Theo cuộc khảo sát mới đây của hãng Grant Thornton, y tế và dược phẩm được đánh giá là những ngành đứng top đầu trong thu hút vốn ngoại. Chỉ riêng lĩnh vực dược phẩm, mức chi tiêu tăng từ 92,5 nghìn tỷ đồng (4,2 tỷ USD) trong năm 2015 lên 105,6 nghìn tỷ đồng (4,7 tỷ USD) trong năm 2016.
“Sóng” FDI đổ bộ
Đánh giá về thị trường Việt Nam, đại diện Tập đoàn MSD nhấn mạnh, những thuận lợi nhờ việc thay đổi về chính sách đã mở ra cơ hội đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất dược phẩm phát minh, là một điểm đến thu hút đầu tư nhất trong số các quốc gia cạnh tranh trong khu vực.
“Có thể nói rằng với dân số lớn, trẻ, đầy khát vọng, cùng mức thu nhập và nhu cầu y tế chưa được đáp ứng đang gia tăng, Việt Nam trở thành một điểm thu hút đầu tư hấp dẫn. Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên phát triển ngành dược như một ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế và cam kết đầu tư tới 1,5 tỷ USD trong vòng 10 năm tới để tăng tỷ lệ sản phẩm dược sản xuất trong nước từ 50% lên 80% đến năm 2020”, đại diện Tập đoàn MSD cho biết.
Theo đó, MSD đang hợp tác với các nhà máy sản xuất dược phẩm trong nước, đặt mục tiêu tăng 25 – 30% mức đầu tư vào hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển trong vòng 5 năm tới.
Hay như công ty Sanofi Việt Nam, có mặt tại thị trường Việt Nam hơn 50 năm, cho đến nay đang chiếm hơn 3,5% thị phần, trở thành công ty đứng đầu thị trường dược Việt Nam, với tổng giá trị thị phần ước tính khoảng 3 tỷ Euro vào năm 2016.
Cùng với đó, rất nhiều DN dược từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu đang chọn cách gia nhập thị trường Việt Nam bằng con đường mua bán và sáp nhập. Nhờ vậy, nhiều DN dược có tên tuổi của Việt Nam đã từng bước thuộc sở hữu của các tập đoàn, công ty dược phẩm nước ngoài.
Tháng 8/2016, công ty Chăm sóc sức khỏe Toàn cầu Abbott (Hoa Kỳ) đã hoàn tất thương vụ mua lại công ty TNHH Dược phẩm Glomed. Theo đó, Abbott đã trở thành một trong 10 công ty dược phẩm hàng đầu tại Việt Nam.
Trước đó, tháng 7/2016, Taishi Pharmaceutial Holdings Co.Ltd (thuộc Tập đoàn Taisho Holdings, Nhật Bản) có thông báo về việc hoàn tất mua 24,5% cổ phần của công ty Dược Hậu Giang, một thương vụ nằm trong mục tiêu tăng cường đầu tư vào các thị trường toàn cầu, nhất là Đông Nam Á, của Taisho.
![]() |
“Cởi trói” thủ tục hành chính để hút vốn ngoại đầu tư vào ngành dược
Trước làn sóng đầu tư này, Tổ chức tư vấn QuintilesIMS nhận định, thị phần của các DN trong nước tại Việt Nam cao hơn so với mức bình quân tại các thị trường châu Á – Thái Bình Dương khác và các thị trường dược phẩm mới nổi nếu xét về số lượng, nhưng hơi thấp hơn nếu xét về giá trị. Cũng theo QuintilesIMS, Việt Nam hiện không theo đúng lộ trình để đạt được mục tiêu 80% giá trị thị trường là thuốc sản xuất trong nước và không đạt được tiến bộ nào hướng tới mục tiêu này trong những năm qua.
Nguyên nhân là vì năng lực sản xuất của các DN trong nước hiện chỉ giới hạn ở một số nhóm thuốc điều trị và các công thức bào chế khá phức tạp, còn lại đa số sản phẩm đều là thuốc nhập khẩu. Xuất khẩu thuốc của Việt Nam rất hạn chế, thấp hơn bất cứ quốc gia nào khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo QuintilesIMS, Việt Nam đang có cơ hội gia tăng sản xuất trong nước các sản phẩm có giá trị cao hơn, thông qua những cơ chế ưu đãi dành cho các công ty đa quốc gia nhằm khuyến khích họ đem những bí quyết và công nghệ mà Việt Nam đang thiếu.
