Trên địa bàn Hà Nội, có tuyến phố vẫn còn “chợ cóc” hoạt động, cung cấp cho người tiêu dùng những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, đồ dùng gia đình, quần áo, giày dép..., thậm chí cả đồ điện tử và nhiều mặt hàng đắt tiền.
Có thể thấy tính tiện dụng và phổ biến được xem là ưu điểm hàng đầu của “chợ cóc”. Tiện dụng trong mua bán hàng hóa, tiện dụng trong lựa chọn các mặt hàng thiết yếu cho đời sống, tiện dụng về giá cả, nhất là tiện dụng về thời gian.
Tiện dụng là trên hết
Tại một “chợ cóc” trên đường Hoàng Văn Thái, hàng thực phẩm được bày bán la liệt đáp ứng đủ cho nhu cầu trong một bữa ăn của người tiêu dùng. Một tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở đây cho biết: “Không phải “chợ cóc” là nơi bán hàng kém chất lượng, hay dễ tăng, giảm giá. Người mua giờ đây cũng rất “sành” trong lựa chọn người bán, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Nên mặc dù “chợ cóc” làm mất mỹ quan đô thị nhưng có cầu thì ắt có cung, chúng tôi phục vụ theo yêu cầu của khách hàng”.
Đúng là “có cầu thì ắt có cung”. Đó chính là nguyên nhân để nhiều năm nay, “chợ cóc” vẫn luôn tồn tại dù bị cấm hoạt động. Khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen gần đây cho thấy, mặc dù kênh mua sắm hiện đại đang ngày càng thu hút người tiêu dùng nhưng chợ truyền thống (trong đó có “chợ cóc”) vẫn là địa chỉ thường xuyên của người tiêu dùng Thủ đô, với tần suất mua sắm trung bình 24,2 lần/tháng. Đặc biệt, “chợ cóc” vẫn được xem là địa chỉ mua sắm thường ngày của người tiêu dùng. Khi được hỏi, cứ 10 người tiêu dùng với thu nhập và nghề nghiệp khác nhau thì cả 10 người đều trả lời đã từng mua hàng ở “chợ cóc”, 7 người nói rằng mua hàng ở “chợ cóc” thường xuyên.
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khách hàng khu vực miền Bắc của Nielsen, cho biết: “Theo những nghiên cứu của Nielsen, “chợ cóc” vẫn là địa chỉ được người tiêu dùng đến mua hàng hằng ngày, chủ yếu là những sản phẩm tươi sống”.
Khi được hỏi: “Khi nào “chợ cóc” sẽ không còn hoạt động tại Việt Nam?”, nhiều chuyên gia bán lẻ đã cho rằng đây là câu hỏi khó trả lời nhất.
Thậm chí, có chuyên gia còn cho rằng hoạt động kinh doanh của “chợ cóc” sẽ tiếp tục phát triển bởi nhu cầu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng khó thay đổi.
Đi từ nhu cầu của khách hàng
Theo lý giải của nhiều người tiêu dùng, “chợ cóc” không chỉ đáp ứng yêu cầu tiện dụng khi mua sắm mà còn cung cấp các sản phẩm với giá cả hợp lý. Thậm chí, có nhiều người tiêu dùng còn không lý giải được tại sao họ lựa chọn “chợ cóc”, bởi họ cho rằng, “chợ cóc” như một phần trong văn hóa sống của họ.
Dựa trên những nghiên cứu, đại diện của Nielsen cũng chỉ ra ba điểm mạnh của “chợ cóc” mà các nhà bán lẻ hiện đại cần phải lưu ý: tính thuận tiện, sản phẩm tươi sống và giá cả phù hợp.
Để thu hút khách hàng, các nhà bán lẻ hiện đại cần phải học cách kinh doanh từ “chợ cóc”. Điển hình như nhiều mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm tươi sống đang được các nhà bản lẻ mở ra rầm rộ trong thời gian gần đây như FamilyMart, G7-Ministop, New Chợ, SatraFoods...
Theo nhiều chuyên gia, trước hết các doanh nghiệp bán lẻ cần nắm bắt được những yêu cầu về chất lượng sản phẩm, dịch vụ của người tiêu dùng, tức là bán cái khách hàng cần hơn là bán cái mình đang có. Thực tế, cách làm này tiểu thương ở “chợ cóc” đã làm rất tốt.
Thứ hai, cần đáp ứng được tính tiện dụng khi mua sắm của khách hàng. Thay vì mở những trung tâm mua sắm hiện đại với quy mô lớn, các nhà bán lẻ cũng cần tính đến những quầy hàng có quy mô nhỏ nhưng tiện dụng, dễ đi lại, có chỗ gửi xe cho khách hàng. Đây là yếu tố quan trọng nhất cho một mô hình bán lẻ hiện đại thu hút được khách hàng.
Thứ ba, đáp ứng được nhu cầu đa dạng các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, bảo đảm chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm tươi sống với mức giá phù hợp túi tiền người tiêu dùng.
Xu hướng tiêu dùng bán lẻ hiện đại đang ngày càng chiếm ưu thế, nhưng việc mua sắm ở chợ truyền thống vẫn là nét văn hóa đặc trưng của người tiêu dùng Việt. Do vậy, để có thể giành được khách hàng từ “chợ cóc”, các nhà bán lẻ hiện đại cần nghiên cứu văn hóa tiêu dùng của người Việt, để từ đó đưa ra những chiến lược phát triển phù hợp trong xây dựng kênh phân phối.
Cẩm An