Việt Nam đang sở hữu hơn 5.000 điểm mỏ của 60 loại khoáng sản và hàng nghìn doanh nghiệp khai khoáng. Có những thời điểm, ngành khoáng sản Việt Nam phát triển bùng nổ, tăng trưởng nhanh chóng về mặt quy mô. Hiện, cả nước có hơn 4.200 giấy phép do địa phương cấp và hơn 500 giấy phép do Bộ TN&MT cấp.
Thuế tài nguyên được quy định cao nhưng thực tế con số thu được lại rất thấp, do nhiều DN có xu hướng kê khai sản lượng khai thác thấp đi để tránh thuế.
Bùng nổ hoạt động khai thác
Số lượng các DN hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng cũng tăng lên nhanh chóng, đạt 2.545 DN năm 2011. Việc cấp phép ồ ạt cùng với số lượng lớn các doanh nghiệp đã dẫn đến tình trạng không thể quản lý hoặc quản lý kém các hoạt động khai thác khoáng sản.
Bên cạnh đó, các vấn đề quản lý và ổn định nguồn thu từ công nghiệp khai khoáng trong điều kiện nguồn tài nguyên khoáng sản dần cạn kiệt cũng là những thách thức mà Việt Nam đang đối mặt.
Số liệu của Bộ TN&MT được công bố tại hội thảo “Quản trị ngành công nghiệp khai thác ở Việt Nam: thách thức và nhu cầu cải cách” diễn ra tại Hà Nội ngày 3/12 cho thấy, Việt Nam đã khai thác 42,6 triệu tấn than, 3 triệu tấn quặng sắt, 3 triệu tấn Appatite, 193.000 tấn Mangan và nhiều loại khoáng sản khác với sản lượng lớn vào năm 2013.
Đáng chú ý là các doanh nghiệp khai khoáng được khai thác với quy mô lớn nhưng đóng góp ngân sách từ ngành khoáng sản lại rất hạn chế. Năm 2010, doanh thu của các doanh nghiệp khai khoáng là hơn 331.000 tỷ đồng nhưng chỉ đóng góp cho ngân sách khoảng hơn 35.700 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Tú, chuyên gia Tổ chức Oxfam, cho biết theo tính toán từ số liệu thống kê của Bộ tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí chỉ đạt 0,9-1,1% tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2011-2013. Khai khoáng là một trong những ngành rủi ro thất thu ngân sách cao, chủ yếu là do khai thác trái phép, XK trái phép và quản lý thuế không hiệu quả.
Ts Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế dẫn chứng, số liệu thống kê kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc khoảng 15 tỷ USD, nhưng Trung Quốc lại đưa ra thống kê con số này là 20 tỷ USD mà phần lớn là khoáng sản vì các hàng hóa khác đều có sổ sách thống kê đầy đủ . Như vậy, có độ chênh 5 tỷ USD đi đâu, Việt Nam không lý giải được, cho thấy con số thất thu ngân sách nhà nước từ lĩnh vực khai khoáng tương đối lớn.
Các chuyên gia cho rằng một trong những bất cập dẫn tới quản lý khai thác khoáng sản tại Việt Nam kém hiệu quả là do hệ thống quản lý của nước ta hiện nay quá phức tạp, chồng chéo giữa các đơn vị.
Hiện tại, có 3 cơ quan chính phủ cùng tham gia quản lý tài nguyên khoáng sản: Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương. Trong đó, các đơn vị bên dưới Bộ Công Thương là những tập đoàn, tổng công ty lớn phụ trách việc khai thác, sản xuất và tiêu thụ khoáng sản như: Tập đoàn Than và Khoáng sản, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng Công ty xi măng… với lợi ích từng bên khác nhau.
Cấp phép theo cơ chế xin-cho
Theo ông Nguyễn Quang Tú, năm 2012 Bộ TN&MT đã kiểm tra 957 giấy phép khoáng sản do địa phương cấp. Kết quả cho thấy 50% giấy phép được cấp không đúng với quy định pháp luật.
Gs. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng cơ chế xin - cho còn tồn tại trong lĩnh vực cấp phép hoạt động khoáng sản, còn nhiều tồn tại, mang tính lợi ích, ảnh hưởng quan hệ quen bết, rủi ro tham nhũng rất lớn.
Bên cạnh bất cập trong cấp phép khai thác khoáng sản, cơ chế giám sát việc thực thi pháp luật ở Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, nhiều lỏng lẻo. Tình trạng khai thác trái phép và XK trái phép vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương trong khi đó, chưa có cơ chế để giám sát hiệu quả lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước và thất thoát tài nguyên khoáng sản.
Chẳng hạn, ở một số địa phương như Phú Yên, số thu thuế tài nguyên từ khai thác khoáng sản chỉ đạt khoảng 4-5 tỷ đồng dù số lượng giấy phép còn hiệu lực lên đến 200 giấy phép. Số thu này không đủ bù đắp các chi phí quản lý nhà nước về hoat động khoáng sản trong khi đó, các doanh nghiệp khoáng sản lại đánh giá thuế suất hiện nay đối với khai thác khoáng sản là khá cao so với thế giới.
Ngoài ra, hiện tượng các doanh nghiệp khai báo không đúng sản lượng khai thác, nợ đọng thuế đang diễn ra khá phổ biến, làm thất thoát tài nguyên và nguồn thu cho ngân sách.
Trường hợp gần đây là hai công ty khai thác vàng Bồng Miêu và Phước Sơn thuộc Tập đoàn Bersa Việt Nam nợ đọng thuế, mặc dù đã khai thác được hơn 700 tấn vàng. Công ty TNHH Vàng Bồng Miêu nợ hơn 56 tỷ đồng, công ty TNHH Vàng Phước Sơn nợ hơn 258 tỷ đồng tiền thuế và tiền phạt chậm nộp thuế.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, nhận xét nếu cứ để cho doanh nghiệp tự kê khai, tự nộp thuế không có sự giám sát chặt chẽ sẽ dễ dẫn đến thất thu.
Theo các chuyên gia, thế giới hiện nay có nhiều sáng kiến nhằm hạn chế thất thu ngân sách và quản lý hiệu quả hơn tài nguyên khoáng sản, trong đó sáng kiến minh bạch công nghiệp khai thác EITI được coi là một trong những sáng kiến hiệu quả nhất.
Thực tế, Nigieria đã tránh thất thu được 1 tỷ USD mỗi năm trong lĩnh vực khai khoáng nhờ thực hiện sáng kiến này. Tính đến thời điểm hiện tại có 49 quốc gia đã thực thi EITI, trong đó có nhiều quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Nauy.
Để quản lý khai thác khoáng sản bền vững, Việt Nam cần sớm cam kết thực thi EITI. Việt Nam đã tiếp cận EITI từ năm 2006 và Bộ Công Thương được giao là cơ quan chủ trì xem xét thực thi sáng kiến này. Tuy nhiên, sau gần 10 năm xem xét Việt Nam vẫn chưa cam kết thực thi dù nhu cầu cần cải cách lĩnh vực khoáng sản hiện nay là rất lớn.
Thu Hường