Tại các kênh phân phối hiện đại như BigC, Co.opMart, Fivimart, Hapro… hàng Việt ngày càng chiếm tỷ lệ lớn khi có đến từ 80 – 90% lượng hàng hoá được đưa vào phân phối. Đáng chú ý, một số siêu thị có tỷ lệ hàng Việt khá lớn như BigC có đến gần 90%; Co.opMart có 95% là hàng Việt.
Áp đảo trong siêu thị
Tỷ lệ hàng Việt tại các kênh phân phối hiệu đại ngày càng tăng cao một phần là do chính sách kết nối, liên kết giữa nhà sản xuất với nhà phân phối. Như tại Co.opMart, đơn vị chủ quản là SaigonCo.op đã ký kết tiêu thụ sản phẩm với hơn 100 nhà cung cấp tại nhiều tỉnh, doanh số tăng hơn 60%. Hoặc tại BigC, với chương trình “BigC cùng nhà sản xuất tìm lối ra cho sản phẩm nội”, nhà bán lẻ này đã ký hợp đồng hợp tác với hơn 110 nhà sản xuất vừa và nhỏ, tổng trị giá hợp đồng thu mua ước tính hơn 100 tỷ đồng.
Theo ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ, các DN đã chú trọng khai thác tiềm năng của thị trường nội địa khi đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm trong nước, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm để hàng hoá tạo được sức cạnh tranh trên thị trường. Do đó, nhiều DN đã chiếm được thị phần lớn tại thị trường nội địa.
Việc đưa hàng Việt về nông thôn theo “đợt” không giúp hàng Việt cạnh tranh được với hàng ngoại
Đơn cử như Tổng Công ty Dầu thực vật chiếm 87% thị phần dầu tinh luyện, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam chiếm 75% thị phần sữa đặc có đường, 90% thị phần sữa chua, sữa tươi là gần 50%; thị phần của Tập đoàn Dệt may Việt Nam với sản phẩm may mặc là 30%; Tổng Công ty Giấy Việt Nam chiếm 30% với các sản phẩm giấy in, giấy viết; thị phần của Tổng công ty Thép Việt Nam với thép xây dựng là 37,8%; Tập đoàn Hoá chất với các sản phẩm săm lốp xe đạp là 58%, xe máy khoảng 79%; ô tô là 50%... Đặc biệt, tại nhiều địa phương, người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao hàng Việt khi tỷ lệ tiêu thụ tăng cao, như hàng dệt may, da giày có tới 80% người dùng ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới gần 60% người dùng ưa chộng…
Thất thế ở nông thôn
Tuy nhiên, có một thực tế nghịch lý là dù sản phẩm hàng hoá của DN Việt Nam đang ngày chiếm thị phần lớn tại các kênh hiện đại, thì tại thị trường nông thôn và các kênh phân phối truyền thống, vốn chiếm đến 80% thị phần tiêu thụ, hàng Việt lại chưa xây dựng được chỗ đứng vững chắc. Một số liệu đáng chú ý được ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo CVĐ, đưa ra là mới chỉ có khoảng 10% hàng Việt Nam thâm nhập và chiếm lĩnh được vào thị trường nông thôn. Điều này đồng nghĩa với việc, DN Việt Nam và hàng Việt đang để cho sản phẩm ngoại chiếm lĩnh đến 90% miếng bánh ngon và đầy tiềm năng của thị trường.
Chia sẻ với “nỗi đau” khi DN chưa thể khai thác hết tiềm năng của thị trường nông thôn và chợ truyền thống, ông Trần Tấn An, Phó Tổng Giám đốc công ty Vissan, cho biết dù đã xây dựng được 100 nhà phân phối và hơn 300.000 điểm bán trong cả nước, song phần lớn là các điểm bán tại kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tạp hoá… Việc triển khai đưa hàng của Vissan về các thị trường nông thôn, vào chợ truyền thống gặp nhiều khó khăn do chi phi phí đầu tư lớn.
