Câu chuyện thèm ăn gạo Việt của các kiều bào ở nước ngoài được ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kể lại như một dẫn chứng đầy đủ, sinh động về sự cạnh tranh "yếu thế" của hàng Việt Nam trên thị trường.
Kém cạnh tranh vì "chộp giật"
Với 4,5 triệu kiều bào sinh sống tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đây được xem là thị trường tiêu dùng khá tiềm năng của nhiều sản phẩm nội, trong đó có gạo Việt – vốn là một trong những mặt hàng xuất khẩu nhất nhì thế giới.
Song một nghịch lý được vị Thứ trưởng Ngoại giao chỉ ra là không có bà con Việt kiều nào mua và sử dụng gạo Việt, mà thay vào đó là lựa chọn gạo Thái Lan hoặc Nhật Bản. Một thực tế đáng buồn hơn nữa là trong số các sản phẩm được kiều bào ta sử dụng, có rất nhiều gạo có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam, nhưng đã được "gia giảm" để mang "mác" Thái hay Nhật.
"Ta có sản phẩm xuất khẩu nhất nhì thế giới, nhưng chỉ cạnh tranh về số lượng mà không phải là chất lượng. Ở nước ngoài, có nhiều trung tâm cải tạo chất lượng gạo ngay tại chỗ để xuất khẩu. Tức là gạo Việt Nam đưa sang, họ tăng thêm hương vị, gia giảm một chút và gắn nhãn gạo Thái Lan để xuất sang nhiều nước. Song chỉ được một vài chuyến đầu, gạo đảm bảo chất lượng, khô, đúng chủng loại theo hợp đồng, nhưng vài ba chuyến sau, gạo ẩm, không thể sử dụng được. Tính chộp giật của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nặng nề, dẫn đến chất lượng và hiệu quả cao của sản phẩm hạn chế, tính cạnh tranh yếu nên không thể vươn ra chiếm lĩnh thị trường", ông Sơn nói.
Hẳn là, tâm lý sính ngoại của người Việt không phải là không có nguyên do, khi chính những sản phẩm nội địa không đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng. Để rồi, người ít tiền thì quay sang dùng hàng giá rẻ của Trung Quốc, còn người nhiều tiền thì tìm mua hàng cao cấp, xách tay từ Pháp, Đức, Nhật hay Mỹ…
Thực tế, thị trường nông thôn vốn được xem "mỏ vàng" cho các doanh nghiệp nội, song không phải doanh nghiệp nào cũng coi trọng tiềm năng tiêu dùng của mảnh đất mầu mỡ này, khi không chú trọng nghiên cứu, đưa ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã, giá cả và kênh phân phối phù hợp.
![]() |
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), cho biết có nhiều trường hợp doanh nghiệp đưa hàng tồn, hàng kém chất lượng vào các chương trình "Đưa hàng về nông thôn", gây mất lòng tin người tiêu dùng.
Cần chiến lược hành động quốc gia
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết doanh nghiệp Việt Nam đã "tự tin" hơn với người tiêu dùng, song có rất ít doanh nghiệp coi đó là lợi thế cạnh tranh. Thực tế so sánh cho thấy, các điều kiện về giá, thị trường, địa bàn, chi phí… của hãng nội và ngoại đều như nhau, song doanh nghiệp Việt lại luôn "thua đau" trên sân nhà.
Bởi vậy mà ông Đinh Văn Cương, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, bày tỏ lo ngại chỉ vài năm tới, khi các hàng rào thuế quan giảm dần theo cam kết, hàng ngoại tràn vào mạnh mẽ hơn, sẽ đe doạ trực tiếp đến sự "sống còn" của hàng Việt nếu như các sản phẩm nội không có sự thay đổi mạnh mẽ về "chất", tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Không phủ nhận những nỗ lực cải tiến của sản phẩm hàng hoá mang thương hiệu Việt Nam trong suốt thời gian qua. Thực tế này đã góp phần làm thay đổi tích cực nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt.
Kết quả điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Trung ương được công bố trong buổi tổng kết Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mới đây cho thấy, có 59% người tiêu dùng sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 38% khuyên người thân, bạn bè nên mua hàng Việt và 36% trước đây có thói quen mua hàng có nguồn gốc nước ngoài đã chuyển sang mua hàng Việt.
