Bộ Công Thương dự kiến đến năm 2022, khi các dự án đã được cấp phép đi vào hoạt động, sản lượng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) sẽ chiếm trên 60% sản lượng cả nước.
Cơ hội lớn, cạnh tranh khốc liệt
Theo số liệu tổng hợp chung của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tổng lượng sản xuất, tiêu dùng giấy các loại tăng trưởng với mức cao so với các năm trước.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ NN&PTNT), đánh giá ngành giấy Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu (XK) các ngành sử dụng nhiều bao bì giấy như điện thoại và linh phụ kiện, may mặc, giày dép, điện tử – điện lạnh, máy móc thiết bị, lâm nghiệp, thủy sản… Diện tích rừng trồng tăng dẫn đến nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, sản lượng lớn. Nguồn dăm gỗ dồi dào (năm 2018 XK khoảng 9 triệu tấn).
Cụ thể, tiêu thụ giấy bình quân của Việt Nam còn rất thấp, mới đạt 50,7kg/người/năm. Năm 2019, dự báo tiêu thụ giấy toàn ngành duy trì tăng trên 12%/năm, tổng sản lượng giấy XK tăng 9%, sử dụng giấy nội địa gia công thành phẩm XK tăng mạnh, đặc biệt là giấy bao bì sẽ tăng trưởng 15 – 18%/năm trong 5 – 10 năm tới.
Đặc biệt, ngành công nghiệp giấy có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường nhờ các hiệp định thương mại (FTA) như CPTPP, EVFTA… Dự báo XK giấy thành phẩm và bao bì theo hàng hóa sẽ tăng khoảng 70% nhờ các FTA mới gia tăng khả năng XK các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sử dụng nhiều bao bì đóng gói.
Mặc dù ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, tiềm năng XK giấy, đặc biệt là bột giấy hóa tẩy trắng và giấy bao bì vào thị trường Trung Quốc vẫn rất lớn. Bên cạnh đó, khả năng Mỹ sẽ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng sản xuất từ Trung Quốc tạo cơ hội tốt cho các DN trong ngành giấy Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần XK sang Mỹ.
Thấy rõ cơ hội trên, những năm gần đây, các DN FDI đã mạnh tay rót vốn đầu tư vào ngành công nghiệp giấy. Cục Công nghiệp cho biết đầu tư FDI vào ngành giấy đã tăng rất nhanh trong hai năm 2017 – 2018 và hiện chiếm tới gần 50% sản lượng giấy các loại của Việt Nam. Dự kiến đến năm 2022, khi các dự án đã được cấp phép đi vào hoạt động, sản lượng của các DN FDI sẽ chiếm trên 60% sản lượng cả nước.
Thực tế, các DN giấy Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với khối ngoại. Ông Hoàng Trung Sơn, Tổng Giám đốc công ty TNHH Giấy Đồng Tiến Bình Dương, cho hay khối nội đang bị lấn át bởi các DN FDI. Trong 5 năm tới, nếu không có những chính sách hỗ trợ đặc biệt, DN FDI sẽ là người điều phối “cuộc chơi” trong ngành giấy.
Theo khảo sát của Bộ Công Thương, giá bán sản phẩm giấy các loại có xu hướng tiếp tục giảm do cạnh tranh với các DN FDI và sản phẩm nhập khẩu từ Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ông Nguyễn Văn Hiện, Tổng Giám đốc công ty Giấy Việt Trì, cho biết ngành giấy trong nước có trên 300 xí nghiệp giấy, sản xuất 3,5 triệu tấn/năm. Số DN FDI “chỉ đếm trên đầu ngón tay” nhưng chiếm tới 48% thị phần ngành giấy, phần còn lại thuộc về gần 300 DN trong nước. Điều này thể hiện sự manh mún, lạc hậu của các DN giấy trong nước.
Hơn nữa, trong số gần 300 DN giấy Việt Nam chỉ có trên 10 DN làm giấy bao bì cho ngành bánh kẹo; còn giấy bao bì cho hàng điện tử hoàn toàn do DN FDI đảm nhận.
“DN FDI đã giàu, đã mạnh lại làm ra sản phẩm có giá trị gia tăng nhất, trong khi DN Việt chỉ làm ra sản phẩm có giá trị thấp. Với đà này, chỉ 3 – 7 năm nữa, các DN FDI sẽ chiếm tới 75% tổng sản lượng chứ không ít”, ông Hiện lo lắng.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương cũng thừa nhận khung chính sách, pháp lý của Nhà nước để phát triển ngành giấy còn chưa đầy đủ, thống nhất. Phần lớn các DN giấy Việt Nam có quy mô nhỏ, manh mún, công nghệ sản xuất lạc hậu, tiềm lực tái chính yếu; nhân sự quản lý, vận hành trình độ chưa cao; khó tiếp cận với các nguồn tài chính lớn, khiến năng lực cạnh tranh hạn chế.
