Gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực sản xuất máy móc, thiết bị và phụ kiện dệt may từ Ấn Độ dồn dập đến Tp.HCM để tìm hiểu thị trường. Có lẽ họ biết rằng nhu cầu nhập khẩu về máy móc, thiết bị cũng như nguyên – phụ liệu cho ngành may mặc của các DN dệt may Việt Nam là rất lớn.
Nhập nhiều từ Hàn, Ấn
Các DN Ấn Độ cũng thừa biết đối thủ cạnh tranh lớn của họ là các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc, lâu nay vẫn làm ăn nhiều với các DN dệt may Việt, nhưng họ không thấy e ngại bởi vì giá cả các máy móc, thiết bị phục vụ ngành dệt của Ấn Độ có giá rất cạnh tranh so với Trung Quốc.
Không chỉ với lĩnh vực may mặc, các DN ngành thép của Ấn Độ cũng liên tiếp có những đợt tiếp xúc với các DN Việt Nam để mở rộng cơ hội hợp tác. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, nhiều DN Việt đang có xu hướng nhập khẩu thép từ Ấn Độ vốn có giá rẻ hơn 1 triệu đồng/tấn so với thép Trung Quốc. Trong 7 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu sắt thép các loại từ Ấn Độ tăng 1.040% (437,74 USD) so với cùng kỳ năm trước.
Như chia sẻ của ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Thép Việt, các DN Việt đã chuyển sang nhập khẩu thép từ Ấn Độ, nhất là thép cuộn cán nóng (nguyên liệu chính để sản xuất tôn các loại), do giá thép của Trung Quốc gần đây kém cạnh tranh hơn.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng giá rẻ khác từ Ấn Độ vào Việt Nam cũng đang gia tăng mạnh. Điển hình như nhập khẩu dầu mỡ động – thực vật tăng 227,8%; hàng rau quả tăng 121%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 83,8%. Ngoài ra, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập từ Ấn Độ cũng tăng lên; nhập khẩu bông các loại tăng 75,5%; hàng thủy sản tăng 32,6%.
Mặc dù vậy, nhập khẩu từ Ấn Độ vẫn thua xa so với nhập khẩu từ Hàn Quốc – nơi được các DN ở Việt Nam nhắm đến kể từ khi có xu hướng giảm nhập từ Trung Quốc và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực.
![]() |
Thép là một trong những mặt hàng tiêu biểu của Ấn Độ đang nhập khẩu rất mạnh vào thị trường Việt Nam
Theo đánh giá của giới chuyên gia, Trung Quốc là nơi Việt Nam nhập khẩu hàng hóa phục vụ tiêu dùng ở tất cả các lĩnh vực, còn Hàn Quốc chủ yếu là nguồn để nhập khẩu tư liệu sản xuất.
Cụ thể, ba nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu nhiều nhất từ Hàn Quốc, với giá trị nhiều tỷ USD, là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện.
Số liệu mới công bố từ Bộ Công Thương cho thấy, trong 8 tháng đầu năm nay, dù kim ngạch nhập khẩu ước đạt 135,6 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhập khẩu tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng cần nhập khẩu như máy móc, thiết bị, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và giải ngân các dự án đầu tư. Trong đó, nhập từ thị trường châu Á tăng 22% và chiếm 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Liệu có đổi chiều?
Cũng theo bộ này, riêng nhóm hàng cần kiểm soát có kim ngạch nhập khẩu khoảng 8,16 tỷ USD, chiếm 6% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 11,2% so với cùng kỳ. Nhập khẩu phục vụ các dự án đầu tư trong 8 tháng qua đều tăng. Còn theo số liệu mới cập nhật từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 8 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 81,87 tỷ USD, tăng 25,8%
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng dự báo, tăng trưởng nhập khẩu cả năm 2017 sẽ ở mức thấp hơn so với mức tăng trưởng của 8 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, việc nhiều dự án đầu tư đã giải ngân xong cũng sẽ làm giảm đà nhập khẩu mặt hàng máy móc, thiết bị trong những tháng cuối năm.
Ts. Trần Du Lịch nhận định, việc nhập khẩu của DN trong nước tăng nhưng chủ yếu là nhập nguyên liệu cho sản xuất để lo làm ăn. Điều đó chứng tỏ dấu hiệu tích cực, tăng kích cầu cho sản xuất.
Nhưng có điều là ngoài những chuyển hướng nhập khẩu theo chiều hướng tích cực cho sản xuất, một nỗi lo khác về xu hướng nhập khẩu nông sản có dấu hiệu ngày càng tăng.
Theo báo cáo gần đây từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị nhập khẩu một số mặt hàng nông sản chính trong 7 tháng đầu năm nay tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 8,03 tỷ USD.
Trong đó, nhiều nhất phải kể đến mặt hàng hạt điều có giá trị nhập khẩu lớn nhất với 2,06 tỷ USD, theo sau là bông với 1,63 tỷ USD. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, do sản lượng ngành bông nội địa ngày càng giảm nên hiện nay, Việt Nam đang nhập đến 99,5% bông để phục vụ cho ngành kéo sợi.
Theo đó, nhập khẩu nhiều nhất là từ Mỹ do bông Mỹ ổn định về chất lượng, ít tạp chất… phù hợp với điều kiện sản xuất sợi của DN trong nước. Cần nhắc lại, thị trường bông ở Việt Nam trước kia là “miếng bánh” béo bở của nhiều DN Trung Quốc.
Ngoài ra, việc nhập xăng dầu cũng đang dần đổi chiều. Nếu trước đây, các DN trong nước nhập hàng từ thị trường truyền thống như Trung Quốc, hiện nay họ lại nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường ưu đãi thuế.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 90% xăng dầu nhập khẩu là từ Hàn Quốc và các nước ASEAN. Trong đó, riêng Hàn Quốc chiếm đến 22,8% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu. Vấn đề là việc nhập khẩu này có lợi cho các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối nhưng lại thất thu cho ngân sách nhà nước.
Thế Vinh