Với kim ngạch xuất khẩu (XK) luôn tăng trưởng cao trong những năm gần đây, nhiều ngành hàng Việt Nam đã xác lập được vị thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, đây đều là những nhóm ngành thâm dụng lao động cao, có giá trị gia tăng thấp. XK của Việt Nam đang đứng trước thách thức không nhỏ trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng để hướng tới một hoạt động XK bền vững, hiệu quả.
Tuần trước, Bộ Công Thương đã công bố danh sách 294 doanh nghiệp (DN) dự kiến sẽ nhận được danh hiệu “DN XK uy tín năm 2011” - chương trình có quy mô, tôn vinh những DN XK làm ăn có hiệu quả nhất trong cả nước. Tuy nhiên, có một điều đáng buồn là trong số này, chỉ có 3 DN đạt doanh thu XK trên 500 triệu USD/năm.
Tăng “lượng”, chưa đạt “chất”
Theo Bộ Công Thương, nhịp độ tăng trưởng kim ngạch XK bình quân hàng năm giai đoạn 2001 - 2010 luôn ở mức cao, khoảng 19%/năm. Quy mô XK tăng từ 15 tỷ USD năm 2001 lên 72,19 tỷ USD năm 2010, tăng hơn 4,7 lần. Tỷ trọng kim ngạch XK trên GDP tăng từ 46% năm 2001 lên 70% năm 2010. Năm 2004, Việt Nam có 6 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, thì nay đã có 24 nhóm hàng. Hàng hóa XK của Việt Nam đã có mặt tại 220 thị trường. Đặc biệt, trong năm 2011, mặc dù trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, nhưng Việt Nam đã đạt kim ngạch XK 96,3 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2010.
Tuy nhiên, những ngành hàng có thế mạnh cạnh tranh của Việt Nam lại chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng hóa cơ bản, như: dầu mỏ, khoáng sản, nông sản, dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ và điện tử. Theo Bộ Công Thương, đây đều là những ngành thâm dụng lao động cao, nhưng về xu thế không còn tăng trưởng nhanh trên thế giới, đồng thời rất dễ bị ảnh hưởng bởi việc hạ thấp chi phí từ các đối thủ mới có chi phí lao động thấp. Thực tế, trong danh sách DN XK uy tín của Việt Nam, những DN có thế mạnh nhất đều tập trung vào các ngành hàng: gạo, cà phê, dệt may, thủy sản…
Các thị trường chính của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN (chiếm tỷ trọng tới 70% trong tổng giao dịch thương mại với Việt Nam). Trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại với Mỹ, EU; thâm hụt và nhập siêu nghiêm trọng từ Trung Quốc và ASEAN. Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý là trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc và ASEAN, không chỉ có nguyên phụ liệu mà còn là công nghệ sản xuất.
Như vậy, Việt Nam đang NK công nghệ lạc hậu và cũ kỹ của thế giới, nên khó có thể tăng năng suất để nâng giá trị gia tăng. Do đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra: trong tương lai gần, Việt Nam khó có thể chuyển đổi năng lực công nghệ để nâng lên mức cao hơn trong thang giá trị gia tăng toàn cầu. Còn khi kinh tế gặp khủng hoảng, DN XK sẽ dễ bị tổn thương do quá phụ thuộc vào những thị trường trên.
Đắng phận “gia công”
Tại buổi họp công bố các DN đạt danh hiệu “DN XK uy tín năm 2011”, ông Trần Thanh Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Xuất NK (Bộ Công Thương), thừa nhận mặc dù kim ngạch XK liên tục tăng trưởng “ấn tượng” trong những năm gần đây, nhưng tên tuổi và thương hiệu của các DN XK của Việt Nam lại chưa được chú ý đến. Thậm chí, một số thương hiệu lớn của Việt Nam được ông Hải nhắc đến như Biti’s, Trung Nguyên… mặc dù đã đẩy mạnh XK ra nước ngoài, nhưng “vẫn chưa gây được hiệu ứng gì đối với nhà NK thế giới và chỉ có tiếng ở thị trường nội địa”.
Nghịch lý của XK, theo ông Hải, hiện nhiều ngành có kim ngạch XK cao với hàng tỷ USD như dệt may, da giày, thủy sản…, nhưng giá trị thấp do chủ yếu gia công. Nói cách khác, không ít DN XK của Việt Nam chấp nhận phận “làm thuê” cho nước ngoài. Như vậy, giá trị hàng hóa XK mặc dù vẫn được tính vào lượng hàng xuất đi của Việt Nam, nhưng thực chất là xuất hộ cho các nhà XK nước ngoài.
Khu vực nông lâm, thủy sản luôn đạt giá trị xuất siêu, nhưng chủ yếu xuất thô, trong khi khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ luôn nhập siêu do phụ thuộc quá nhiều vào việc NK nguyên phụ liệu và sản phẩm phụ trợ. Do lệ thuộc vào sản phẩm đầu vào từ nước ngoài, Việt Nam không có quyền tác động đến mức giá và khối lượng đầu vào từ nguồn cung.
Cũng theo một điều tra từ Bộ Công Thương về các yếu tố tác động đến XK của Việt Nam, 48,9% DN XK gặp khó khăn do thiếu vốn; 43,7% DN gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào; 59,75% do yêu cầu thị trường phức tạp và các yếu tố liên quan đến chi phí vận chuyển phân phối, lưu trữ cao, đặc biệt là chi phí “bôi trơn” trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Với đa số DN thiếu vốn và bị phụ thuộc và nguyên liệu đầu vào, việc đẩy mạnh đầu tư lớn sẽ là thách thức không nhỏ cho DN XK Việt Nam để nâng cao khả năng cạnh tranh. Do đó, theo Bộ Công Thương, để phát triển XK dài hạn, cần có chiến lược tái cấu trúc cơ cấu từng ngành sản xuất, thực hiện chiến lược NK đúng đắn. Theo đó, mô hình tăng trưởng hướng vào XK cần tăng hàm lượng công nghệ của khu vực XK, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ gắn với mạng lưới sản xuất và chuyển giao công nghệ toàn cầu.
Cẩm An