Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan |
Gương mặt hiền lành, phúc hậu đặc trưng của người Nam Bộ, giọng nói trầm và dứt khoát - Ông Sáu, đó là cái tên bình dị mà những người nông dân Đồng Tháp vẫn quen gọi để dành cho vị Bí thư tỉnh uỷ Lê Minh Hoan. Tháng 9/2020, ông được Thủ tướng bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ NN&PTNT.
Ông chia sẻ rằng, điều mình mong muốn là những lớp trẻ có tri thức quay trở lại làng quê, ứng dụng các tri thức trong sản xuất để phát triển nông nghiệp sạch, làm giàu trên chính quê hương mình...
HTX liên kết với DN là hướng đi bền vững cho nông nghiệp Việt
Trên cương vị Bí thư tỉnh Đồng Tháp, ông đã quá quen thuộc với những cánh đồng, người nông dân nơi đây. Khi biết tin mình sẽ ra Trung ương nhận nhiệm vụ mới là Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, điều mà ông suy nghĩ trong đầu lúc bấy giờ là gì?
- Suy nghĩ quanh quẩn trong đầu của tôi lúc bấy giờ là làm sao tạo ra hệ sinh thái bền vững cho ngành nông nghiệp. Ngành nông nghiệp cần có chiến lược, tầm nhìn dài hạn. Và muốn làm được cần phải trả lời 3 câu hỏi: Nông nghiệp Việt Nam đang ở đâu? Sẽ đi về đâu? Muốn đến đấy thì đi bằng cách nào? Điều đó có nghĩa ngành nông nghiệp phải đặt nhiệm vụ cụ thể trong 5 - 10 năm tới mình sẽ đi về đâu?.
Nhìn mặt thuận lợi, nhưng chúng ta phải nhìn cả những khó khăn, không có cái gì tồn tại một mặt. Làm sao để phát triển nông nghiệp mà không đánh đổi tăng trưởng bằng biến đổi hệ sinh thái tự nhiên, dùng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, khiến môi trường mất cân bằng như cách mà nhiều nông dân vẫn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay.
Từng được biết đến là 'cha đẻ' của những mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại như 'Ruộng nhà mình', 'Hội quán'... Liệu ông có ý tưởng nhân rộng những mô hình này trên khắp cả nước?
- Có chứ! Hiện nay mô hình hội quán đã được làm ở khu vực miền Trung rất nhiều rồi. Hội quán là tập cho bà con tinh thần hợp tác trong cuộc sống, không hợp tác trong cuộc sống thì không có hợp tác trong sản xuất. Thay vì cứ tuyên truyền một cách sáo rỗng, tại sao chúng ta không phát huy vai trò làm chủ, sự năng động sáng tạo của người nông dân, không trông chờ ỷ lại.
Chúng ta cứ nhìn thấy nông nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc rất phát triển mà không hiểu rằng họ đã có cả một quá trình để phát triển có chiều sâu, có cả một triết lý văn hóa của đất nước. Đó là bắt nguồn từ văn hoá dạy ở trường học là sống phải biết yêu môi trường thiên nhiên, biết chia sẻ cộng đồng, phải nghĩ đến người khác, đó là tinh thần hợp tác trong cuộc sống.
Họ làm nông nghiệp có văn hoá, sản xuất nông nghiệp có văn hoá, kinh doanh cũng phải có văn hoá, có trách nhiệm. Còn đối với Việt Nam thì nhiều năm sản xuất nông nghiệp tựa như kiểu "đèn nhà ai - nhà nấy rạng", ruộng nhà ai - nhà nấy làm, nên xung đột lợi ích với nhau.
Nhìn ra các nước bạn thì như vậy, còn ở nước ta, ông thấy tinh thần hợp tác giữa doanh nghiệp - nông dân hiện nay như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Tôi cho rằng, tinh thần hợp tác của người nông dân Việt Nam còn mang tính chất thời vụ, chưa bền vững lâu dài, ai cũng muốn giành phần lợi của mình. Đó là nỗi đau của sự hợp tác.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã quay trở lại nông nghiệp để đầu tư nhưng những mô hình đó chưa phải là phổ quát, nhất là tính bền vững. Nhiều khi tinh thần hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân vẫn như chiếc bánh, cắt ra chia, anh được nhiều, thì người còn lại được ít.
