Trường hợp Nhà máy xơ sợi polyeste Đình Vũ (PVTex, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN nắm 75% vốn cổ phần) ở Hải Phòng đang "đắp chiếu", lỗ hơn 1.700 tỷ đồng là điển hình mới nhất cho những nhà máy được đầu tư nghìn tỷ nhưng gặp thất bại vì tính toán sai lầm.
Những thông tin thua lỗ ở các nhà máy sản xuất có nguồn vốn lớn của nhà nước như PVTex đã quá quen thuộc qua mỗi lần báo chí lên tiếng.
Dư luận cho rằng đây là căn bệnh khó chữa, chuyện như đùa chỉ xảy ra ở khối doanh nghiệp nhà nước. Những yếu kém hoặc "đi sai nước cờ" của doanh nghiệp nhà nước ở một số lĩnh vực vẫn chưa được cải thiện dù cảnh báo rất nhiều.
Sai nước cờ?
Không riêng gì PVTex, một số nhà máy khác có nguồn vốn lớn của ngành dầu khí từng rơi vào cảnh khốn đốn như vậy. Đặc biệt phải kể đến các nhà máy sản xuất xăng sinh học ethanol được Nhà nước bỏ vốn đầu tư cách đây hơn 5 năm nhằm tạo đà phát triển thị trường xăng E5 cũng như ngành công nghiệp sản xuất Bio-Ethanol.
Đơn cử như Nhà máy sản xuất ethanol Bình Phước, có tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Theo thiết kế, nhà máy có công suất hơn 100 triệu lít xăng sinh học ethanol/năm, sẽ tiêu thụ khoảng 240.000 tấn sắn lát khô/năm. Đây là liên danh giữa Tập đoàn Itochu – Nhật Bản với Tổng công ty Dầu Việt Nam – PVOil và công ty cổ phần Licogi 16 – Việt Nam. Trong đó, PVOil (thuộc PVN) nắm giữ 29% cổ phần.
Nhà máy này khởi công năm 2010, hoàn thành từ năm 2012 nhưng thời gian qua hoạt động cầm chừng, thậm chí có giai đoạn phải "đắp chiếu", chịu lỗ lớn.
![]() |
Nhà máy sơ sợi polyeste của PVTex đang lỗ hơn 1.700 tỷ vì những tính toán sai lầm.
Tương tự như vậy là trường hợp Nhà máy Ethanol của công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung được khởi công xây dựng từ tháng 9/2009 với tổng vốn đầu tư 1.886 tỷ đồng. Thế nhưng từ khi đưa vào sử dụng cho đến nay nhà máy chưa bao giờ hoạt động hết công suất, từng đứng trước nguy cơ phá sản.
Nguyên nhân chung là vì trông chờ vào lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống và chính sách bắt buộc sử dụng nguyên liệu sinh học.
Trong khi đó, việc tìm đầu ra cho xăng ethanol quá khó khăn. Nhất là giá thành sản xuất đã vượt qua giá thị trường nên các nhà máy càng sản xuất càng lỗ, không đủ để bù đắp các chi phí tối thiểu.
Phải khẳng định rằng ý tưởng ban đầu để cho ra đời PVTex hay các nhà máy ethanol là hoàn toàn tốt. Chẳng hạn như việc ra đời nhà máy xơ sợi của PVTex từng kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm được ngoại tệ, đặc biệt vấn đề xuất xứ nguyên liệu của các sản phẩm dệt may, điều vô cùng quan trọng khi Việt Nam gia nhập TPP.
Nhưng từ tính toán, tham vọng cho đến thực tế thị trường, quá trình sản xuất là một khoảng cách xa. Như PVTex, với chủ trương dùng nguyên liệu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi nhằm giúp ngành dệt may nội địa tự chủ nguồn nguyên liệu là điều đáng khuyến khích.
Nhu cầu sử dụng trong nước đối với xơ sợi hiện nay rất lớn, trên 450.000 tấn/năm (280.000 tấn xơ/năm và 170.000 tấn sợi/năm). Đến nay, các doanh nghiệp dệt may vẫn chủ yếu phải nhập khẩu nguyên liệu xơ sợi.
Tuy nhiên, quá trình sản xuất của PVTex lại lộ rõ những tính toán sai thực tế quá lớn. Đơn cử như sản phẩm tiêu thụ khó khăn, hàng tồn nhiều vì giá cao hơn hàng nhập (cao hơn giá nhập khẩu khoảng 53 USD/tấn), chất lượng xơ polyester của PVTex không ổn định.
Ai "vực dậy"?
Bộ Công Thương đã từng chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành phải tích cực tiêu thụ sản phẩm của nhau, trong đó có sản phẩm của PVTex. Thế nhưng, một khi sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, chất lượng thì để các doanh nghiệp dệt may thuộc sự quản lý của Bộ Công Thương có thể sớm bắt tay với PVTex là chuyện nan giải.
Đó là chưa kể chi phí điện sản xuất thực tế của PVTex tăng gần gấp 3 lần (khoảng 12 triệu USD) so với dự trù. Rồi chi phí hóa chất, phụ liệu thực tế tăng gấp đôi, tới 11 triệu USD.
Ngoài ra, để PVTex thu hồi vốn đầu tư xét trên thực trạng hiện nay, có ý kiến cho rằng cũng phải mất khoảng 20 năm, trong khi trước đây, tính toán ban đầu cho rằng nhà máy có khả năng thu hồi vốn trong khoảng 8 năm.
Nếu nhìn vào PVTex hay các nhà máy ethanol có nguồn vốn đầu tư của ngành dầu khí, điều hiện tại cho thấy sự thiệt hại khá lớn. Đây cũng là bài học xương máu cho Nhà nước khi đầu tư vào những dự án lớn mà không có lộ trình tính toán thực hiện hợp lý.
Mới đây nhất, trong Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ban hành ngày 6/10/2015 về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp có nêu rõ: "Cơ quan đại diện chủ sở hữu kịp thời phát hiện các yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cảnh báo và đề ra biện pháp chấn chỉnh; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp".
Đồng thời, cũng theo Nghị định 87, trường hợp phát hiện vi phạm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về phạm vi đầu tư vốn, trình tự, thủ tục và thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định của pháp luật.
Thế Vinh