"Ngành sợi sử dụng và nhập khẩu bông, nhưng hiện nay số doanh nghiệp của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam chưa nhiều, kể cả doanh nghiệp trực tiếp sản xuất cũng như liên doanh mới chỉ có khoảng 80 doanh nghiệp", đây là đánh giá của ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, về thực trạng nhập khẩu và sử dụng bông ở Việt Nam hiện nay.
Ông Nguyễn Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam
----------------------------
Thực trạng nhập khẩu và sử dụng bông của các doanh nghiệp hiện nay ra sao, thưa ông?
Hiện tại ngành sợi Việt Nam phát triển tương đối nhanh, tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm. Mấy năm trước, chúng ta nói đến con số 2 - 3 triệu cọc sợi, thì nay đã lên đến khoảng 4 triệu cọc sợi, tương đương 500.000 tấn bông, xơ các loại. Với năng lực sản xuất trong nước hiện nay mới chỉ đạt khoảng trên 3.000 tấn bông, thì chắc chắn chúng ta vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Về xơ PE, hiện tại trong nước mới chỉ có 2, 3 doanh nghiệp sản xuất, trong thời gian tới, dự án nhà máy sản xuất sợi polyeste Đình Vũ (Hải Phòng) do Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 325 triệu USD sẽ được xây dựng. Sau khi đi vào sản xuất, mỗi ngày nhà máy có thể cung ứng cho các cơ sở dệt trong nước 500 tấn xơ sợi, đáp ứng đến 40% nhu cầu của ngành dệt. Tôi hy vọng dự án này sẽ góp phần nội địa hóa ngành dệt, hạn chế nhập siêu.
Tuy nhiên, với tốc độ số cọc sợi đang sản xuất như hiện nay thì việc tăng nhập khẩu bông vẫn vào khoảng 10%/năm, nếu quy ra tiền có thể lên đến hàng tỷ USD.
Trong thời gian qua, giá bông tăng giảm thất thường. Những biến động này tác động thế nào đến các doanh nghiệp sản xuất?
Giá bông tăng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu bông phải "đau đầu", giá bông tăng gấp đôi thì giá thành sản xuất cũng phải tăng gấp đôi. Trong lĩnh vực sản xuất sau sợi như dệt, may mặc…
lại không tăng cùng một lúc như giá bông hay sợi. Vì vậy, với các doanh nghiệp khi đã ký hợp đồng bán sợi rồi mới nhập bông về với giá cao thì đương nhiên là phải chịu lỗ. Tuy nhiên, khi giá bông theo xu thế tăng thì các doanh nghiệp kéo sợi hay trồng bông, thương mại về bông là có lợi. Nhưng khi giá đứng hay giảm xuống lại rất bất lợi cho các doanh nghiệp này. Tại thời điểm này đang là bất lợi cho các doanh nghiệp trồng bông và kéo sợi.
Vừa qua có một số doanh nghiệp dệt may khi thấy giá bông tăng lên đã "tích cực" nhập vào, vì sợ giá bông còn tiếp tục tăng cao hơn. Nhưng tại thời điểm này, giá bông lại đang có xu thế giảm, khiến nhiều doanh nghiệp không dám bán ra vì sợ lỗ. Vậy theo ông, các doanh nghiệp này cần phải làm gì trong thời gian tới để giảm bớt thua lỗ do phải nhập giá bông quá cao trước đó?
Khi mua giá bông tăng, lúc đưa vào sản xuất giá lại xuống thì doanh nghiệp chỉ có con đường lỗ. Doanh nghiệp đã "ôm" một lượng hàng lớn trong kho thì cũng phải bán ra, có thể chấp nhận chịu lỗ. Vì nếu ngừng sản xuất thì doanh nghiệp vẫn phải trả tiền lương cho người lao động, tiền thuê nhà xưởng… Từ thực tế đấy, theo tôi, các doanh nghiệp bằng kinh nghiệm kinh doanh của mình, kết hợp với việc tham khảo các nước có truyền thống sản xuất, kinh doanh mặt hàng này giúp đỡ, để rút ra bài học cần thiết trong quá trình quản trị rủi ro sau này. Doanh nghiệp cũng cần hết sức thận trọng, theo dõi sát tình hình giá cả trên thị trường để không bị bất ngờ khi mua bông. Đồng thời, bằng mọi cách phải cập nhật giá bông, giá sợi trên thị trường, từ đó sẽ có nhiều thông tin để phán đoán tình huống chính xác hơn.
Ông nhận định thế nào về thị trường bông trong thời gian tới?
Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, hiện tại vụ mùa tới đang có một số triển vọng nhất định. Thứ nhất, diện tích gieo trồng ở Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ là ba nước sản xuất bông lớn trên thế giới đều tăng về diện tích trồng, điều này dẫn đến sản lượng sẽ được tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, thời tiết ở Ấn Độ và Trung Quốc tương đối thuận lợi, đảm bảo sản lượng hai nước này có thể đạt bằng hoặc cao hơn so với năm 2010, nhưng ở Mỹ có tin tại bang Texas đang bị hạn hán nghiêm trọng, có thể làm giảm sản lượng của Mỹ tới 1 triệu kiện bông.
Từ việc tăng sản lượng dự kiến ở Trung Quốc, Ấn Độ và việc giảm ở Mỹ, khả năng sắp tới, nguồn cung có thể được cải thiện thêm, nhưng từ nay đến lúc thu hoạch, khoảng tháng 11/2011, lượng bông còn lại trên thị trường rất ít, khiến cho giá bông vẫn ở trong tình trạng "vật lộn" lúc tăng, lúc giảm có thể do ảnh hưởng của yếu tố đầu cơ. Nhưng theo nhận định của tôi, khả năng sẽ không tăng nhiều.
Để không bị phụ thuộc từ yếu tố bên ngoài thì việc quy hoạch đầu tư cho vùng nguyên liệu của chúng ta sẽ như thế nào, thưa ông?
Việt Nam cũng có một số khu vực có thể trồng được bông như Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên, gần đây có thêm Sơn La. Tuy nhiên, chúng ta là một nước có diện tích nhỏ, vùng khí hậu cũng không thực sự thuận lợi cho việc phát triển cây bông. Trong thời gian qua, dù đã có quy hoạch để phát triển ngành này, nhưng diện tích cũng như sản lượng thì vẫn còn hết sức hạn chế, năm cao nhất mới chỉ đạt được trên 12.000 tấn bông. Riêng năm 2010, khi giá bông tăng đã khiến cho nông dân tăng diện tích trồng bông, nhưng đến khi chuẩn bị thu hoạch thì bị ảnh hưởng của lũ lụt khu vực miền Trung đã làm thiệt hại đến sản lượng rất nhiều, đạt khoảng 3.500 tấn, chỉ đáp ứng được 1%.
Với mức giá bông như hiện nay, nếu tính toán ra thì người trồng bông sẽ có lãi nhiều. Nhưng do diện tích trồng bị hạn chế, cho nên nếu muốn phát triển thì cũng không đáng kể. Chính vì vậy, việc xây dựng một chuỗi sản xuất khép kín, liên hoàn từ sản xuất bông, xơ, kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất vải rồi mới đến may mặc là phương án mà ngành dệt may đang hướng tới. Trong đó, nội địa hóa nguồn nguyên liệu dệt may là khâu quan trọng nhất.
Việt Nguyễn
KINH DOANH số 95, ra ngày 27/06/2011