Mới đây, Bộ Công Thương cho hay khi khảo sát 95 dự án năng lượng tái tạo thì có 24 dự án muốn mua bán điện trực tiếp, không qua EVN; 17 chủ đầu tư khác đang cân nhắc về khả năng tìm, ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng.
Nhiều khách hàng muốn mua điện không qua EVN
Ngoài ra, 17 dự án phát điện từ năng lượng tái tạo đang cân nhắc về điều kiện tham gia cơ chế này cũng như khả năng tìm, ký hợp đồng với khách hàng. Sau khi sàng lọc, tư vấn, cơ quan này đã gửi phiếu khảo sát tới 41 khách hàng, trong đó có 24 khách hàng trả lời mong muốn tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA, với tổng nhu cầu 1.125 MW (ước tính).
Nhiều tập đoàn nước ngoài mong muốn Việt Nam nhanh chóng triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp. |
Theo Bộ Công Thương, đối với trường hợp mua bán điện thông qua đường dây tư nhân kết nối trực tiếp (không thông qua lưới điện quốc gia), việc thực hiện đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai. Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn các đơn vị theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, cơ chế DPPA trong trường hợp thực hiện mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia vẫn còn khá rắc rối nên Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo. Bộ này cho rằng, để đảm bảo cơ sở pháp lý, hiện có 2 phương án về hình thức ban hành cơ chế DPPA.
Phương án 1: Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp về việc có thể đưa quy định về cơ chế DPPA vào Luật Điện lực. Tuy nhiên, việc triển khai cơ chế DPPA sẽ phụ thuộc vào thời hạn ban hành và hiệu lực thi hành của Luật Điện lực sửa đổi. Luật Điện lực đang trong quá trình đề xuất sửa đổi (dự kiến ban hành năm 2025, hiệu lực năm 2026).
Phương án 2: Thực hiện quy định tại Điều 70 Luật Điện lực, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định thực hiện cơ chế DPPA.
Trường hợp Điều 70 Luật Điện lực không đáp ứng là căn cứ để ban hành Nghị định của Chính phủ, có thể cân nhắc báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, ban hành Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giao Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Sau khi xem xét chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định ban hành cơ chế DPPA theo hình thức Nghị định của Chính phủ.
Giải pháp để đẩy mạnh thu hút FDI
Như vậy, cơ chế mua bán điện trực tiếp đang tiến những bước đi cuối cùng để đáp ứng mong mỏi của cả phía cung – cầu về việc được giao dịch không thông qua EVN.
Tại phiên tọa đàm về Năng lượng tái tạo bên lề Diễn đàn Kinh tế xanh ngày 2/11, bà Suij Kang, Chủ tịch Liên minh Năng lượng sạch Châu Á Việt Nam cho biết, các tập đoàn đa quốc gia như Google, Samsung, Nike… đều đang hướng tới sử dụng năng lượng xanh, có nhu cầu kết nối mua trực tiếp với nhà sản xuất điện sạch. Theo đó, hợp đồng DPPA ra đời được kỳ vọng sẽ có ý nghĩa quan trọng để các tập đoàn lớn đẩy mạnh quá trình phát triển năng lượng tái tạo.
Về lý thuyết các đặc điểm làm cho cơ chế mua bán điện trực tiếp thành công, bà Suij Kang nhấn mạnh, đó là tính minh bạch, cơ chế định giá tổng thể rõ ràng, đặc biệt trong một thị trường còn độc quyền. Hợp đồng mua bán điện cần có sự tham gia nhiều bên, làm sao giúp thị trường cạnh tranh hơn.
“Chính phủ đưa ra ưu đãi thuế, hoặc những hình thức chính sách khác để có cơ chế giá tốt cho cả người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo khả năng thu hồi chi phí tốt cho nhà sản xuất”, bà Suij Kang chia sẻ.
Trong khi đó, ông Toben Minko, Giám đốc điều hành B.Braun, cho hay bản thân ông đã làm việc tại Việt Nam 10 năm. B.Braun đang muốn phát triển thêm các dự án tại Việt Nam. "Việt Nam phải cạnh tranh với Malaysia, Thái Lan và Indonesia… để thu hút FDI nếu không cạnh tranh được thì họ sẽ đầu tư ở nơi khác chứ không phải Việt Nam. Do vậy, phát triển xanh mà cụ thể là sử dụng năng lượng xanh là yêu cầu cần thiết", vị này đánh giá.
Theo ông Toben Minko, giá điện là quan trọng, then chốt để chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh. Vì vậy, khi chuyển sang cơ chế mua bán điện trực tiếp, phía cầu cần đưa ra giá linh hoạt, tránh tình trạng tăng, giảm trong biên độ mạnh, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp.
“Chúng ta đều biết rằng, các dự án năng lượng tái tạo phát triển mạnh ở miền Nam, trong khi đường truyền tải điện ra phía Bắc còn hạn chế, vì vậy khi triển khai cơ chế DPPA, bài toán về lưới điện phải được giải quyết”, Giám đốc điều hành B.Braun chia sẻ.
Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, việc có cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các dự án năng lượng tái tạo với khách hàng lớn giúp thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, song cần đẩy nhanh tiến độ của thị trường điện để cơ chế phát huy hiệu quả.
“Chúng ta không thể chơi một cuộc chơi mà một mặt vừa đòi hỏi thị trường hóa, vừa phải giảm bớt thị trường độc quyền của EVN. Vì vậy, khi đi vào vận hành cơ chế mới sẽ cần tiếp tục điều chỉnh và hoàn thiện, tiến tới thị trường điện cạnh tranh”, vị chuyên gia cho biết.
Nhật Linh