Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 299 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Trong đó, dệt may đạt trên 27,34 tỷ USD, tăng 8,9%. Một số doanh nghiệp lớn trong ngành đã đủ đơn hàng cho cuối năm, thậm chí một số doanh nghiệp đã có đơn hàng năm 2025, phải tăng tốc sản xuất để đáp ứng.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho hay, hiện May 10 đã có đơn hàng đến hết năm 2024. May 10 dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu xuất khẩu 2024 với mức tăng trưởng dự kiến từ 7 - 10% so với năm 2023, thậm chí cao hơn.
Không chỉ dệt may, thời điểm này nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng gấp rút chuẩn bị đơn hàng. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, đều đặn mỗi tháng công ty xuất khẩu 160 container trái dừa và 45 container trái bưởi sang các thị trường như: Mỹ, EU, Nhật Bản…
“3 tháng cuối năm, công việc xuất khẩu trái cây của công ty còn bận rộn hơn khi các nước trên thế giới bước vào mùa lễ hội, chào đón năm mới… kéo theo nhu cầu trái cây cũng tăng theo, dự báo có thể lên tới 35%”, ông Tùng cho hay.
Tuy vậy, góc nhìn về nền kinh tế không phải hoàn toàn màu hồng. Các cảnh báo về những rủi ro chực chờ của nền kinh tế trong quý cuối năm, thậm chí kéo dài sang quý đầu năm 2025 vẫn đang tiếp tục được đưa ra.
Nổi bật trong đó là về tiêu dùng, mặc dù tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm nay ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng theo ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, chuyên gia chiến lược đầu tư của SSI Research, con số này chưa đạt được mức tăng trưởng như thời kỳ trước dịch Covid-19 (tăng trên 10%) và mức tăng 9 tháng năm nay thấp hơn 2,5 điểm phần trăm so với mức tăng bình quân 9 tháng các năm giai đoạn (2015-2019).
"Điều này đang là vấn đề chung trong năm 2024, sự hồi phục của tiêu dùng đang có phần chậm hơn các cấu phần khác của nền kinh tế và chưa trở lại được mặt bằng tăng trưởng cao trong những năm trước đây", ông nói.
Bên cạnh đó, đầu tư công tăng chậm. Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay, các chuyên gia cho rằng Chính phủ cần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư công. Bởi giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, giải ngân đầu tư công 9 tháng mới đạt 47% kế hoạch (hơn 320 nghìn tỷ đồng), chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh nhận định: “Kết quả giải ngân quý cuối năm chỉ cần cao hơn giai đoạn trước đã đủ đóng góp vào tăng trưởng”.
Thanh Hoa