“Vissan đã triển khai các chuyến bán hàng thực phẩm lưu động về nông thôn, vùng sâu vùng xa song hiệu quả doanh thu không cao. Cũng bởi chi phí đầu tư cho thị trường rất lớn, người tiêu dùng cũng có những đặc thù riêng tiêu thụ sản phẩm, năng lực chi tiêu hạn chế. Song DN tôi vẫn đẩy mạnh hoạt động này để giới thiệu hình ảnh thương hiệu Vissan đến người tiêu dùng, tư vấn khách hàng sử dụng, lựa chọn sản phẩm có chất lượng. Đồng thời, qua các cuộc tiếp xúc, phản ánh của người tiêu dùng công ty đã từng bước cải tiến mẫu mã, bao bì, chất lượng sản phẩm, nhạy bén nắm bắt nhu cầu tiêu dùng nông thôn để tăng độ bao phủ thị trường”, ông An nói.
Nhìn nhận một cách tổng thể, Ban chỉ đạo CVĐ cho rằng hàng hoá của DN Việt Nam sản xuất chất lượng còn kém, mẫu mã còn nghèo nàn, chưa chiếm lĩnh hoặc chi phối được thị trường. Do đó, nhiều sản phẩm hàng hoá do nước ngoài sản xuất còn chiếm thị phần cao trên thị trường nội địa như phương tiện giao thông, hàng điện tử, đồ chơi trẻ em, giày dép… Trong khi đó, tình trạng tự sản xuất, tự tiêu thụ và chưa có sự liên kết với sản xuất là phổ biến nên sức cạnh tranh ngành còn yếu. Do đó, các chuyên gia cho rằng bên cạnh sự nỗ lực của DN, để hàng Việt “chắc chân” trên thị trường nội địa và có thể khai thác được miếng bánh lớn từ nông thôn, cần có sự hỗ trợ từ các cấp ngành, tăng tính liên kết cho hàng Việt rộng đường hơn trên chính sân nhà.
------------------------------------------
Ông Nguyễn Thiện Nhân
Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương
-----------------------------------
Thời gian tới phải vận động, tuyên truyền với cường độ cao. Truyền thông phải tuyên truyền có sức thuyết phục, sát với từng đối tượng và tuyên truyền liên tục. Các cơ quan của Chính phủ, UBND các cấp, các DN thực hiện đề án 634 Chính phủ đã phê duyệt, trong đó đề cập đến xúc tiến thương mại, DN đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ thương hiệu…. Năm 2015 cần có kế hoạch hành động cụ thể để triển khai đồng bộ. Cần phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức của DN và người tiêu dùng biết được, nếu người tiêu dùng mua hàng Việt Nam, thì người sản xuất được việc làm. Còn nếu người tiêu dùng mua hàng nước ngoài, thì người Việt không có thu nhập.
Ông Vũ Huy Hoàng
Bộ trưởng Bộ Công Thương
-------------------------------------
CVĐ nhằm tuyên truyền, giải thích để người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng Việt, song nếu hàng Việt không đáp ứng được nhu cầu thì người tiêu dùng sẽ “quay lưng” và lựa chọn hàng hoá khác. Thách thức đặt ra với DN ngày càng lớn hơn, tác động của Nhà nước chỉ là ban đầu thôi, còn DN phải tự đứng trên đôi chân của mình, có giải pháp phù hợp cải tiến chất lượng mẫu mã và giảm giá thành.
Ông Tô Hoài Nam
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
-------------------------------------
Doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được tiềm năng của thị trường trong nước bằng cách quay về thị trường, quan tâm nhiều hơn đến thị hiếu người tiêu dùng. Song “nhược điểm” lớn nhất khiến hàng Việt kém cạnh tranh là tính ổn định về chất lượng, nên hàng giá rẻ của Trung Quốc và hàng chất lượng cao của các nước trong khu vực chiếm lĩnh thị trường. Sản xuất ở khối lượng nhỏ thì DN đáp ứng được chất lượng ổn định, song ở quy mô lớn hơn thì DN lại đuối sức.
Cẩm An