Loay hoay chính sách
Theo đại diện Tập đoàn MSD, để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, cần có một môi trường thích hợp cho các tập đoàn dược phẩm phát minh dựa trên nghiên cứu. Môi trường đó cần đáp ứng tất cả những điều kiện tiên quyết cũng như giải quyết được những rào cản hiện tại về pháp lý và quy định thông qua các cuộc đối thoại liên tục và tái cơ cấu tổ chức.
Cụ thể, theo MSD, cần thiết lập khung pháp lý rõ ràng và nhất quán để hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ và đầu tư vào các DN dược trong nước, đồng thời lập cơ chế minh mạch và ưu đãi đối với thuốc sản xuất gia công trong đấu thầu…
Phía Tập đoàn Sanofi cũng cho biết, DN này đã có một thỏa thuận hợp tác lâu dài với đối tác Việt Nam là Tổng công ty Dược Việt nam (Vinapharm), cho phép Vinapharm tham gia góp vốn vào nhà máy công nghệ cao mới mà SANOFI vừa xây dựng tại Việt Nam nhằm mục đích dần dần chuyển đổi sản xuất hiện tại từ công ty liên doanh dược phẩm Sanofi-Synthelabo Việt Nam sang nhà máy mới ở khu công nghệ cao Tp.HCM.
“Tuy nhiên, quy trình xét duyệt dự án này về phía đối tác Việt Nam rất chậm trễ và phức tạp, làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện kế hoạch hợp tác giữa hai bên. Vì vậy chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan hữu quan nhằm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và cho phép Vinapharm sớm tham gia dự án của Sanofi”, Tập đoàn Sanofi kiến nghị.
Các DN kiến nghị rất cần một môi trường pháp lý và quy chế ổn định lâu dài, vì chỉ cần một thay đổi đột ngột trong quy chế có thể dẫn tới thất bại của toàn bộ dự án hoặc thay đổi dự định đầu tư.
Cụ thể, đó phải là một môi trường pháp lý rõ ràng về các vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, là thông điệp tích cực đối với các tập đoàn đa quốc gia và mở đường cho việc thu hút đầu tư sản xuất các thuốc phát minh tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thuốc phát minh trong khu vực.
Quyền nhập khẩu thuốc trực tiếp của các DN đầu tư nước ngoài đã được thảo thuận với WTO và được khẳng định trong các Hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia nhưng cho tới nay chưa được thực thi tại Việt Nam. Quyền này bao gồm việc thành lập các pháp nhân trực tiếp hoặc hợp đồng với bên thứ ba để thực hiện toàn bộ các hoạt động liên quan đến nhập khẩu theo những cam kết quốc tế.
Đáng chú ý, theo báo cáo của công ty Nghiên cứu thị trường IMS Health (Hoa Kỳ), Chính phủ Việt Nam cần xem xét và đưa ra định hướng về tỷ trọng mong muốn của các dược phẩm khác nhau trên thị trường Việt Nam, thay vì chỉ dừng lại ở chỉ tiêu tỷ trọng tổng thể của thuốc sản xuất trong nước, đồng thời thiết kế các chính sách đặc thù có thể đem lại tác động này.
Lê Thúy
Ông Chris Freund - Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Mekong Capital Ngành dược sẽ tiếp tục đà tăng trưởng 10 – 15%. Nhưng hiện nay, ngành này vẫn còn manh mún và các tiêu chuẩn quản lý còn khá ít. Do đó, cần có cơ hội cho các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các công ty dược, giúp họ xây dựng đội ngũ quản lý, hình thành quan hệ đối tác quốc tế và áp dụng nhiều phương thức tốt hơn. Ông Eric NG - Tổng Giám đốc Sanofi Việt Nam Nghị định mới ban hành ngày 5/5/2017 (Nghị Định số 54/2017) hướng dẫn thi hành Luật Dược có đưa ra nhiều giới hạn và điều kiện khó thực hiện quyền nhập khẩu của các DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Điều này làm hạn chế việc tiếp cận thị trường, tạo ra môi trường pháp lý không ổn định đối với các DN nước ngoài đã đầu tư tại Việt Nam và làm nản lòng các DN đang có ý định đầu tư. Nghị định cũng mở rộng khái niệm về phân phối, bao gồm cả những hoạt động kênh cung ứng thông thường như kho bãi, vận chuyển và nhận đơn hàng. Bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Tổng Giám đốc công ty Dược Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) Các Hiệp định thương mại tự do sẽ mang tới nhiều cơ hội cho DN Việt nhưng cũng kèm theo nhiều thách thức đòi hỏi DN trong nước phải liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, DN nước ngoài đang ngày càng xâm nhập sâu vào lĩnh vực thương mại, phân phối dược phẩm thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập các DN trong nước. |