Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu ngành da giày năm 2014 đạt 10,3 tỷ USD, chiếm gần 7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy vậy, một thực tế đang diễn ra là miếng bánh xuất khẩu ngành hàng này phần lớn đang rơi vào tay các DN khối FDI, chủ yếu là các công ty đến từ Hàn Quốc và Đài Loan.
FDI đổ bộ và thâu tóm
Có thể kể tới Pouchen – một trong những tập đoàn sản xuất da giày lớn nhất thế giới có tổng doanh thu từ các công ty con hoạt động tại Việt Nam (Pouyuen, Pou Hung, Pouchen…) đạt trên 30 nghìn tỷ đồng năm 2014, tương đương 17% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Khoảng 40% sản phẩm của hãng hiện được gắn mác “Made in Vietnam”.
Đại diện của Pou Chen, ông Amos Ho, cho biết công ty đã từng bước chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam kể từ năm 2012 vì chi phí tiền lương và phúc lợi cho công nhân tại Trung Quốc đang tăng cao chóng mặt trong những năm gần đây. “Chúng tôi nhận thấy sự ổn định lâu dài ở Việt Nam, cả về kinh tế và chính trị”, ông Amos Ho chia sẻ.
FengTay, một trong những đối thủ lớn của Pouchen cũng thành lập 7 công ty con tại Việt Nam (Đông Phương Đồng Nai, Đông Phương Vũng Tàu, Uy Việt, Donna Standard…) với tổng doanh thu năm 2014 trên 10 nghìn tỷ đồng. Tương tự Pouchen, phần lớn sản lượng của FengTay cũng được sản xuất tại Việt Nam.
Theo đại diện Hiệp hội Da giày Quảng Đông (Trung Quốc), trong làn sóng nhiều thương hiệu lớn đổ vào Việt Nam, một số DN ở Trung Quốc cũng sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội, đầu tư vào ngành giày dép.
Bên cạnh đó, các DN có vốn Hàn Quốc cũng chiếm lĩnh thị phần khá lớn trong ngành da giày như Tae Kwang Vina (doanh thu 2014 đạt trên 9.700 tỷ đồng), Chang Shin (trên 9.300 tỷ đồng), Hwaseung Vina (hơn 5.000 tỷ đồng)…
Công ty Far Eastern New Century – FENC cũng đã lên kế hoạch rót 307 triệu USD vào nhà máy sản xuất mới tại Việt Nam hồi tháng 6 và dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào nửa cuối năm 2016.
Theo thống kê của Tập đoàn Wolverine Worldwide (Mỹ), nếu như năm 2007, thị phần nhập khẩu các sản phẩm da giày từ Trung Quốc vào Mỹ thông qua Tập đoàn Wolverine Worldwide chiếm 87%, còn Việt Nam chỉ chiếm 10%, thì đến nay, thị phần của Trung Quốc đã giảm xuống còn 75% và của Việt Nam tăng lên 14,5%. Và trong chiến lược phát triển đến năm 2020 Wolverine Worldwide đã đặt mục tiêu sẽ tập trung vào Việt Nam thay vì Trung Quốc như hiện nay.
Không chỉ Đài Loan hay Hàn Quốc mà các DN Nhật Bản cũng đang quan tâm tới thị trường Việt Nam. Số liệu thống kê của Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, tỷ lệ DN da giày Nhật Bản kinh doanh tại Trung Quốc có ý định mở rộng sản xuất giảm dần từ 73% năm 2010 xuống còn 57% vào năm 2013. Còn tại Việt Nam, cùng khoảng thời gian, tỷ lệ này tăng lên từ 27% lên 30%.
Nhận định về động thái chuyển dịch này, ông Peggy Shih, chuyên gia phân tích của Hãng tư vấn đầu tư chứng khoán Yuanta, cho rằng các nhà cung ứng giày dép đang tích cực chuyển các nhà máy sang Việt Nam để đón đầu cơ hội mà TPP và các FTA mang lại.
Theo chuyên gia này, một khi TPP được thông qua, những hàng hóa từ các nước thành viên trong TPP xuất khẩu qua thị trường Mỹ sẽ được hưởng mức thuế quan ưu đãi. Khi đó, những thương hiệu quốc tế nổi tiếng như Nike và Adidas sẽ chọn sản xuất ở Việt Nam nhiều hơn.
