Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015/2016 dựa trên phương pháp tiếp cận Chỉ số Khởi nghiệp toàn cầu (Global Entrepreneurship Monitor – GEM) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy tồn tại nhiều chỉ số thấp trong hoạt động khởi nghiệp so với tương quan với nhiều nền kinh tế khác. Nhất là chỉ số đổi mới ở các hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam thuộc loại thấp (16,5%), xếp thứ 50/60 nền kinh tế.
Thiếu định hướng “mới”
Theo kết quả khảo sát này (được đưa ra tại Hội thảo “Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam năm 2015/2016 và các chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa & khởi nghiệp” do VCCI tổ chức tại Tp.HCM ngày 22/9), trong giai đoạn khởi nghiệp ở Việt Nam, các định hướng “mới” có chỉ số cực thấp khi chỉ có 4,8% sản phẩm được xem là mới, 4,4% là công nghệ mới, 2,2% là thị trường mới.
Thậm chí, khi đã bước vào giai đoạn kinh doanh ổn định thì ba yếu tố chính là sản phẩm, thị trường và công nghệ của doanh nghiệp (DN) Việt còn tụt xuống thấp hơn, chỉ còn chiếm 0,5 đến 2,8%.
Ngay như hoạt động khởi nghiệp trong các DN Việt cũng chỉ được xếp thứ 51 trên 60 nền kinh tế. Riêng về kết quả khảo sát hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam so với các nước trên thế giới vào năm ngoái, theo Ts. Lương Minh Huân, Viện phó Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc VCCI, chỉ số tài chính cho kinh doanh thuộc loại rất thấp (đứng thứ 50 trên 62 nền kinh tế).
Trong giai đoạn khởi nghiệp ở Việt Nam, chỉ có 4,8% sản phẩm mới, 4,4% là công nghệ mới
Nguồn tài chính cho các dự án khởi nghiệp ở Việt Nam lâu nay được cho là vẫn còn nhiều rào cản lớn. Với bản chất rủi ro lớn, thiếu tài sản đảm bảo của các DN khởi nghiệp, các kênh huy động truyền thống như vay vốn tại ngân hàng thương mại là điều hết sức khó khăn.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, luật gia Nguyễn Ngọc Tuấn, thành viên Hội đồng hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam của VCCI và là Giám Đốc công ty Đào tạo BeBoss Training (một DN chuyên về đào tạo khởi nghiệp với mục đích phi lợi nhuận), cho rằng nếu được thì nên luật hoá một số chính sách bảo lãnh một số dự án kinh doanh hiệu quả của DN nhỏ hoặc cho vay tín chấp đối với một số dự án khởi nghiệp đặc biệt có ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới trong sản xuất kinh doanh hoặc nên tạo điều kiện để lực lượng khởi nghiệp tiếp cận vốn vay kịp thời hơn.
Cần “bộ khung” chính sách
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Chính phủ các nước thường tạo điều kiện để khuyến khích các hoạt động đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp, khuyến khích các hình thức gọi vốn từ cộng đồng, hoặc Chính phủ đầu tư vốn ban đầu, hoặc cho vay tín chấp vào các DN khởi nghiệp đã được đầu tư từ khu vực tư nhân nhằm giảm thiểu rủi ro cho đầu tư khởi nghiệp.
Các hoạt động này ở nhiều nước trên thế giới diễn ra tương đối sôi động nhưng ở Việt Nam mới chỉ nổi lên gần đây và đang thiếu khung pháp lý để công nhận, khuyến khích đầu tư cho khởi nghiệp.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, khởi nghiệp chỉ là một trong số rất nhiều bước đi để xây dựng nên một DN có vị thế hoàn chỉnh, bắt đầu từ quy mô vừa, nhỏ, siêu nhỏ, từng bước tiến lên chính quy, hiện đại. Điều đó đòi hỏi cần có “bộ khung” chính sách hiệu quả, đồng bộ để phát huy tinh thần khởi nghiệp.
Còn theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Đồng Nai, lối suy nghĩ lâu nay của chúng ta là chỉ quen làm gia công cho an toàn, còn tâm thế dấn thân khởi nghiệp thì vẫn chưa đáp ứng được.
“Đội ngũ khởi nghiệp dường như đang đi vào một cầu thang tối thui, không va cái này thì cũng đụng cái nọ. Nếu leo lên được đến đỉnh rồi, do sức yếu, nguồn lực có hạn, khi nhìn xuống dưới đất thấy chóng mặt rồi lại té ngã. Chính vì vậy, để không trượt chân trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường thì bản thân đội ngũ khởi nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ tâm thế để có thể đứng vững” – ông Liêm bộc bạch.
Dưới góc độ của VCCI, khuyến nghị trước thực trạng khởi nghiệp hiện nay, Ts. Lương Minh Huân cho rằng cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc ổn định kinh tế vĩ mô, gỡ bỏ các rào cản, nhằm xây dựng lại lòng tin cho người làm kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
Vấn đề thứ hai, theo Ts. Lương Minh Huân, là cần cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và phát triển kinh doanh ở Việt Nam. Điều đó đòi hỏi cần có cơ chế khuyến khích phát triển các mô hình tư nhân về quỹ khởi nghiệp cũng như tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ kinh doanh.
Mặt khác, cần khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp, kết thúc giai đoạn khởi nghiệp một cách nhanh chóng. Tiếp tục cải cách hành chính trong lĩnh vực đăng ký DN, hỗ trợ các DN mới thành lập một cách có hiệu quả.
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng cần hoàn thiện mạng lưới các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thông qua phát triển các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân, các hiệp hội DN. Đồng thời, cần tăng cường cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan tới cam kết hội nhập để các hoạt động khởi nghiệp có định hướng quốc tế cao hơn.
Vấn đề không thể thiếu chính là yêu cầu công khai minh bạch, nhanh chóng và kịp thời các nội dung cam kết FTAt tới người dân, DN. Thiết lập các đầu mối có thẩm quyền trong việc hướng dẫn, giải thích nội dung các cam kết một cách chính thức cho người khởi nghiệp và các DN.
Thế Vinh