Sáng ngày 19/8, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức quyết định phá giá thêm 1%, như vậy tỷ giá đã điều chỉnh 3% và được nới biên độ thêm 2% (từ 1% lên 3%) kể từ đầu năm 2015. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng mới là 21.890 VND/USD, mức trần mới là 22.547 VND/USD.
Ngay sau động thái tăng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đã đưa ra báo cáo về tác động của việc tăng tỷ giá đến các nhóm ngành của Việt Nam hiện nay. Bên cạnh những ngành được hưởng lợi khi tỷ giá USD/VND tăng như dầu khí, dệt may, công nghệ và thủy sản, ngành nhựa sẽ là một trong 7 ngành (ngành điện, vận tải biển, xi măng, săm lốp, cao su và dược) sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi đồng USD tăng giá, do phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Giá nguyên liệu quay đầu tăng?
Theo thống kê hiện nay, ngành nhựa đang phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu dùng trong sản xuất nhựa – cao su. Trong khi đó, lượng sản phẩm nhựa xuất khẩu rất thấp, chỉ chiếm 1,2-1,5% tổng sản lượng sản xuất của toàn ngành.
Cụ thể, tình hình nhập khẩu nguyên liệu nhựa có sự tăng trưởng trong 7 tháng đầu năm 2015, ngành nhựa nhập khẩu 2,12 triệu tấn, tương đương với 3,35 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng nhưng giảm đến 6,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Trước đó, giá nhập khẩu nguyên liệu được đánh giá là có suy giảm chút ít. Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA), trong 6 tháng đầu năm nay, giá nguyên liệu nhựa liên tục giảm và đây là lợi thế cho các DN trong ngành nhựa thiên về sản xuất sản phẩm. Đặc biệt là đối với các DN làm hàng nội địa, khi giá nguyên liệu xuống, DN vẫn bán với giá như cũ thì đương nhiên được hưởng lợi, chỉ có những DN hoạt động thương mại, mua bán nguyên vật liệu thì sẽ gặp khó khăn…
Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc BMP, cũng cho biết trước thời điểm tỷ giá tăng vào ngày 19/8, giá nguyên liệu nhựa bắt đầu giảm từ cuối năm ngoái rồi giảm mạnh trong mấy tháng đầu năm nay và tăng nhẹ trở lại sau đó. Tại thời điểm hiện nay, giá nhựa nguyên liệu không giảm so với đầu năm nhưng vẫn thấp hơn 16-17% so với giá bình quân của cả năm ngoái.
![]() |
Ngành nhựa sẽ là ngành đối mặt với nhiều khó khăn khi tỷ giá tăng
Nguồn nguyên liệu (hạt nhựa các loại được sản xuất từ những chế phẩm của dầu) hiện đã tăng thêm gần 50% so với đầu năm, đã kéo theo giá hạt nhựa tăng cao. Theo VPA, thách thức lớn nhất mà các DN đang phải đối đầu là việc cung cấp nguyên liệu phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhập khẩu và sự biến động không ngừng về giá nguyên liệu.
Tính đến nay, Việt Nam mới chỉ có hai nhà máy sản xuất PVC resin là Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất TPC Vina (TPC Vina) với tổng công suất mỗi năm khoảng 250.000 tấn PVC và một nhà máy khác của công ty Liên doanh Hóa chất LG Vina (LG Vina) mỗi năm cung cấp khoảng 150.000 tấn nguyên liệu DOP.
Do nguyên liệu sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của các DN nhựa nên mỗi năm, ngành nhựa vẫn phải nhập khẩu 2 – 2,5 triệu tấn các loại nguyên liệu khác như PE, PP, ABS, PC, PS… Hầu hết các loại nguyên liệu nhựa được sản xuất từ dầu mỏ và khí đốt nên giá nguyên liệu nhựa chịu tác động trực tiếp từ giá các mặt hàng này.
Xuất khẩu gặp khó
Cùng với giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, các DN nhựa cũng đang phải đối mặt với tình trạng xuất khẩu suy giảm và gặp khó ở nhiều thị trường. Theo thống kê của VPA, tình hình xuất khẩu nhựa trong 7 tháng đầu năm 2015 không có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu sản phẩm nhựa 6 tháng đầu năm đạt gần 1 tỷ USD, tăng nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, và dự kiến trong 6 tháng cuối năm có sự tăng trưởng mạnh hơn, ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với 6 tháng cùng kỳ 2014.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, những DN nhựa xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn. Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, thông thường, những hợp đồng mà DN đang triển khai ở thời điểm hiện tại là đã ký từ 3 tháng trước thì sẽ không bị ảnh hưởng bởi điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc. Nhưng những DN nào đến thời điểm này mới ký thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn.
