Một khảo sát mới đây của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - con số kỷ lục từ trước đến nay. Và lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Doanh nghiệp Việt sau "tổn thương" sẽ là "suy yếu"
Cũng theo kết quả khảo sát của VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.
Doanh nghiệp Việt suy yếu sau dịch Covid-19 sẽ là thời cơ để nhà đầu tư nước ngoài "thâu tóm" (Ảnh: Tư liệu) |
Tương tự, khảo sát của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy dịch Covid-19 khiến doanh thu của nhiều doanh nghiệp giảm mạnh. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ có khả năng cầm cự trong ngắn hạn: 35% doanh nghiệp có khả năng cầm cự trong 3 tháng; 38% doanh nghiệp có khả năng cầm cự trong 6 tháng; 13% có khả năng cầm cự trong 1 năm; chỉ 14% có khả năng cầm cự trên 1 năm.
Trước thực tế doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa, phá sản rất cao, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã chỉ ra nguy cơ, việc mua bán sáp nhập doanh nghiệp sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn đã có thị phần nhất định, có khả năng tạo nền tảng cho sản xuất kinh doanh của một số ngành kinh tế quan trọng sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ.
Hiện nay, thủ tục đầu tư, đặc biệt là thủ tục mua cổ phần, góp vốn rất thuận lợi. Những năm gần đây, xu hướng đầu tư thông qua hình thức này tăng rất mạnh.
Mới đây, theo báo cáo về ngành gỗ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chỉ 7% doanh nghiệp trong ngành này vẫn hoạt động bình thường. Nhưng Chủ tịch Viforest Đỗ Xuân Lập cho biết 7% doanh nghiệp kể trên chủ yếu là doanh nghiệp có vốn Trung Quốc. Nếu tình hình dịch bệnh vẫn căng thẳng, không loại trừ khả năng doanh nghiệp của Trung Quốc đang hoạt động trên sẽ là những người đi mua lại chính các doanh nghiệp gỗ đã tạm dừng hoạt động.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhận định nguy cơ này là có. Ông Hiếu cho rằng tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước lựa chọn không mong muốn là không bán thì doanh nghiệp của mình sẽ "chết".
"Nếu điều này xảy ra sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sự phát triển bền vững của quốc gia, doanh nghiệp trong các ngành chủ lực lọt vào tay của nhà đầu tư nước ngoài, đó là rủi ro rất lớn", ông Hiếu nói.
Theo chuyên gia này, nguy cơ bị mua rẻ không chỉ xảy ra với doanh nghiệp nhỏ, mà với các doanh nghiệp lớn, điều này cần được cảnh báo. Những doanh nghiệp lớn niêm yết trên sàn chứng khoán mà giá chứng khoán lao dốc như ở thời điểm này, dĩ nhiên các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không bỏ qua cơ hội mạnh tay chi tiền mua vào.
"Với nhiều doanh nghiệp, đây là tín hiệu mừng vì sẽ đẩy giá chứng khoán lên, tăng giá trị của doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, đối với quốc gia thì đây là rủi ro lớn, khi mà các doanh nghiệp lớn, đầu tàu của nền kinh tế bị thâu tóm, chi phối bởi khối ngoại", ông Hiếu cảnh báo.
Ở góc nhìn khác, ông Phạm Việt Anh, chuyên gia về chiến lược tăng trưởng doanh nghiệp nói cho rằng: "Về kinh tế, tốt nhất chúng ta nên học cách "sống chung" với dịch. Bởi nếu kéo dài thời gian cách ly xã hội thêm vài tháng nữa, doanh nghiệp sẽ kiệt sức. Khi đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài "thâu tóm" doanh nghiệp nội ở thị trường trong nước".
Theo ông Việt Anh, hiện hoạt động của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như đã tê liệt. Những doanh nghiệp lớn hơn đã niêm yết, đa phần lượng tiền mặt chi trả vận hành cũng chỉ cầm cự được thêm vài tháng, trong khi chúng ta chưa biết được khi nào dịch bệnh được kiểm soát thực sự. Đấy là chưa tính các khoản chi phí tài chính được tạm giãn, giảm nếu không được hỗ trợ, doanh nghiệp lớn cũng gục ngay, nhất là các doanh nghiệp dùng đòn bẩy nhiều. Giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có nền tảng tốt cũng đã giảm nhiều, có trường hợp giảm sâu đến 50%, như vậy rất dễ rơi vào tầm ngắm thâu tóm.
