Phó Cục trưởng Cục Thuế Tp.HCM, ông Lê Xuân Dương, cho biết trong năm nay sẽ “nhắm” đến các doanh nghiệp (DN) chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng tài sản, thương hiệu, chuyển nhượng dự án để tập trung các chuyên đề thanh tra, kiểm tra thuế. Riêng khoảng 100 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá ở Tp.HCM cũng được “để mắt” đến trong năm 2016.
M&A để “né” hay trốn thuế ?
Theo ông Lê Xuân Dương, trong năm 2015, Cục Thuế Tp.HCM đã thanh, kiểm tra 18.001 DN với số thuế truy thu và phạt là 3.892 tỷ đồng, đưa nộp vào ngân sách hơn 1.857 tỷ đồng.
Các hoạt động này đa phần nhắm vào các DN có giao dịch liên kết, giao dịch đáng ngờ qua ngân hàng, DN có hoạt động chuyển nhượng vốn, DN khai lỗ và các DN khu chế xuất, khu công nghiệp có ưu đãi miễn, giảm thuế, các đơn vị giải thể…
Cục Thuế Tp.HCM cũng đã tiến hành thanh, kiểm tra tại 750 DN kinh doanh lỗ, có hoạt động giao dịch liên kết, dấu hiệu chuyển giá. Qua đó, đã phát hiện 553 DN vi phạm phải xử lý với số tiền đề nghị truy thu hơn 127 tỷ đồng, phạt 54,5 tỷ đồng và giảm lỗ 2.582 tỷ đồng, giảm khấu trừ hơn 24 tỷ đồng.
Theo nhận định, việc né tránh thuế trong hoạt động M&A ở Tp.HCM là rất đáng lưu tâm, được bàn cãi về khung pháp lý trong nhiều năm nay. Có một thực tế là do thủ tục chuyển nhượng vốn đơn giản hơn nhiều so với việc bán tài sản, nên một số DN đã và đang lựa chọn phương án này để tối đa hóa lợi nhuận và né thuế.
Thực tế, vấn đề M&A để trốn thuế đang là hiện tượng phổ biến ở nhiều quốc gia khi các DN muốn giảm bớt một phần thuế. Nhất là những DN thua lỗ có xu hướng sáp nhập với các DN đang làm ăn có lãi.
Một chuyên gia về luật từng đưa ra trường hợp phổ biến sau: Chẳng hạn công ty A đang làm ăn có lãi, đáng lẽ phải đóng một khoản thuế cho Nhà nước, nhưng nhờ việc mua lại công ty B (đang làm ăn thua lỗ) thì sau khi M&A các khoản lỗ của B sẽ được hợp nhất vào A thành một chủ thể của nghĩa vụ tài chính để hạn chế đóng các khoản thuế cho Nhà nước. Như vậy, ngành thuế có phải thanh, kiểm tra về cách trốn thuế hay không ? Mặt khác, theo giới chuyên gia, trong việc chuyển nhượng vốn, một số DN thỏa thuận với nhau bằng hợp đồng, sau đó làm các thủ tục thay đổi tên các thành viên trong giấy đăng ký kinh doanh.
Có không ít DN hoạt động M&A không khai báo nộp thuế cho cơ quan thuế. Các bên liên quan chỉ làm thủ tục đăng ký thay đổi tên của người đại diện trước pháp luật, tên của các thành viên và tỷ lệ góp vốn không thay đổi như chưa bao giờ xảy ra việc chuyển nhượng.
![]() |
Việc né tránh thuế thông qua hoạt động M&A rất đáng lưu tâm
Siết kẽ hở gian lận thuế
Trước đây, do pháp luật còn thiếu chặt chẽ, trong quy định cơ quan cấp phép chỉ làm thủ tục thay đổi thành viên góp vốn khi tổ chức, cá nhân đã hoàn thành nghĩa vụ thuế, và chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan cấp phép. Cho nên ngành thuế chưa thu được đầy đủ các khoản thuế phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng vốn.
Có một điểm chung là khi cơ quan thuế thanh, kiểm tra về chuyển nhượng vốn, các DNđều trì hoãn việc cung cấp hồ sơ, giải trình số liệu cũng như cung cấp dữ liệu về chuyển nhượng vốn giữa các thành viên trong công ty.
Nhưng ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng việc DN tìm cách có lợi nhất trong đóng thuế thu nhập qua các giao dịch chuyển nhượng vốn của các thương vụ M&A. Bởi vì, trong một giao dịch M&A, có hai mức tính thuế, và các doanh nghiệp có thể hoàn toàn chủ động lựa chọn cách thức có lợi nhất. Không loại trừ có những trường hợp “lách luật” để trốn thuế, nhưng phần lớn đều tìm cách tính có lợi nhất.
Không những vậy, M&A còn giúp các công ty tiết kiệm được một phần thuế nên họ tiến hành M&A với một công ty đang ở trong tình trạng thua lỗ.
Một thực tế khác nữa, đó là các đại gia FDI về bán lẻ, sau thời gian ăn nên làm ra ở Tp.HCM, lại tự “bán mình thu tiền”, dù trước đó đã khai báo lỗ, dính tai tiếng về chuyển giá. Từ đó cho thấy những đồng thuế ít ỏi mà họ nộp chẳng nhằm nhò gì so với những món lợi kếch xù mà họ thu được từ thương vụ M&A khủng.
Trường hợp Tập đoàn Metro mới chính thức hoàn tất mọi thủ tục chuyển giao thương vụ M&A (trị giá thương vụ là 879 triệu USD) cho Tập đoàn TCC (Thái Lan) là một ví dụ điển hình.
Theo dự báo mới đây của hãng Bloomberg, hoạt động M&A của Việt Nam sẽ tăng kỷ lục trong năm 2016, bởi các nhà đầu tư ngoại rất quan tâm đến lĩnh vực tiêu dùng vốn đang phát triển rất nhanh.
Nhưng rõ ràng với ngành thuế, trước thực trạng né tránh thuế như hiện nay từ các hoạt động chuyển nhượng vốn thì với xu hướng tăng M&A sẽ là một thách thức lớn cho lực lượng thanh, kiểm tra thuế.
Chính vì vậy, việc xây dựng khung pháp lý về M&A, về thuế mặc dù sẽ thông thoáng nhưng cần tránh những kẽ hở để lách thuế, trốn thuế trong lúc này. Nhất là các vấn đề quản lý nghĩa vụ tài chính của các DN thực hiện các thương vụ chuyển nhượng vốn
Thế Vinh