Bởi vậy, chúng ta mới cần tinh thần hợp tác - cụ thể là vai trò của khu vực kinh tế hợp tác xã là làm cho chiếc bánh lớn hơn, mà muốn vậy thì cần có quá trình xây dựng thương hiệu, lòng tin, tạo ra chuỗi giá trị. Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành hàng là hướng đi bền vững cho nông nghiệp Việt Nam.
Vai trò của Nhà nước là kết nối thị trường
Nói về nông nghiệp hữu cơ, ông cũng đã nhắc tới câu chuyện "chúng ta bàn về nông nghiệp hữu cơ nhưng chính chúng ta lại là người không có lòng tin để sử dụng sản phẩm hữu cơ", ông có thể giải thích rõ hơn điều này?
- Thực ra nông nghiệp hữu cơ cũng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền nông nghiệp hiện nay. Chúng ta cũng không nhất thiết tất cả đều làm nông nghiệp hữu cơ, mà chỉ làm một phân khúc nào đó, còn lại là cần làm sạch, sản xuất an toàn, có quy trình, chứng nhận đàng hoàng, sử dụng đúng liều lượng thuốc BVTV.
Ông Lê Minh Hoan gặp gỡ, trò chuyện thân tình với người nông dân. |
Còn vấn đề lòng tin đúng như câu chuyện ở trên. Nhiều khi người bán nói rằng sản phẩm này là hữu cơ chứ tôi cũng không biết có phải là hữu cơ thật không. Một khi người mua bị lừa dối khi ra quầy rau quả sạch, vì người bán đem rau quả quả khác về rồi giới thiệu là sản phẩm hữu cơ, thì niềm tin không còn. Khi người dùng đã không có niềm tin, họ không thể bỏ ra một khoản tiền lớn hơn nhiều lần để mua một sản phẩm mà không biết có phải là hữu cơ hay không.
Trong cuộc sống mình thích tìm người tử tế chơi, đi mua hàng người tiêu dùng cũng cần tìm đến nông dân sản xuất, người bán hàng tử tế để mua.
Còn về vấn đề thị trường thì sao thưa ông? Làm sao để không còn cảnh "được mùa, mất giá"?
- Ngành nông nghiệp Việt Nam có cơ hội cực lớn ở thị trường 100 triệu dân trong nước, tại sao mình cứ nghĩ làm chuẩn hoá cho nước ngoài mà không chuẩn hoá để bán cho thị trường 100 triệu dân trong nước.
Trong một xã hội có 3 chủ thể gồm Nhà nước, xã hội, thị trường. Chủ thể nào cũng có sứ mệnh của mình. Ở Đồng Tháp, tôi làm cà phê doanh nhân để tập hợp doanh nghiệp, tìm ra cơ hội cho họ và cho địa phương. Xã hội trong ngành nông nghiệp là người nông dân nên hội quán ra đời là vì vậy.
Nhà nước cần đứng ở vai trò kết nối, khởi tạo để thị trường vận động. Làm sao chúng ta hiểu biết thị trường bằng doanh nghiệp và cũng không thể hiểu biết sản xuất bằng nông dân được, nên cần quy tụ họ lại với nhau.
Nhà nước chỉ nên đứng ở vai trò khởi tạo, kiến tạo. Nói chuyện với doanh nghiệp để biết được quy luật của thị trường, nói chuyện với nông dân để hiểu được suy nghĩ của họ, thói quen canh tác của họ.
Đôi khi, người nông dân nói về chuyện sản xuất của họ phi khoa học, hơi vô lý, có tính đám đông, không có quy hoạch hoặc thấy làm gì cũng ùa nhau làm. Và khi nông dân không hiểu biết được thị trường, không hiểu được quy hoạch vẫn còn tư duy đám đông, đó là lỗi Nhà nước.