![]() |
Ngành da giày Việt Nam đang đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Italia
Khó lật ngược thế cờ
Điều này cho thấy, thị trường da giày Việt đang là một thị trường rất tiềm năng. Số liệu thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu ngành da giày năm 2014 trên 10 tỷ USD, năm 2015 dự kiến khoảng 12 tỷ USD. Theo Hiệp hội da giày – túi xách Việt Nam (Lefaso), ngành da giày Việt Nam đang đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Italia.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong năm 2015, các FTA đã ký có thể chưa tác động trực tiếp giúp kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh do các nội dung chỉ chính thức có hiệu lực từ 1-2 năm tới. Tuy nhiên, hàng loạt FTA mà Việt Nam tham gia sẽ tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất nguyên phụ liệu và sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, theo thống kê 10 tháng 2015, xuất khẩu da giày đạt trên 10 tỷ USD, song các DN FDI vẫn đang là trụ cột lớn về xuất khẩu và là đối tượng làm gia tăng nhanh quy mô sản xuất ngành da giày.
Lefaso cho biết, với 800 DN, và khoảng 1 triệu lao động, các DN FDI chiếm chưa đầy 25% số lượng DN ngành giày, nhưng lại quyết định tới 70% giá trị xuất khẩu. Các DN nhỏ trong nước chủ yếu chuyển sang sản xuất hàng nội địa, nhường thị trường xuất khẩu hoặc làm gia công cho DN FDI.
Báo cáo của Lefaso cũng chỉ ra rằng ngành da giày mới chỉ chủ động được 30% nguyên liệu da thuộc. Với mức độ phụ thuộc khoảng 70%, mỗi năm ngành da giày nhập khẩu từ 1,1-1,5 tỷ USD da thuộc cho sản xuất hàng xuất khẩu. Và trong tổng số gần 550 DN da giày, có khoảng 80-90 nhà máy tại Việt Nam đang làm hàng gia công cho các thương hiệu Adidas, Nike và 90% trong số này thuộc về các DN FDI.
Ngay cả hai DN Việt là công ty CP Đầu tư và sản xuất giày Thái Bình và công ty CP Công nghiệp Đông Hưng (Đông Hưng group) dù được các DN trong giới mệnh danh là những “đại gia” đầu ngành da giày nhưng thực tế vẫn chỉ là những DN làm hàng gia công xuất khẩu là chủ yếu.
Do vậy, không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ngay cả ở thị trường nội địa – “miếng bánh” hấp dẫn này, DN nội chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng trong nước, 60% còn lại để giày dép ngoại nhập, chủ yếu từ Trung Quốc “nẫng tay trên”.
Lê Thúy
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO) Khi mở cửa thị trường sẽ không phân biệt DN FDI hay DN nội địa, vì bất cứ DN nào cũng được hưởng lợi từ Hiệp định. Tuy nhiên, cuộc chơi chỉ dành cho những DN đáp ứng được tốt các tiêu chí và yêu cầu của thị trường. Vì vậy, nếu DN vừa và nhỏ vẫn quen cách làm ở trong điều kiện phạm vi hẹp, giờ ra biển lớn thì phải thay đổi điều kiện, phải có con tàu tốt hơn, năng lực tốt hơn mới đáp ứng được. Chú trọng vào yếu tố con người, khả năng nắm bắt thông tin, năng lực triển khai các công việc, nâng cao tính đoàn kết của DN. Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hội Da giày Bình Dương Với ngành da giày, DN phần lớn đều làm hàng gia công. Khi DN muốn hưởng lợi từ việc tham gia TPP thì tất cả những nguyên phụ liệu đều phải sản xuất trong nước hoặc trong khối. Do vậy, DN FDI có tiềm lực mạnh mẽ sẽ đầu tư những nhà máy lớn tại Việt Nam để hưởng lợi thế TPP và đầu tư từ khâu sản xuất đến cả khâu cung cấp NPL. Vì thế, TPP sẽ đặt ra nhiều thách thức cho DN da giày trong nước, bởi chúng ta vẫn phải phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, trong khi trình độ quản lý và năng lực rất hạn chế. Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Tp. HCM Các DN Việt muốn chiếm lĩnh thị thường nội địa phải chú ý nhiều hơn đến khâu thiết kế, màu sắc, mẫu mã đa dạng… Mặt khác, DN phải xây dựng thương hiệu riêng, tạo ra nhiều kênh phân phối và linh hoạt trong tiếp thị nhằm tạo niềm tin và cảm xúc ấn tượng đối với người tiêu dùng. |