Khối ngoại mạnh tay rót vốn vào ngành giấy |
Cơ cấu sản xuất bất cập
Đặc biệt, cơ cấu ngành giấy còn khá nhiều bất cập. Với giấy in và viết, năng lực sản xuất không tăng, sản xuất đã đạt tới 97% năng lực nhưng vẫn phải nhập khẩu tới 483.000 tấn (chủ yếu là giấy in và giấy photocopy chất lượng cao) gấp gần 1,5 lần năng lực sản xuất hiện tại và nhu cầu vẫn tăng trưởng với mức 3%/năm.
Với giấy bao bì, so với năm 2017, sản lượng sản xuất loại giấy thông thường (giấy lớp mặt và lớp sóng) trong năm 2018 tăng rất nhanh để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao và XK nhưng cũng chỉ mới sử dụng chưa tới 70% năng lực hiện có.
XK giấy bao bì năm 2018 hầu hết là giấy lớp mặt và lớp sóng sang thị trường Trung Quốc (431.000/641.000 tấn), tập trung từ tháng 3 – 8, sau đó giảm nhanh cả về số lượng và đơn giá, do nhu cầu giấy bao bì tại Trung Quốc giảm mạnh từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và sự cạnh tranh mạnh từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ.
Nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan chủ yếu là giấy bao bì có tráng phủ với tổng số lượng gần 1 triệu tấn và nhu cầu tăng trưởng cao trong tương lai; nhập khẩu từ Indonesia và Thái Lan chủ yếu là giấy bao bì thông thường (giấy lớp mặt và lớp sóng) và giấy in, giấy photocopy chất lượng cao. Điều này cho thấy sự mất cân đối rất lớn trong đầu tư sản xuất các loại giấy này. Ngoài ra, Việt Nam đang là nước XK dăm mảnh hàng đầu thế giới nhưng lại phải nhập khẩu một lượng lớn bột giấy.
Ông Hoàng Trung Sơn đánh giá nguồn cung giấy tại Việt Nam hiện dư với loại này nhưng lại thiếu đối với loại giấy khác. Muốn tìm được hướng đi đúng cho ngành đòi hỏi cơ quan quản lý phải có những phân tích kỹ lưỡng về thực trạng, xem DN Việt Nam mạnh – yếu điểm nào, cũng như cần đánh giá lại tình hình thị trường, các cơ hội và thách thức…, từ đó mới có giải pháp cho từng loại hình DN.
Về giải pháp phát triển ngành giấy, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết sẽ tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành giấy Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 làm cơ sở, định hướng cho việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh của ngành giấy để phát triển cân đối, đúng hướng và bền vững. Trong đó, tập trung giải quyết sớm vấn đề thiếu hụt nguyên liệu cho ngành giấy thông qua các biện pháp: tháo gỡ khó khăn cho DN ngành giấy trong việc nhập khẩu hàng hóa làm nguyên liệu sản xuất, đặc biệt trong việc nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất.
Bộ Công Thương cũng khuyến nghị cần thiết lập hàng rào, chỉ thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sản xuất giấy sử dụng công nghệ cao, đặc biệt đối với các dự án đầu tư sản phẩm giấy trong nước chưa sản xuất được.
Lê Thúy
Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp Trong năm 2019 cần xây dựng chính sách để khuyến khích việc thu gom giấy loại trong nước, đơn giản hóa các thủ tục nhập khẩu giấy loại. Tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ về vốn đầu tư, thông tin truyền thông về thực tế sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường đối với các dự án sản xuất giấy bao bì nói chung và sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu OCC (giấy thùng carton cũ) nói riêng. Ông Trần Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Mai Việc đầu tư các nhà máy giấy là nỗ lực của các DN giấy trong việc nội địa hóa thị phần giấy, giúp DN nội cạnh tranh với các DN nước ngoài tại thị trường nội địa. Bản thân DN tự lực cánh sinh nhưng để phát triển được vùng nguyên liệu gỗ, phát triển sản xuất đòi hỏi sự hỗ trợ, đồng hành từ chính sách. Ông Đặng Văn Sơn- Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam Quy mô dự án của DN FDI ngày càng lớn (đa phần có công suất 500.000 tấn/năm), trong khi các DN giấy nội chỉ có quy mô nhỏ (với công suất dưới 10.000 tấn/năm). Điều này đòi hỏi các DN giấy nội địa phải cơ cấu lại, xây dựng những nhà máy mới có công suất đủ lớn, hiện đại, như vậy mới đủ sức cạnh tranh. |