Duy trì sự sống cho doanh nghiệp nội
Trong giai đoạn này, ông Việt Anh cho rằng: Chính phủ cần đưa ra những quy định đặc thù để giúp doanh nghiệp vẫn có thể vận hành được, dù chỉ là 30-40% công suất so với trước đây. Chỉ khi doanh nghiệp vận hành thì mới duy trì được sinh khí cho nền kinh tế.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách đối phó với dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến giờ này, vẫn chưa nghe nói Chính phủ có chính sách cụ thể nào về đầu tư. Trong khi đó, đáng lẽ việc như vậy là phải làm ngay lúc này.
Ông Hiếu kiến nghị Chính phủ cần có thêm chính sách đặc biệt bảo vệ doanh nghiệp nội trong thời gian dịch bệnh. Đơn cử như Việt Nam sẽ chấp nhận đầu tư nước ngoài ở mức nào? Chấp nhận nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp Việt Nam bao nhiêu?... Điều này giúp Việt Nam kiểm soát rủi ro, không bán tháo doanh nghiệp nội ở những ngành đặc thù cho nhà đầu tư nước ngoài.
Về biện pháp tốt nhất hiện nay vẫn phải hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp nói chung và ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nội, bởi đây mới là khu vực kinh tế giải quyết được nhiều công ăn việc làm nhất hiện nay.
Theo ông Hiếu, trong khó khăn này, doanh nghiệp phải trả tiền thuê mặt bằng, lãi vay ngân hàng, chi phí nhân công... Nếu doanh nghiệp ngưng hoạt động khi dịch bệnh kết thúc thì họ sẽ rất khó khăn để duy trì hoạt động như trước. Vì vậy, Chính phủ cần duy trì sự sống của doanh nghiệp, bằng cách bơm "tiền tươi thóc thật", tạo ra thanh khoản và khả năng thanh toán của họ.
Ông Hiếu đánh giá: "Việt Nam hiện đã có các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân như gói 300.000 tỷ đồng (giảm lãi suất), 180.000 tỷ đồng (gói giãn, hoãn nộp thuế của Bộ Tài chính) hay gói 62.000 tỷ đồng cho người lao động bị tổn thương... Song "các gói này không có tác dụng mạnh để cứu doanh nghiệp, bởi gói 300.000 tỷ đồng là gói ngân hàng chủ yếu cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp đang vay của mình, còn số tiền cho vay mới rất ít. Trong khi gói 180.000 tỷ đồng liên quan đến thuế chủ yếu là giãn nộp thuế, nhưng tất toán cuối năm, tức là thực chất doanh nghiệp không được miễn thuế. Điều đó có nghĩa chúng ta vẫn không có đồng nào trao tay cho doanh nghiệp".
Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng cần nâng cao năng lực của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để họ có thể trụ vững trong thời kỳ dịch Covid-19 và vươn lên trong thời kỳ hậu dịch. Đây được xem là thành nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị.
Lúc này, nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách đồng bộ về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực làm bệ đỡ cho doanh nghiệp lớn lên sẽ là yêu cầu quan trọng nhất, mở đường cho sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp ở tương lai.
Bất chấp Covid-19, khối ngoại chi 2 tỷ USD "thâu tóm" doanh nghiệp nội Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong quý I/2020 (tính đến ngày 20/3/2020), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,55 tỷ USD, bằng 79,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 2.523 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp gần 2 tỷ USD, tăng 52,6% về số lượt góp vốn, mua cổ phần và chỉ bằng 34,4% giá trị vốn góp so với cùng kỳ năm 2019. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần trong quý I/2020 tăng khá lớn, tuy nhiên, quy mô góp vốn lại không nhiều, bình quân chỉ có 0,78 triệu USD/ lượt góp vốn (nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân của quý I/2019 với 3,4 triệu USD/lượt góp vốn). Theo đánh giá của các chuyên gia, đồng USD đang tăng giá so với đồng nội tệ của các nền kinh tế đang nổi. Trong bối cảnh giá cổ phiếu của nhiều công ty Việt Nam sụt giảm mạnh, đây có thể là cơ hội để các công ty đa quốc gia vững mạnh về tài chính thâu tóm các doanh nghiệp gặp khó khăn. |
Lê Thúy