Tháng 2/2017 vừa qua được cho là tháng Việt Nam nhập siêu “khủng”, đến 1,2 tỷ USD. Ngoài việc nhập khẩu các nguyên vật liệu, máy móc phục vụ cho sản xuất, điều đáng lo nhất hiện nay là việc nhập khẩu một số mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng (điển hình như thịt gà Mỹ) với mức giá rẻ đủ để người nông dân, doanh nghiệp (DN) nội điêu đứng.
Thống kê cho thấy, trong tháng 1/2017, Việt Nam nhập khẩu 7.063 tấn thịt gà, trị giá hơn 6,2 triệu USD (khoảng 20.000 đồng/kg). Sang tới đầu tháng 3, đến người nông dân cũng phải “sốc” khi biết giá nhập khẩu thịt gà Mỹ về cảng Việt Nam chỉ khoảng 0,3 – 0,4 USD, tương đương 7.000 – 9.000 đồng/kg.
Nhập cái ta có
Nhận thấy triển vọng của thị trường thực phẩm Việt Nam nên mới đây, một phái đoàn DN của châu Âu đã đến Tp.HCM và Hà Nội để khảo sát thị trường nhằm thâm nhập sâu hơn.
Điều này là có cơ sở khi theo Liên minh các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành thịt châu Âu (UPEMI), ba năm qua, sản lượng thịt của châu Âu xuất vào Việt Nam tăng 7,5 lần. Hiện có khoảng 100 DN châu Âu được cấp phép xuất khẩu thịt vào Việt Nam, riêng Ba Lan có đến 45 DN.
Có một thực tế không thể phủ nhận là thịt ngoại đang có xu hướng “làm mưa làm gió” tại các thị trường Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn, từ các loại gà Mỹ bình dân cho đến phân khúc cao cấp như thịt bò Úc hoặc các loại thịt từ châu Âu, Nhật Bản.
Ở một diễn biến khác, thông tin vừa được công bố từ Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2017, Việt Nam sẽ nhập khẩu 50.051 tá trứng (bao gồm trứng gà, vịt, ngan và loại khác) và 102.000 tấn muối theo hạn ngạch thuế quan. Thời gian nhập từ ngày 17/4 đến hết ngày 31/12.
Mặt hàng đường nhập khẩu cũng đáng quan tâm khi vừa qua Bộ Công Thương đã chính thức đề nghị Chính phủ tiếp tục cho thực hiện đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017. Theo đó, chủng loại đường nhập khẩu đấu giá theo hạn ngạch năm 2017 vẫn giữ như năm 2016 (85.000 tấn đường).
Ngoài ra, việc nhập khẩu rau củ quả cũng đáng bàn khi Việt Nam bỏ ra khoảng 1 tỷ USD để nhập trong năm 2016. Thái Lan, Trung Quốc là hai thị trường lớn nhất cung cấp rau củ quả cho Việt Nam.
Nhìn vào diễn biến nhập các mặt hàng vốn khá gần gũi này, nhiều người đã mỉa mai rằng ở một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, việc nhập khẩu số lượng lớn các mặt hàng muối, đường, trứng, thịt, rau củ quả… đúng là chuyện nực cười, khó tin nhưng có thật, đặc biệt khi người nông dân như “chết đứng” vì loay hoay không có đầu ra.
![]() |
Năm 2017, Việt Nam sẽ nhập 102.000 tấn muối theo hạn ngạch dù lượng muối tồn năm 2016 còn khoảng 542.000 tấn
Lỗi tại ai?
Trong cơ cấu mặt hàng nhập khẩu năm 2016, theo số liệu của Bộ Công Thương, nhóm hàng tiêu dùng đạt 15,4 tỷ USD, tăng 6,8% và chiếm 8,9% (tăng 0,2 điểm phần trăm).
Điều mà Bộ Công Thương lo ngại chính là gia tăng cạnh tranh đối với các DN trong nước do sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước vì giá thành rẻ hơn, chất lượng và mẫu mã đa dạng, cũng như sự gia tăng của các nhà cung cấp nước ngoài từ mở cửa thị trường dịch vụ.
Thực tế, các DN FDI chiếm khoảng 17% thị phần bán lẻ qua trung tâm thương mại, siêu thị; khoảng 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi; khoảng 15% thị phần từ phương thức bán hàng qua siêu thị mini; và khoảng 50% thị phần bán lẻ không thông qua cửa hàng (bán hàng trực tuyến qua Internet, truyền hình, điện thoại,…). Đây cũng là nguyên nhân lý giải cho lượng thịt, rau củ quả ngoại hay các mặt hàng tiêu dùng ngoại được nhập khẩu mạnh trong thời gian qua.
Đối với sản phẩm muối, nghịch lý nằm ở chỗ lượng muối tồn còn rất nhiều nhưng vẫn nhập khẩu. Năm 2016, sản lượng muối của Việt Nam tiếp tục đạt cao vào gần 1,33 triệu tấn. Trong đó, muối sản xuất công nghiệp đạt khoảng 378.745 tấn, còn muối sản xuất thủ công là gần 947.867 tấn. Do hai năm liên tiếp được mùa muối (2015 và 2016) nên lượng muối tồn trong diêm dân và DN sản xuất, chế biến vào khoảng 542.000 tấn, tăng 11% so với năm 2015.
Đối với sản phẩm đường, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tính đến giữa tháng 2/2017, lượng đường tồn kho tại các nhà máy trong nước là 333.854 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 120.588 tấn.
Tựu trung, những mặt hàng nhập khẩu này đa phần thuộc về lĩnh vực nông nghiệp mà Việt Nam đang ê hề vì tồn kho, giá rẻ. Người nông dân cùng những DN nội kinh doanh trong lĩnh vực này đang đối mặt với nguy cơ phá sản từ hàng ngoại giá rẻ.
Trong một nhận định gần đây về nền nông nghiệp Việt Nam, giới chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới (WB) đặt vấn đề, cho tới thời điểm cách đây hai năm, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp vẫn cao hơn nhập khẩu. Xu thế này có duy trì được hay không còn tùy thuộc vào khả năng duy trì năng lực cạnh tranh, bổ sung giá trị gia tăng trong các ngành xuất khẩu.
Riêng với chuyện nhập từ muối, đường, trứng đến thịt gà như hiện nay, câu hỏi được đặt ra là vai trò của cơ quan quản lý ở đâu để bảo vệ người nông dân và DN nông nghiệp khi việc thiết lập các hàng rào thương mại từ hàng nhập khẩu đã cho thấy không hiệu quả.
Nhận định mới đây của Ts. Trần Toàn Thắng, Phó Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), có thể là một phần câu trả lời cho chuyện này.
Theo ông Thắng, Việt Nam, với một nền kinh tế kế hoạch hóa chuyển đổi, hệ quả đã quá rõ khi dựng lên những “hàng rào thương mại” khá nhiều và “thô” so với các nước khác, chẳng hạn như quota nhập khẩu.
Thực tế, như lời Ts.Trần Toàn Thắng, dù các nước có “mở” khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, họ vẫn có những chính sách để bảo hộ nền sản xuất trong nước. Trong khi đó, Việt Nam tuy nói là “mở” nhưng vẫn chưa thực sự thay đổi được sự bảo hộ đối với một số ngành trong nước.
Thế Vinh