Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 29.500 trang trại sản xuất nông sản, thực phẩm, trong đó có 10.974 trang trại chăn nuôi (chiếm 37,20%), 5.268 trang trại nuôi trồng thuỷ sản và gần 9.000 trang trại trồng trọt. Ngoài ra, còn có 741 công ty chế biến thực phẩm.
Trong số này, theo Cục Trồng trọt, có 1.585 cơ sở đạt GAP. Một trang web của một tổ chức chứng nhận đã cấp 3.500 chứng chỉ VietGap. Về phía Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xác nhận có 1.817 công ty đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh.
Thiếu kênh phân phối
Về phía cầu, theo khảo sát gần đây cho thấy có đến 95% giới tiêu dùng Việt Nam hiện nay đang rất quan ngại về an toàn thực phẩm và họ rất muốn được cung cấp một nguồn nông sản, thực phẩm sạch. Tuy vậy, một cuộc thăm dò cho thấy có đến 56% người tiêu dùng đang đi tìm yếu tố minh bạch trong nguồn cung nông sản, thực phẩm sạch.
Theo nhận định của Ts Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (FTA), hiện nay, chúng ta có nhiều mô hình, doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm an toàn được ngành chức năng chứng nhận, tuy nhiên người tiêu dùng vẫn thiếu thông tin. Do người tiêu dùng thiếu thông tin nên các sản phẩm an toàn rất khó tiêu thụ, ảnh hưởng ngược lại tới sản xuất.
Và đây cũng là một thực trạng khó khăn chung hiện nay khi việc tiêu thụ nông sản ở những mô hình nuôi trồng, sản xuất theo hướng an toàn theo GAP hoặc tiêu chuẩn VietGAP ở các tỉnh, thành phía Nam vẫn gặp khó khăn không ít về đầu ra.
Nguyên nhân chủ yếu do các đơn vị sản xuất chưa liên kết được với đơn vị tiêu thụ. Còn đơn vị tiêu thụ thì lâu nay chỉ lo tập trung cung ứng cho các công ty, siêu thị hay xuất khẩu với số lượng có giới hạn mà quên đi thị trường bán lẻ ở nông thôn.
Thông tin hồi đầu tháng 6/2016 về việc công CP và thương mại Viễn Phú (sở hữu thương hiệu HoaSuaFoods, doanh nghiệp tiên phong ở Việt Nam canh tác lúa gạo theo mô hình nông nghiệp hữu cơ) thông báo bán, chuyển nhượng 320 héc ta đất và dự án nông nghiệp hữu cơ tại Cà Mau đã cho thấy một một phần nguyên nhân do khó khăn đầu ra và thiếu các chính sách hỗ trợ.
Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại về tương lai của nông nghiệp hữu cơ (một dạng điển hình của thực phẩm sạch) nếu như cung và cầu vẫn chưa gặp nhau.
Nói về việc tiêu thụ nông sản, thực phẩm sạch hiện nay, Ts Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng có một thực tế là chỉ một mình DN sản xuất thì không thể đưa thực phẩm an toàn vào các chuỗi phân phối và đến tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý.
Theo bà Nga, các kênh phân phối chính là điều kiện sống còn của mặt hàng này. Các nhà sản xuất cũng có thể tự hình thành kênh phân phối cho riêng mình nhưng như vậy thì chi phí sẽ rất cao, mất nhiều thời gian xây dựng thương hiệu, uy tín với người tiêu dùng và giá thành sẽ cao.
Chính vì vậy, cần thiết phải có sự kết nối giữa nhà sản xuất với nhà phân phối để giúp hoạt động SXKD thực phẩm an toàn có hiệu quả, vừa giúp người tiêu dùng được tiêu dùng các sản phẩm nông sản an toàn.
![]() |
Việc kết nối các kênh phân phối chính là điều kiện sống còn của mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch
Sàng lọc trước khi kết nối
Trước những khó khăn đầu ra như vậy, để hỗ trợ các nhà sản xuất nông nghiệp sạch, mới đây Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC) đã tổ chức gặp gỡ trên 20 nhà phân phối, gồm các DN lớn có hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm.
Cụ thể như Saigon Co.op, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – SATRA, Vingroup, Lotte, BigC, Metro, công ty Lương thực Tp.HCM…; ban quản lý các chợ đầu mối nông sản thực phẩm (Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn); các công ty thu mua nông sản xuất khẩu (công ty Thái Bình, công ty Xúc tiến thương mại Toàn Cầu,…), các đơn vị kinh doanh nông sản – thực phẩm an toàn (chuỗi cửa hàng Organica, Viettraicay, B5….).
ITPC cho biết trước mắt đã cung cấp cho các nhà phân phối danh sách các đơn vị sản xuất của các địa phương có nhu cầu cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, các nhà phân phối đều nhấn mạnh yêu cầu các sở công thương, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn ở các tỉnh, thành ở khu vực Tây Nam bộ và Đông Nam bộ cùng với ITPC có bước sàng lọc các đơn vị sản xuất đăng ký kết nối đủ tiêu chuẩn theo tiêu chí đã đưa ra.
Phía cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra các chứng nhận sản xuất theo các qui trình an toàn, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y trong qui trình nuôi và giết mổ…
Về phía các DN, cơ sở sản xuất (nhà cung cấp) tham gia vào kênh phân phối này phải đảm bảo về chất lượng sản phẩm. Đó là các chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn (GlobalGAp, VietGAP, HACCAP,..); có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; sản phẩm có nhãn mác, bao bì; thông tin về sản phẩm rõ ràng và nhiều yêu cầu khác.
Theo nhận định của Ts Lê Việt Nga, việc đảm bảo an toàn thực phẩm theo chuỗi đang được coi là xu hướng phát triển “bền vững”, nhất là tại các thành phố lớn.
Tuy nhiên, nhu cầu của các thành phố không chỉ về số lượng mà nhu cầu về chất lượng cũng cao. Do đó, để đảm bảo việc kết nối và xây dựng chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn trên phạm vi cả nước thì trước tiên phải đạt hiệu quả tại các thành phố lớn.
Thế Vinh