Theo dự báo của các chuyên gia, hiện ngành nhựa trong nước đang có mức tăng trưởng hấp dẫn 20% – 25%/năm, với mức tiêu thụ bình quân trên đầu người tăng nhanh qua các năm. Năm 2010 là 30kg/người và năm 2013 là 35kg/người, đến năm 2020 sẽ tăng lên 45kg. Hẳn các DN trong nước cũng đã nhìn ra tiềm năng này, nhưng làm sao để chiếm thị trường lại là điều không dễ dàng
Liên kết, hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất
Ngành nhựa gia dụng Việt Nam đã và đang chứng kiến sự đổ bộ của nhiều đối thủ ngoại từ phân khúc cao cấp đến trung bình. Ưu điểm công nghệ hiện đại, mẫu mã đa dạng, khối ngoại đang vượt lên trên trong cuộc đua này.
Không chỉ đầu tư trực tiếp, thông qua M&A, khối ngoại đang dần thâu tóm thị trường. Vậy với khoảng 80% DN nhỏ và siêu nhỏ, liệu DN nội có trụ được trước làn sóng đầu tư ồ ạt của DN ngoại, đây là mối lo ngại của nhiều chuyên gia lẫn cộng đồng DN.
Thực tế, thời gian gần đây, các DN nội đang có những nỗ lực đáp trả. Đã có một vài thương vụ M&A đình đám, điển hình như thương vụ công ty Nhựa Đồng Nai (DNP) vừa hoàn tất tiến trình thâu tóm công ty Nhựa Tân Phú (TPP). Có mặt trên thị trường đã lâu, với thế mạnh là sản phẩm bao bì công nghiệp, túi nhựa lưới PE, phụ tùng cho xe máy, đặc biệt là sản phẩm két nhựa đầu tiên trên thị trường cung cấp cho các hãng bia, nước giải khát được thị trường đón nhận, tăng trưởng doanh thu đều đặn hằng năm, Tân Phú đạt mốc 600 tỷ đồng vào năm 2013, chạm mốc gần 900 tỷ đồng trong năm 2015, một con số ấn tượng trong thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
![]() |
Ngành nhựa trong nước đang có mức tăng trưởng hấp dẫn 20% – 25%/năm
Trong khi đó, Nhựa Đồng Nai có thị phần lên đến 40% trong lĩnh vực cung cấp ống nhựa hạ tầng. Đồng Nai sở hữu mạng lưới khách hàng trải rộng trên cả nước và là nhà cung cấp chính hạ tầng ngành nước cho các công ty cấp nước, Vinaconex và kể cả các dự án nhiệt điện.
Doanh thu của Đồng Nai đã bắt đầu cán mốc 1.000 tỷ đồng và đạt được biên lợi nhuận (năm 2015 là 45 tỷ đồng) tương đương với các doanh nghiệp lớn cùng ngành như Tín Thành, Tân Tiến, Saplastic. Theo các chuyên gia ngành nhựa, việc sáp nhập để tạo ra một DN lớn về quy mô, đa dạng chủng loại sản phẩm, tận dụng các lợi thế của nhau để tạo ra mức giá cạnh tranh, được xem là bài toán chiến lược kinh doanh để gây sức ép trở lại với các đối thủ nước ngoài.
Không chỉ nở rộ thương vụ M&A, nhiều DN đã ký kết với các đối tác nước ngoài nhằm hỗ trợ công nghệ. Trước đây, các DN trong nước sử dụng nhiều máy móc Trung Quốc, nhưng nay, những sản phẩm máy móc có chất lượng khá tốt và giá thành hợp lý từ Đài Loan, Ấn Độ được DN trong nước quan tâm sử dụng nhiều hơn. Đáng chú ý, đã có nhiều DN đẩy mạnh đầu tư, nhập máy móc tiên tiến từ châu Âu.
Gần đây, Nhựa Rạng Đông đã ký kết hợp tác thương mại toàn diện với công ty Sojitz Pla-net (thuộc Tập đoàn Sojitz Nhật Bản) nhằm cung cấp sản phẩm như bao bì phức hợp, giả da, màng nhựa PE/EVA, nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp Nhật. Sojitz Pla-net sẽ tư vấn và chuyển giao cho Nhựa Rạng Đông các giải pháp về công nghệ, hệ thống quản lý và phát triển sản phẩm mới theo tiêu chuẩn Nhật Bản.