Tâm lý sính ngoại đã không còn là một yếu tố đáng lo ngại để hàng Việt tiếp cận thị trường, nếu như các sản phẩm nội đáp ứng "trúng" yêu cầu của người tiêu dùng.
Song theo bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thì công tác tuyên truyền, quảng bá là rất cần thiết, đặc biệt ở vùng nông thôn. Ngoài việc giới thiệu đến người tiêu dùng đầy đủ thông tin về ưu thế, tính năng của các sản phẩm, hàng hoá Việt, cần tuyên truyền tác động tiêu cực mà hàng ngoại mang đến, đặc biệt là hàng giá rẻ, ảnh hưởng đến sức khoẻ.
"Nếu nói hàng của mình tốt đến mấy, mà người tiêu dùng không có điều kiện tiếp cận thì cũng khó và chọn rẻ là mua. Song nếu tuyên truyền những vụ việc cụ thể liên quan đến chất lượng hàng ngoại, như sản phẩm nhiễm độc, nhiễm khuẩn, thì bà con sẽ giác ngộ. Mấu chốt căn nguyên để doanh nghiệp thắng là, một mặt cơ quan kiểm định chất lượng phải tích cực hơn, phát hiện vụ việc, sau đó báo chí tuyên truyền, tránh gây hoang mang, mà tạo hiệu ứng tốt để người dân đồng thuận và sử dụng", bà Minh nói.
Nâng cao hơn nữa hiệu quả của Cuộc vận động có vai trò quan trọng để cải thiện sức cạnh tranh và chỗ đứng của hàng Việt trên chính sân nhà. Do đó, nhiều quan điểm cho rằng việc đưa Cuộc vận động trở thành Chiến lược hành động quốc gia là rất cần thiết để huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp ngành, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Theo đó, cùng với việc rà soát, bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với quy định của WTO, cần vận động các doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng khoa học nâng cao chất lượng sản phẩm, kêu gọi người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng Việt… Với Chiến lược này, hy vọng CVĐ sẽ có một bước chuyển mới và hàng Việt sẽ có một vị thế mới trên sân nhà.
--------------------------------------
Bốn trụ cột cơ bản của Cuộc vận động
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TWMTTQ Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo CVĐ
------------------------------------
Bốn trụ cột của Cuộc vận động cần được nhấn mạnh. Thứ nhất, khuyến khích lòng yêu nước, ở chỗ người Việt cần ưu tiên dùng hàng Việt. Cần truyền tải rõ thông điệp rất quan trọng của Cuộc vận động là mỗi sản phẩm Việt bán được thì sẽ có thêm một người lao động không mất việc làm, tức là bảo vệ sản xuất, bảo vệ người lao động.
Thứ hai, cần thực hiện tốt hai nhiệm vụ, vừa khuyến khích sản xuất, vừa kêu gọi người tiêu dùng sử dụng hàng Việt.
Thứ ba, công tác truyền thông rất quan trọng, doanh nghiệp cùng nhà nước, đoàn thể phải truyền tải thông tin thực trạng hàng Việt, so sánh với hàng nước ngoài. Truyền thông phải phát huy sức mạnh tổng hợp, đúng đối tượng, tính chất, bảo vệ người tiêu dùng.
Thí điểm phương thức hàng đổi hàng
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam
------------------------------------
Hiện Hiệp hội đang mong muốn thực hiện Đề án Đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua phương thức hàng đổi hàng, thay vì dùng tiền mua hàng thì dùng hàng mua hàng. Theo đó, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hoá, thúc đẩy luân chuyển hàng trong tình hình thanh khoản thấp. Hiệp hội sẽ làm có tính thí điểm, sau đó tập hợp kinh nghiệm và mở rộng để tạo thành chương trình lớn. Tuy nhiên, cần nghiên cứu các vấn đề như thuế, cơ chế thực hiện… và có sự ủng hộ lớn của các cấp ngành.
Đổi mới công tác tuyên truyền
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT
------------------------------------
Công tác thông tin tuyên truyền vẫn chưa chuyên sâu, website quảng bá thiếu thông tin cần thiết như giá trị sử dụng sản phẩm, nơi cung cấp... Hoặc Cuộc vận động mới chỉ hướng vào tuyên truyền cá nhân hơn là các đối tượng xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất. Đặc biệt, cơ chế khuyến khích sản xuất hàng Việt Nam cũng chưa có gì đặc biệt, cũng giống như chính sách khác.
Cẩm An