Hơn 12.000 tỷ đồng là số tiền mà Tổng cục Thuế đã ra quyết định truy thu, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trong năm qua sau khi thực hiện gần 80.000 cuộc thanh tra, kiểm tra thuế. Thế nhưng, tình trạng gian lận thuế vẫn diễn ra rất phổ biến.
DN khủng vào “tầm ngắm” thuế
Theo kế hoạch thanh tra của Tổng cục Thuế, từ nay đến cuối năm 2016, cơ quan này sẽ tiến hành thanh tra một số siêu thị lớn, các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. Các siêu thị, doanh nghiệp nằm trong “tầm ngắm” như: Hệ thống siêu thị BigC Việt Nam, công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim, công ty TNHH MTV lọc hoá dầu Bình Sơn, công ty Cổ phần đầu tư An Phong… Đây là những DN bị đánh giá có rủi ro cao về thất thu thuế.
Ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng – Phó Trưởng Ban cải cách Tổng cục Thuế, cho biết: Ngành thuế sẽ chọn khoảng 10 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, Tp.HCM, Đông Nam bộ có dấu hiệu rủi ro về thu ngân sách trung ương để tiến hành thanh tra trong 6 tháng đầu năm 2016, căn cứ số liệu quyết toán 2015 (sau 31/3/2016) để rà soát điều chỉnh kế hoạch thanh tra, trọng điểm là rủi ro về thu ngân sách trung ương.
Hồi cuối năm 2012, Big C từng dính vào nghi án chuyển giá, trốn thuế khi liên tục kêu lỗ nhưng việc kinh doanh vẫn phát triển liên tục với nhiều hoạt động đầu tư vẫn được xúc tiến.
Hiện tại, tập đoàn TCC của Thái Lan cũng đang có kế hoạch mua lại Big C Việt Nam từ tay của tập đoàn bán lẻ Pháp Groupe Casino, mức giá được cho là sẽ vào khoảng hơn 800 triệu USD.
Còn đối với Nguyễn Kim, hãng bán lẻ đồ điện tử hàng đầu Việt Nam, đã nhận được một khoản tiền khá lớn từ việc tập đoàn Central Group thông qua việc mua lại 49% cổ phần hồi đầu tháng 1/2015. Tuy nhiên, từ đó đến nay, hoạt động đầu tư kinh doanh của Nguyễn Kim không có nhiều nổi bật.
Ngoài ra, trong danh sách thanh tra bổ sung này còn có công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Vấn đề của Dung Quất ở thời điểm hiện tại là nếu không nhờ có cơ chế ưu đãi được giữ lại một phần thuế nhập khẩu 3% – 7% thì nhà máy này đã lỗ tới 27.600 tỷ đồng thay vì chỉ hơn 1.000 tỷ đồng theo thực tế trong giai đoạn 2010 – 2014.
Ngoài tăng cường thanh, kiểm tra các DN lớn, ngành thuế sẽ đẩy mạnh kiểm tra đối với các cá nhân.
Năm 2014, Nguyễn Hà Đông được Trang tin The Richest đưa vào danh sách 10 triệu phú Internet làm giàu từ con số 0. Số tiền mà tác giả của trò chơi nổi tiếng Flappy Bird đã kê khai nộp thuế cho năm 2014 là 1,4 tỷ.
Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia kinh tế, việc các hãng công nghệ như Google và Apple sử dụng ứng dụng game này để bán quảng cáo đã mang về cho Nguyễn Hà Đông những khoản thu không hề nhỏ.
Với hơn 50 triệu lượt tải về mỗi ngày thì số tiền “cha đẻ” trò chơi Flappy Bird sẽ thu về 200 tỷ đồng. Vì vậy, cơ quan thuế đã chỉ đạo Cục thuế Hà Nội tiếp tục thu thuế đối với Nguyễn Hà Đông.
![]() |
Luỹ kế thu quý I/2016 ước đạt 202.679 tỷ đồng, bằng 25% dự toán, 101,8% so với cùng kỳ.