Thống kê năm 2014 của VPA cũng cho thấy, cả năm, toàn ngành đạt hơn 9 tỷ USD, tăng 8,3% so với 2013. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, ngành nhựa tăng trưởng 10,3% so với nửa đầu năm ngoái và tương ứng với mức doanh thu 4,2 tỷ USD. Mức tăng trưởng này phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN. Riêng châu Âu đang có dấu hiệu đi xuống.
Theo Giám đốc một DN nhựa tại Hà Nội, thời gian gần đây, khá nhiều khách hàng châu Âu đã đề nghị công ty giảm giá bán. Tuy nhiên, vì DN phải nhập nguyên liệu với giá cao nên không thể đáp ứng yêu cầu này. Do đó, thay vì nhận đơn hàng với số lượng lớn như đã ký ban đầu, không ít khách hàng đã giảm số lượng xuống còn khoảng 70%. Cụ thể, thay vì ký đơn hàng 6 tháng với 5.000 tấn nhựa, nay phía nhập khẩu giãn số lượng xuống còn 3.000 tấn. Chính vì số lượng đơn hàng giảm nên doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm của công ty tại thị trường châu Âu hụt khoảng 10%.
Đại diện Công ty Nam Thái Sơn (chuyên xuất khẩu sản phẩm nhựa sang thị trường châu Âu) cũng cho biết, lượng sản phẩm cung cấp sang thị trường này đang giảm đáng kể. "Công ty chúng tôi hầu như xuất gần hết sang các nước lớn ở châu Âu, chỉ trừ Nga, cho nên khi euro giảm đã bị ảnh hưởng khá nhiều. Bởi lẽ, 6 tháng đầu năm, công ty ký giá bán trước đó với khách hàng là một euro ăn 1,3 USD nhưng vì giá euro giảm gần như ngang bằng USD nên DN nhập hàng thiệt hại nặng, buộc phải giãn hợp đồng, thậm chí còn thay bằng mặt hàng khác", lãnh đạo công ty này cho biết.
Lí giải khó khăn trên, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa – Cao su Tp.HCM, cho rằng khi giá euro đi xuống, ngoài thiệt hại về số lượng đặt hàng giảm, các DN Việt còn phải chịu cạnh tranh từ chính hàng hóa sản xuất tại khu vực này. Bởi lẽ, euro xuống thấp, chi phí nguyên liệu hàng hóa cũng giảm theo, từ đó, DN ngành nhựa ở châu Âu sẽ tung ra thị trường sản phẩm có giá cạnh tranh, thậm chí ngang bằng với hàng hóa Việt Nam.
Vì vậy, ông Việt Anh, cho rằng các DN Việt cần có kế hoạch về thị trường một cách bài bản. Ngoài mở rộng sang các quốc gia khác, các đơn vị nên tìm nguồn nguyên liệu giá rẻ, thay đổi cấu trúc sản phẩm để đưa chi phí hàng hóa xuống mức giá thấp nhằm ổn định thị trường châu Âu, vì đây là thị trường chiến lược, chiếm tỷ trọng lớn.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su – Nhựa Tp. HCM -------------------------------Đối với doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu hóa chất ngành cao su, nhựa… từ Trung Quốc thì việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ giúp họ mua được nguyên liệu với giá rẻ. Nhưng khi Việt Nam tăng tỷ giá thì doanh nghiệp nhập khẩu phải mua nguyên liệu với giá cao, làm tăng chi phí sản xuất. Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc BMP Với sản phẩm ngành nhựa, chi phí nguyên liệu chiếm tỷ trọng khá cao trong giá thành (từ 60-70%). Việc giá nguyên liệu giảm là cơ hội tốt để doanh nghiệp ngành nhựa tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, với diễn biến tỷ giá tăng như hiện nay, bắt buộc giá nhập khẩu nguyên liệu sẽ tăng, ảnh hưởng tới giá thành và sức cạnh tranh của sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Kim Hằng, Phó Giám đốc Công ty Nhựa Đạt Hòa |
Lê Thúy