Đây là số liệu từ điều tra của Trung tâm Phát triển DN Công nghiệp hỗ trợ (SIDEC, 2016). Báo cáo này cũng cho biết, các nhà cung ứng cấp một cho ngành điện tử hầu hết là công ty FDI.
Phần lớn các DN FDI phải nhập khẩu linh phụ kiện từ các nước xung quanh hoặc trực tiếp từ Nhật Bản
Ngày 28/11, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương tổ chức hội thảo Liên kết trong phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam. Bà Vũ Thị Thanh Huyền, Giảng viên Đại học Thương mại, dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2012-2016 cho thấy, chỉ số tiêu thụ sản phẩm điện tử luôn đạt mức cao, đặc biệt tăng mạnh trong giai đoạn 2012-2013 và đạt mức tương đối ổn định trong đia đoạn 2014-2015. Năm 2016, mặc dù chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành điện tử giảm mạnh so với năm trước tuy nhiên vẫn lớn hơn chỉ số tiêu thụ sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung. Nhu cầu cao đối với các sản phẩm ngành điện tử sẽ là điện kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển CNHT ngành điện tử trong nước.
Tuy nhiên về cơ cấu sản phẩm ngành điện tử Việt Nam, theo bà Huyền, sản phẩm thuộc nhóm điện tử dân dụng chiếm đến 80%, chỉ 20% thuộc nhóm điện tử chuyên dụng, đồng thời tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm 20-30%.
Hầu hết các sản phẩm trên thị trường điện tử hiện nay đều là hàng nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp bằng các linh kiện nhập khẩu. Các DN sản xuất trong nước mới chỉ tham gia vào khâu hoàn thiện sản phẩm bằng việc làm các loại bao bì, sách hướng dẫn, linh kiện chi tiết nhựa mà chưa vươn tới các linh kiện quan trọng có giá trị gia tăng cao hơn. Trong số 80% sản phẩm điện tử dân dụng, vai trò tham gia thực sự của các DN trong nước rất mờ nhạt.
Đồng thời, bà Huyền đánh giá, sau hơn 30 năm phát triển, ngành điện tử Việt Nam vẫn trong tình trạng lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài. Các DN điện tử trong nước vẫn gần như chỉ khai thác sản hoàn phẩm cũ, lợi nhuận rất thấp và giá trị gia tăng chỉ ước tăng 5-10%/năm. Trong khi đó, các DN FDI trong ngành điện tử, điện máy đang đứng trước sức ép phải giảm chi phí linh phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm rtong nước.
"Do số DN hỗ trợ vẫn rất ít so với các DN lắp ráp, chất lượng linh phụ kiện chưa đảm bảo nên phần lớn các DN FDI phải nhập khẩu linh phụ kiện từ các nước xung quanh hoặc trực tiếp từ Nhật Bản", bà Huyền nói.
Cùng với đó đánh giá về quá trình phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, ông Cao Bảo Anh, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nhìn nhận, phát triển không có chiến lược dài hạn, thị trường điện tử Việt Nam mất cân đối nghiêm trọng. Sản phẩm có thị trường lớn và kinh doanh sôi động nhất nước ta hiện nay là các mặt hàng điện tử dân dụng như các thiết bị nghe nhìn, các phương tiện giải trí.
"Trong cơ cấu sản xuất, sản phẩm được được lắp ráp hoặc sản xuất tại Việt Nam, điện tử dân dụng chiếm khoảng 80% với số doanh thu chiếm khoảng 30% tổng doanh thu toàn ngành. Trong một thời gian dài ở Việt Nam đã có quá nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực này", ông Anh cho biết.
Lê Thuý