Trong một lần đến Việt Nam, khi nhìn lướt qua hàng loạt cần cẩu và các công trình xây dựng ở Tp.HCM và Đà Nẵng, nhóm nhà báo của tạp chí kinh tế nổi tiếng của Anh quốc là The Economist bình luận rằng Việt Nam đang trên đà phát triển.
Qua tìm hiểu, phía The Economist nhận xét chính sách hoạch định kinh tế dài hạn và ổn định của Chính phủ đã giúp nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh. Việt Nam đang tiến gần dòng chảy kinh tế toàn cầu.
Hành động và kiến tạo
Theo giới chuyên gia quốc tế, lĩnh vực sản xuất chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu của Việt Nam, đây sẽ là tiền đề để các tập đoàn đa quốc gia mở rộng phát triển tại đây và dịch chuyển từ các trung tâm khác trong khu vực.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đã cho thấy những điểm sáng, trong đó Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn. Vấn đề là làm thế nào để Việt Nam có được vị thế tốt nhất để đón đầu dòng đầu tư mới vào các thị trường mới nổi và Việt Nam có chuẩn bị tốt để tận dụng cơ hội từ sự chuyển dịch trong cơ cấu nền kinh tế toàn cầu cũng như khu vực, và cần phải làm gì?
Đó là ở góc độ đầu tư, hội nhập, còn nếu nhìn ở giác độ kinh tế vĩ mô, theo Ts Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng (vừa mới được thành lập), vấn đề tiếp tục cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước vẫn là sự chờ đợi của doanh nghiêp (DN) Việt Nam.
Ông Lịch muốn nói về những nỗ lực của “Chính phủ hành động và kiến tạo” trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hệ thống pháp luật đã và sẽ tiếp tục hoàn thiện phù hợp với các cam kết hội nhập, sẽ có tác động cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cho DN. Những tồn tại trong cơ chế bao cấp, đặc quyền DN sẽ hoàn toàn bị bãi bỏ.
Khi ấy, hoạt động kinh doanh sẽ được lành mạnh hơn và do đó sẽ tạo cơ hội to lớn cho các DN làm ăn chân chính, cạnh tranh bằng chính năng lực của mình để phát triển mạnh mẽ.
Nhân nói về nhà nước kiến tạo để làm tiền đề cho Việt Nam “thành hổ, thành rồng”, cũng nên bàn một chút về tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Một tài liệu của Ban Kinh tế Trung ương và USAID nhận định trong 30 năm qua, tuy Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với nhiều nước trên thế giới, nhưng tốc độ đó vẫn thấp hơn và ít bền vững hơn so với tiềm năng.
![]() |
Nguồn nhân lực trẻ là tài sản cốt lõi của quốc gia, là động lực to lớn cho mục tiêu “hoá rồng” của Việt Nam
Ngoại trừ năng lực công nghệ và thu nhập bình quân đầu người thấp hơn, trước khi mở cửa, đổi mới năm 1986, Việt Nam hầu như đã hội tụ đủ các tiền đề để “hóa rồng” như một số tấm gương “thần kỳ” Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, và hiện nay là Trung Quốc.
Các tiền đề nổi bật gồm vị trí địa chính trị, địa kinh tế thuận lợi, xã hội ít phân hóa, chính trị ổn định, dân số đông và lực lượng lao động trẻ dồi dào với trình độ dân trí tương đối cao, các nguồn tài nguyên đa dạng và nhiều nét tương đồng về văn hóa.
Nhân tố thế hệ trẻ
Trong câu chuyện “hoá rồng” này, có lẽ Việt Nam cũng cần nhìn vào những nền kinh tế đứng đầu của ASEAN để thấy họ đã có những bước đi đúng đắn như thế nào. Điển hình là Singapore, họ đã phát triển mà không dựa trên tài nguyên, phát triển những ngành công nghiệp không khói và phát triển nội lực.
Giới chuyên gia cho biết Singapore đã có những chính sách rất hiệu quả. Đầu tiên, chính phủ của họ xác định con người là trên hết, đã tập trung ngân sách rất lớn tài trợ cho hệ thống giáo dục với ngân sách chi cho giáo dục hàng năm chiếm tới 20% tổng ngân sách, nhiều hơn bất kỳ ngành nào.
Trong thu hút ngoại lực, Chính phủ Singapore đã ban hành chính sách ưu đãi thuế cạnh tranh cho nhà đầu tư nước ngoài khiến nước này trở thành một trong những “thiên đường” thuế cho nhà đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới. Chính sách thuế hiệu quả đã giúp nguồn lực được tái đầu tư trong nền kinh tế Singapore.
![]() |
Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng.
Lúc sinh thời, cố thủ tướng kỳ cựu của Singapore - ông Lý Quang Diệu, từng nhận xét về tiềm năng của Việt Nam rằng: Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người thì Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực.
Đây là nhận xét mà đến giờ này các nhà quản lý, hoạch định chính sách cho nền kinh tế Việt Nam phải suy nghĩ khi con đường “hoá rồng” còn khá gian nan. Nhất là khi Việt Nam, với 4.000 năm rực rỡ gấm hoa, từng có một Sài Gòn được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Trải qua bao nhiêu năm lịch sử, bây giờ vị thế Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới?
Trên thực tế, nếu nhìn về trình độ phát triển, Việt Nam hiện đang thua Indonesia 5 - 7 năm, thua Thái Lan 20 năm, thua Malaysia 25 năm và thua Hàn Quốc 30 năm. Liệu chúng ta có đang ngủ quên trong những chiến thắng lừng lẫy năm xưa của dân tộc? Hay sự thua kém là một thực trạng rõ ràng nhưng chúng ta vẫn đang bình thản và xem đó như là một lẽ đương nhiên?
Phải thấy rằng các vấn đề của quốc gia vẫn là một câu chuyện xa xôi và vĩ mô mà không nhận thức được rằng chính thế hệ trẻ, thế hệ của Việt Nam đương thời sẽ là những nhân tố quyết định cho tương lai của đất nước. Nguồn nhân lực trẻ chính là tài sản cốt lõi của quốc gia, là động lực to lớn cho mục tiêu “hoá rồng” của Việt Nam.
Và như thế, mỗi người trẻ phát triển sẽ góp phần làm nên một Việt Nam phát triển vững mạnh hơn. Và với một nhà nước kiến tạo, đổi mới tư duy nhận thức, đổi mới hệ thống chính sách, đổi mới cách tổ chức quản lý và điều hành kinh tế xã hội thì mục tiêu “hoá rồng” sẽ không còn là khoảng cách xa.
Thế Vinh