Sẽ thu 809.500 tỷ đồng tiền thuế
Số liệu thống kê ban đầu của Tổng cục Thuế cho biết, đến ngày 25/3/2016, toàn ngành đã thực hiện thanh, kiểm tra hơn 6.500 doanh nghiệp, trong đó thanh tra 737 doanh nghiệp với tổng số thuế tăng thu là 631 tỷ đồng, bằng 99,4% so với 3 tháng đầu năm 2015, giảm lỗ 1.786,7 tỷ đồng._Kiểm tra tại trụ sở đối với gần 5.800 doanh nghiệp với tổng số thuế tăng thu là 979 tỷ đồng, bằng 112,1% so với 3 tháng đầu năm 2015, giảm lỗ 1.172 tỷ đồng.
Tổng số thuế tăng sau các đợt thanh tra, kiểm tra là 1.629 tỷ đồng, bằng 98,1% so với 3 tháng đầu năm 2015, trong đó truy thu hơn 893 tỷ; truy hoàn gần 168 tỷ; phạt 548,9 tỷ; số thuế điều chỉnh tăng thu qua kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế là 19,4 tỷ đồng.
Những số liệu trên cho thấy, nếu không thực hiện các biện pháp rà soát, chống thất thu ngân sách, hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế sẽ dễ dàng “bốc hơi”, bởi những DN gian lận thuế.
Điều này không chỉ khiến ngân sách bị thất thu lớn mà còn tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, bởi những DN làm ăn chân chính và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NSNN sẽ bị thiệt thòi so với những DN gian lận tiền thuế.
Để ngân sách không bị “chảy máu”, năm 2016 ngành thuế sẽ tập trung nguồn lực cho công tác này. Đặc biệt đối với những lĩnh vực mang tính thời sự, những vấn đề nóng, có nhiều bức xúc, có rủi ro cao về thuế và được dư luận xã hội quan tâm sẽ được ngành Thuế lựa chọn và đưa vào kế hoạch thanh, kiểm tra.
Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong năm nay, toàn hệ thống thuế sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các DN có rủi ro cao về thuế, DN giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ, DN có dấu hiệu chuyển giá, DN lớn nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra hay DN hoàn thuế lớn.
Đặc biệt, ngành Thuế cũng lưu tâm tới các lĩnh vực phát sinh thuế nhà thầu nước ngoài, dược phẩm, thiết bị y tế, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn bất hợp pháp…
Cùng với việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ, Tổng cục Thuế cũng sẽ tăng cường phối hợp với các ngành liên quan trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm gian lận, trốn thuế.
Theo dự toán pháp lệnh năm 2016, số thu toàn ngành Thuế phải thực hiện là 809.500 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, ngành Thuế sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực cho công tác thanh, kiểm tra thuế. Mục tiêu mà toàn ngành đặt ra là phấn đấu, thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đạt tối thiểu 18% số lượng DN thuộc diện quản lý thuế để tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.
Huyền Anh
PGs.Ts Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế Phải phân loại và tìm giải pháp hỗ trợ các DN có lịch sử làm ăn tốt, có năng lực nhưng vì khó khăn mà mất thanh khoản tạm thời. Còn đối với DN cố tình trốn thuế, chây ì thì phải thanh kiểm tra, kiên quyết truy thu, công khai. Ông Đỗ Hoàng Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Tài chính Bên cạnh việc kiên quyết thu hồi nợ thuế, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế tại khoảng 18.000 doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ tập trung thanh tra, chống chuyển giá; thực hiện thanh tra 11.500 doanh nghiệp FDI, tập trung tại 4 cục thuế địa phương nhằm hạn chế tình trạng thất thu NSNN qua những chiêu trò chuyển giá, trốn thuế. Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính Một trong những giải pháp từ nay đến cuối năm là quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; kiên quyết xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật, giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai các doanh nghiệp nợ thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; tăng cường kiểm tra sau thông quan; giám sát đối với hàng tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, hàng hóa ra vào các khu chế xuất, kho ngoại quan |