Trong văn bản gửi Thủ tướng, VAFI cho rằng, hơn 10 năm qua, Đảng, Chính phủ có nhiều chủ trương chính sách gắn cổ phần hóa với niêm yết chứng khoán ; Chủ trương này được thể hiện trong Luật, Nghị định , Quyết định, Nghị quyết của chính phủ và văn bản cụ thể nhất qui định về thoái vốn, cổ phần hóa gắn với niêm yết chứng khoán là Quyết định 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng hiệu lực QĐ 51 còn chưa cao, nhiều DNNN đã cổ phần hóa không chịu niêm yết và thoái vốn.
Nhà nước có thể thu thêm 15 tỷ USD từ tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn
Đối chiếu qui định trên, nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa đã thực hiện tốt chủ trương gắn cổ phần hóa với niêm yết chứng khoán, tuy nhiên cũng còn hàng trăm doanh nghiệp không tuân thủ QĐ 51, cố tình trốn tránh việc niêm yết và người đại diện cổ phần chi phối nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa đã không thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó .
Theo đó, VAFI chỉ ra nguyên nhân cố tình trốn tránh việc niêm yết như: Người đại diện cổ phần nhà nước yếu kém năng lực và không thích sự minh bạch ; Có tình trạng không thích sự minh bạch để dễ dàng tham nhũng, chiếm đoạt tài sản của nhà nước và của cổ đông; Đã có nhiều nhóm lợi ích với ý đồ tham nhũng, bưng bít thông tin và tìm cách kiểm soát doanh nghiệp cổ phần hóa, biến tài sản cổ đông và nhà nước thành tài sản của nhóm cá nhân và những nhóm lợi ích này trở thành chủ nhân của doanh nghiệp mặc dù họ không có nhiều vốn cổ phần....
Đặc biệt, theo VAFI, có tình trạng ngăn cản việc niêm yết từ lãnh đạo Bộ chủ quản, chẳng hạn trường hợp Sabeco và Habeco đã tìm mọi cách trốn tránh niêm yết trong 9 năm, chỉ đến khi có sự chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng Chính phủ thì Sabeco và Habeco mới chịu làm thủ tục niêm yết.
"Ai là người cản trở Sabeco và Habeco niêm yết. Có nhiều mục đích nhưng việc dễ thấy nhất là bổ nhiệm người thân không có năng lực vào các vị trí chủ chốt tại doanh nghiệp", VAFI chỉ ra.
Cho rằng hiện vẫn có sự bao che của một số lãnh đạo bộ ngành, địa phương và chưa có chế tài nghiêm ngặt trong chuyện này, VAFI đề xuất 2 giải pháp để doanh nghiệp Nhà nước buộc phải niêm yết.
Một là nếu bất kỳ người đại diện cổ phần Nhà nước nào không tuân thủ Quyết định 51, cố tình trốn việc niêm yết thì tự động mất tư cách người đại diện phần vốn Nhà nước. Khi đó các cấp có thẩm quyền sẽ cử người khác thay thế.
Hai là nếu lãnh đạo nào ngăn cản doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết thì cá nhân đó phải chịu kỷ luật, không cần họp để xét xử hình thức kỷ luật với cá nhân đó.
VAFI tự tin cho rằng với giải pháp trên, Nhà nước có thể thu thêm 15 tỷ USD từ tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn.
Trước đó, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ đang diễn ra chiều nay (4/10), người phát ngôn Chính phủ - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là “cương quyết sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước”.
Quan điểm nhất quán là thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước một cách trung thực, công khai. Việc bán vốn dứt khoát phải thông qua đấu giá, không bán chỉ định cho một nhà đầu tư nào, không bán giới hạn, không có lợi ích nhóm và mục tiêu là mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước Việt Nam.
Lê Thúy