Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch |
Trước thềm năm mới, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh về những khó khăn và giải pháp khắc phục của ngành du lịch trong năm 2021.
Thưa Phó Tổng cục trưởng, năm 2020 đánh dấu là năm ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất. Tuy nhiên qua hai đợt kích cầu mà Bộ Văn hoá Thể thao và du lịch (VHTTDL) phát động sau đại dịch Covid-19, ngành đã nhìn thấy cơ hội gì?
Ngay sau khi hai đợt dịch được kiểm soát ở Việt Nam, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ VHTTDL phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa vào đầu tháng 5/2020 với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và tiếp tục phát động giai đoạn 2 vào tháng 9/2020 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Chương trình kích cầu được phát động ở quy mô toàn quốc, mang lại hiệu quả rất thiết thực, theo đó:
Thứ nhất là phục hồi lượng khách nội địa: Các điểm đến đều ghi nhận nhu cầu khách tăng cao sau đợt giãn cách xã hội. Lượng khách nội địa tháng 7 tăng 16% so với cùng kỳ 2019. Công suất buồng phòng ở các cơ sở lưu trú cũng tăng từ 30-90%. Các hãng hàng không, tàu du lịch liên tục tăng chuyến, mở đường bay mới để phục vụ nhu cầu đi lại.
Thứ hai là sự tham gia tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và xu hướng hình thành các liên minh, liên kết phát triển du lịch. Các doanh nghiệp liên tục tung ra những sản phẩm và chương trình khuyến mại chất lượng. Chưa bao giờ người dân có thể được sử dụng các dịch vụ chất lượng cao cấp với giá cả như năm 2020.
Thứ ba là phát triển các sản phẩm mới: Dịch Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch, trong đó ưu tiên cho yếu tố an toàn, trải nghiệm thiên nhiên, sinh thái, đi nhóm nhỏ, thời gian ngắn, sử dụng công nghệ… Do vậy, các địa phương, doanh nghiệp đã chủ động phát triển các sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu của khách. Sự ra đời những sản phẩm mới đã mang lại nhiều lựa chọn cho du khách.
Do đại dịch Covid-19 ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề |
Được biết Tổng cục Du lịch đang đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin nhằm mục tiêu phát triển và kích cầu du lịch, nhất là trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa kiểm soát được trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng?
Đại dịch Covid-19 làm thay đổi sâu sắc nhu cầu và hành vi của khách du lịch. Ngày 10/10/2020, Tổng cục Du lịch đã cho ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” nhằm góp phần triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2.
Với ứng dụng này, khách du lịch có thể tra cứu thông tin về các điểm đến an toàn, đăng ký tham gia các chương trình du lịch an toàn. Đặc biệt, khách du lịch có thể gửi ý kiến đánh giá, phản hồi trên ứng dụng về chất lượng dịch vụ, giúp cơ quan quản lý có thể xử lý kịp thời nếu có vụ việc xảy ra.
Đây là công cụ rất tốt để bảo đảm an toàn cũng như quyền lợi của khách. Lần đầu tiên Tổng cục Du lịch phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức truyền thông sâu rộng để doanh nghiệp và khách du lịch cài đặt và sử dụng ứng dụng này.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổng cục đã triển khai kết nối liên thông dữ liệu về các cơ sở lưu trú đăng ký và đánh giá an toàn Covid-19 lên hệ thống của Ban chỉ đạo quốc gia.
Năm 2021, trước diễn biến đại dịch lại bùng phát lần thứ 3, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” để cùng lúc đạt hai mục tiêu kép: vửa trở thành công cụ đồng hành tin cậy của du khách, vừa góp phần bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu quả trong phòng chống dịch.
Chúng tôi cũng đang nỗ lực triển khai phát triển Đề án xây dựng Trung tâm điều hành du lịch với phần mềm điều hành thông minh, tích hợp các cơ sở dữ liệu, các dịch vụ công; xây dựng nền tảng ứng dụng Du lịch thông minh quốc gia; triển khai Cổng thông tin du lịch thông minh VTV Travel và Tổng đài Du lịch Việt Nam 1039; phát triển ứng dụng du lịch thông minh như hướng dẫn viên du lịch ảo, hỗ trợ du khách tham quan và tăng tính trải nghiệm tại điểm đến.
Vậy Tổng cục Du lịch đưa ra những kịch bản nào cho năm 2021 và đâu sẽ là trọng tâm đột phá, thưa ông?
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), ngành du lịch toàn cầu sẽ phục hồi từ quý III/2021. Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, trong đó Việt Nam cũng đã bùng phát lần thứ 3, việc kinh doanh lữ hành quốc tế trước mắt chưa thực hiện được. Do đó, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ VHTTDL dự báo 2 kịch bản thu hút khách du lịch trong năm 2021 như sau:
Kịch bản 1: Khách du lịch quốc tế 6 triệu lượt khách; Khách du lịch nội địa 80 triệu lượt khách; Tổng thu từ du lịch: 480.000 tỷ đồng.
Kịch bản 2: Khách du lịch quốc tế 0 lượt khách; Khách du lịch nội địa 80 triệu lượt khách; Tổng thu từ du lịch 337.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, toàn ngành du lịch tiếp tục theo dõi tình hình và đánh giá về diễn biến dịch Covid-19, thực hiện mục tiêu kép "vừa phát triển du lịch, vừa chống dịch", và chuẩn bị phương án phục hồi du lịch sau khi dịch bệnh được khống chế.
Đồng thời, Tổng Cục sẽ bám sát Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, cũng như lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để chủ động đưa ngành du lịch phát huy được những vận hội và thời cơ tăng trưởng, bứt phá!.
Theo phân tích sơ bộ từ số liệu thông qua công cụ Destination Insights của Google, nhu cầu tìm kiếm thông tin của khách du lịch nội địa về các điểm đến trong nước có xu hướng tăng trong 2 tháng qua (tính đến 27/1/2021), trước khi dịch Covid-19 lần thứ 3 tái bùng phát. Khách có xu hướng tìm kiếm những điểm đến gần hơn và đi bằng đường bộ. Tháng 1/2021, lượng khách du lịch nội địa đạt 7,5 triệu lượt, trong đó có 3,9 triệu lượt khách lưu trú tại cơ sở lưu trú du lịch, tăng 3,0% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, từ đêm ngày 27/1/2021, dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 3 ở Hải Dương, Quảng Ninh và lan ra một số tỉnh, thành. Diễn biến này một lần nữa ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch nội địa vốn đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại. |
Xin cảm ơn ông!
Phạm Minh thực hiệ
n