Tôi đơn cử, vụ vừa rồi nông dân thấy hàng xóm trồng được gì thì vụ sau họ lại trồng ngay. Do vậy, vai trò Nhà nước là kết nối phân tích thị trường, lường trước rủi ro thị trường, cung cấp thông tin cho nông dân để họ không rơi vào trạng thái chạy theo hoặc canh tác theo hiệu ứng đám đông.
Phải phát triển một nền nông nghiệp tử tế
Năm 2021 đã đến, trên cương vị Thứ trưởng, ông có thể chia sẻ về những dự định của mình trong việc phát triển nông nghiệp Việt Nam?
- Mong muốn của tôi là xây dựng chiến lược cho từng ngành hàng mang tính chất dài hạn, từ đó xác định lộ trình, bước đi. Chứ không để tình trạng chỉ đạo mùa vụ này, còn mùa vụ năm sau lại không có định hướng, khiến nông dân rất khổ nhọc.
Nông nghiệp Việt phải vừa tăng trưởng vừa không làm mất đi nhiều cái trước mắt mà không nhìn thấy. Đó là sự cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, mất đi sự tử tế của người nông dân, mất đi luôn cái sự cấu kết cộng đồng nông nghiệp do cứ mạnh ai nấy làm. Tất cả điều này mình cần nhìn nhận ra, kịp thời khắc phục, không để mất thêm.
Nói nông nghiệp bền vững không phải cứ đưa công nghệ cao vào mà công nghệ cao chẳng qua là điều kiện cần còn điều cần đủ là tri thức hoá của người nông dân.
Bởi chúng ta đang sống trong thời đại nền kinh tế tri thức, nông nghiệp thông minh cần người thông minh, thông minh là biết hợp tác với nhau, biết cái nào là rủi ro cho người tiêu dùng, tổn thương cho chính nông dân thì tránh đi, đừng làm nữa, chọn những cái mà cả hai cùng thắng, cả hai cùng bền vững để làm.
Nông nghiệp sẽ không có lợi nhuận cao nếu sử dụng theo cách cũ và thiếu bền vững cho tương lai. Môi trường bị ảnh hưởng sẽ khiến xu hướng ly hương, ly nông, rời bỏ làng quê, bỏ lại người già ở lại.
Tôi tha thiết mong muốn những lớp trẻ có tri thức cần quay trở lại làng quê, ứng dụng các tri thức trong cuộc sống, trong sản xuất để làm giàu trên chính quê hương mình.
Cũng như chúng ta hô hào xây dựng nông thôn mới nhưng cũng cần hiểu rõ rằng nông thôn mới là "tạo cốt, giữ hồn" để đô thị hoá hết thì không phải. Nếu đã mất hồn quê, đô thị hóa nét đẹp nông thôn thì đâu còn những giá trị tinh thần, bản sắc độc đáo của làng quê nằm trong ký ức của mỗi người!
Không gian làng xã là không gian cộng đồng làm nên sức mạnh Việt Nam, có cây đa, bến nước, mái đình là cầu nối giữa nhà và nước, đúng như câu ca xưa: "Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau mấy dậu mồng tơi xanh rờn".
Trong nhiều bài viết đăng tải lên báo chí, ông hay đặt bút danh của mình là Xích Lô. Xin hỏi bút danh này có ý nghĩa là gì và tại sao? "Xích" hiểu nôm na là số Sáu, còn "Lô" là Lotus (hoa sen). "Xích lô" là Sáu bông hoa Sen gắn với thương hiệu của Đồng Tháp Mười là "Đất Sen Hồng". Là người khá đặc biệt khi còn ở địa phương và nay với vai trò mới, Thứ trưởng có thể chia sẻ về thói quen làm việc, cách làm việc của mình hay không? Thực ra, tôi là người làm việc không đúng giờ giấc, đi thấy vấn đề gì thì gõ trong Ipad, bắt đầu diễn giải ra câu chuyện, ý nào muốn gửi gắm, rồi chia sẻ với anh em địa phương. Chiếc xe máy Dream mà Thứ trưởng đã đi ở Đồng Tháp giờ để lại cho ai? - Tôi để nó cho Bí thư, ra TP.Hà Nội tôi cũng tậu một con xe Dream mới để tự lái khi mình cần đi đâu đó. Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng! |
Lê Thúy (thực hiện)