Khó tồn tại nếu không liên kết
Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo cơ hội phát triển cho ngành nhựa. Sức ép cạnh tranh đã khiến DN nhựa thấy “sức nóng phả ở sau” khi hàng ngày hàng hóa ASEAN đang phủ đầy kênh siêu thị lớn ở Tp.HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành.
Trong khi đó, các khó khăn của DN nội ngày càng rõ và gần như là một bài toán rất khó giải khi đầu vào khá cao, đầu ra khó, quy trình sản xuất lại không phải mạnh như các nước xung quanh.
Theo các chuyên gia, để gia tăng lợi thế cạnh tranh, nhiều DN Việt trong ngành nhựa đang làm rất tốt, xuất hiện một làn sóng mở rộng quy mô sản xuất của các DN Việt.
Cụ thể, công ty An Phát liên tục mở rộng và xây dựng thêm nhà máy đến con số 7, góp phần đưa tổng công suất lên hơn 77.000 tấn/năm. Nhựa Đông Á vừa mới đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất Profile, với 17 dây chuyền và trạm trộn tự động.
Theo Bộ Công Thương, nhiều DN nhựa Việt Nam đều nhập các công nghệ tiên tiến nhất của thế giới để sản xuất, tạo ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật. Các chuyên gia cho rằng DN nội chỉ có thể giữ vững thị trường thì họ cần sự đồng hành, liên kết của các DN khác. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ, con đường cho các DN sản xuất nhựa, đặc biệt DNNVV là tìm đối tác mạnh trong nước có hệ thống để liên kết, hỗ trợ công nghệ, phân phối, tiếp thị tốt nhằm nâng cao khả năng, đáp ứng nhu cầu trong nước… Từ đó, nhà sản xuất mới “đứng được”.
Đại diện các DN ngành nhựa cho biết, ngành nhựa Việt Nam đang tồn tại điểm yếu là nhập khẩu nguyên liệu quá nhiều. Việc phụ thuộc đến 80% nguyên liệu nhập khẩu sẽ khiến DN nội khó chủ động trong cạnh tranh, đặc biệt khi có những biến động tỷ giá. Nhiều DN trong nước tâm huyết muốn đầu tư có sản phẩm riêng, cao cấp, đối trọng với hàng ngoại, nhưng đường đi không dài do vốn mỏng.
Đại diện các DN này kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đầu tư nghiên cứu cho DN, hỗ trợ lãi vay khoản nghiên cứu 0% hoặc mức lãi suất thấp nhất có thể để DN mạnh dạn đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại. Nhìn sang nước bạn Thái Lan, các DN ở Thái hiện chỉ vay vốn với mức lãi suất 1%, thậm chí 0%, trong khi DN Việt Nam phải vay với mức 6-7%, thậm chí cao hơn, đương nhiên sức cạnh tranh sẽ bị yếu đi.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần có chính sách, cơ chế khuyến khích để huy động các nguồn lực xã hội tham gia khâu sản xuất nguyên liệu cho ngành nhựa. Bởi lẽ, ngoài tạo ra sản phẩm tiêu dùng trực tiếp, ngành nhựa còn giữ vai trò hỗ trợ sản xuất cho các ngành khác.
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam Nhà đầu tư Thái đang có trào lưu đổ vốn vào Việt Nam, trong đó tập trung nhiều vào ngành nhựa. Khi đến Việt Nam làm ăn, họ liên kết chặt chẽ với nhau, không chỉ tập trung sản phẩm đầu cuối mà còn sản xuất nguyên phụ liệu, khép kín từ đầu vào cho đến đầu ra, gây sức ép lớn đối với DN nội địa. Nhiều thương hiệu lớn trong ngành nhựa đã lần lượt về tay người nước ngoài, DN nào không bán thì phải cạnh tranh gay gắt và đứng trước nguy cơ thua thiệt, bị đẩy ra khỏi sân chơi hội nhập. Ts. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế ứng dụng Tp.HCM Việc Việt Nam tham gia vào hàng loạt hiệp định thương mại tự do cũng đem lại lợi thế không nhỏ cho các DN ngoại bởi họ sẽ tận dụng các ưu đãi đầu tư về đất đai, thuế và giá nguyên vật liệu, năng lượng, nhân công giá rẻ… để tiết kiệm chi phí nhằm đạt được mức giá tốt nhất. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao------------------------------- |
Thanh Hoa